Xanh mát đường tre Gáo Giồng

22/04/2024 176 0
Một trưa mùa hạ, chúng tôi tìm đến Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng thuộc xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp nơi ngày càng thu hút nhiều khách du lịch nhất là từ khi có con đường tre dài nhất Việt Nam.


Ðường tre tại rừng tràm Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp

Đến với rừng tràm Gáo Giồng, nhất là mùa khô này, khách được tham gia bắt chuột, bắt vịt trên cạn, tham quan sân chim, lên đài quan sát ngắm cánh rừng tràm từ trên cao… Ðặc biệt, hai năm gần đây, rừng tràm Gáo Giồng chào đón du khách với một "sản phẩm du lịch" hoàn toàn miễn phí, đó là con đường tre dài nhất Việt Nam.

Giám đốc Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng Lê Ngọc Kiều Oanh cho biết: Do không bán vé, nên khi đến với đường tre Gáo Giồng, khách du lịch có thể cho xe dừng trên đường tre trước rồi mới vào bên trong khu du lịch sinh thái mua vé tham quan khu rừng tràm, hoặc có thể vào tham quan rừng tràm Gáo Giồng rồi sau đó trở ra để tìm đến đường tre Gáo Giồng.

Con đường tre ở rừng tràm Gáo Giồng được trồng cách đây đúng 10 năm. Ban đầu, Ban quản lý Rừng tràm Gáo Giồng triển khai trồng với chiều dài 2 km; từ đầu năm 2023 trồng thêm hơn 4 km. Ðến nay, đường tre có tổng chiều dài hơn 6 km với 1.860 bụi tre. Tất cả là tre Việt Nam, gồm 6 loại: tre hoa hậu, tre vàng sọc, tre mai khạo lam, tre le… Theo kế hoạch, sẽ trồng hết diện tích còn lại hơn 300 m vào tháng 5 tới. Sau khi trồng xong, đường tre Gáo Giồng sẽ có tổng chiều dài 7 km. Ðây được xem là con đường tre dài nhất, và tiếp tục chăm sóc để phấn đấu được công nhận trở thành đường tre đẹp nhất ở Việt Nam hiện nay.


Đường tre có tổng chiều dài hơn 6 km với 1.860 bụi tre

Ðường tre Gáo Giồng nằm trên đường nội bộ của rừng tràm Gáo Giồng. Ðiểm đầu đường tre tại kênh Bảy Thước, điểm cuối kéo dài đến bộ sưu tập tre của rừng tràm. Tùy loại tre mà có loại trồng bụi này cách bụi kia từ 3-8 m. Tre được trồng riêng biệt, không xen loại cây khác. Tuy nhiên, trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những cây bằng lăng đang ra hoa lẫn vào hàng tre.

Trưởng ban quản lý Rừng tràm Gáo Giồng Huỳnh Thanh Hiền cho biết, bằng lăng đã có trước khi tre được trồng. Việc đốn bỏ bằng lăng cũng thấy tiếc vì hoa rất đẹp, nên quá trình trồng đã cho mé nhánh để sao cho cây chìa ra sông. Khi bằng lăng ra hoa tạo thêm không gian đẹp trên tuyến đường tre. Việc bằng lăng phát triển gần cũng không ảnh hưởng gì đến các bụi tre, vì tre có sức sống rất mãnh liệt. "Sau 10 năm trồng đường tre, cái đạt được lớn nhất là môi trường và cảnh quan phục vụ du khách, góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, vì phong tục con người Việt Nam từ bao đời nay gắn với lũy tre làng", anh Hiền chia sẻ.

Cách đây 20 năm, tất cả tre được trồng hơn 20 km chung quanh rừng tràm Gáo Giồng là loại tre gai, trồng trên nền đất phèn. Khi ấy, trồng tre với mục đích làm vành đai bảo vệ, chống hành vi xâm nhập vào rừng. Ðối với 6 loại tre tạo cảnh quan, việc trồng ban đầu gặp nhiều khó khăn. Ðặc biệt là tre hoa hậu gặp nắng gắt bị cháy lá, dễ dẫn đến chết cây, hay những bụi tre le gặp nước ngập cũng không sống được. Cách 10 ngày, nửa tháng phải xới gốc tưới nước mới thấm đất. Khi tre lớn lên cũng phải chiết tỉa, chăm sóc vất vả vào mùa khô.

Hiện nay tại rừng tràm Gáo Giồng có một cán bộ kỹ thuật và một số lực lượng khác trồng, chăm sóc tre. Tương lai, sẽ đề xuất thành lập một tổ chuyên vận hành khu bảo tồn tre với diện tích 66 ha, trong đó có một phần diện tích của con đường tre.

Khoảng 2 năm gần đây, đường tre Gáo Giồng thu hút nhiều du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, không gian yên tĩnh rợp bóng mát. Ðể đường tre ngày một đẹp hơn, đặc biệt là vào mùa nắng nóng, khu du lịch phối hợp Ban quản lý Rừng tràm Gáo Giồng tham gia tưới nước cho các bụi tre; tiến hành rong, mé cây tre, vệ sinh, quét dọn đường tre.

Tre là loại cây phát triển nhanh, cung cấp nguồn tài nguyên bền vững và có thể tái chế. Với khả năng hấp thụ các-bon tốt, tre còn góp phần tích cực giảm tác động biến đổi khí hậu. Con đường tre đang và sẽ là điểm nhấn cho Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, tạo không gian thư giãn độc đáo, gần gũi thiên nhiên cho du khách.

Hữu Nghĩa

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu