Đồng Tháp: Xây dựng phát triển du lịch trở thành ngành Kinh tế quan trọng

08/02/2024 1088 0
Năm 2023, Đồng Tháp đón được 4 triệu lượt khách, đạt 105,26% kế hoạch năm tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu du lịch ước đạt 1.900 tỷ đồng đạt 105,55%, tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu đề ra. Có được kết quả này, ngành Du lịch Đồng Tháp đã nỗ lực tích cực xây dựng sản phẩm du lịch, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến mời gọi du khách trong và ngoài nước đến Đồng Tháp. Ngành Du lịch quyết tâm xây dựng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu đã đề ra.


Quýt hồng Lai Vung.

Xây dựng sản phẩm đặc thù mời gọi du khách

Năm 2023, ngành Du lịch Đồng Tháp quyết tâm thực hiện kế hoạch xây dựng và phát triển du lịch Đồng Tháp trở thành ngành Kinh tế quan trọng giai đoạn 2023 – 2025 định hướng đến năm 2030; Xây dựng Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2023 –2025, tầm nhìn đến 2030...

Ngành Du lịch Đồng Tháp tích cực triển khai thực hiện các giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Kế hoạch tổ chức Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần thứ I năm 2023. Kế hoạch phối hợp tổ chức và tham gia Hội nghị tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023.


Làng hoa Sa Đéc.

Năm qua, phát triển 01 điểm Vườn cây ăn trái tại huyện Lấp Vò (Năm Tiệm), 01 điểm du lịch sinh thái tại huyện Tam Nông (Hoàng Hảo), 2 điểm vườn cây ăn trái tại huyện Cao Lãnh (Điểm tham quan Đồng Xanh và Điểm tham quan Màu Hồng). Đưa vào quy hoạch phát triển du lịch đối với 02 điểm Hoàng Hảo (Tam Nông) và Làng du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông. Hoàn thiện chất lượng các chương trình tour: Tour dỡ chà đãi bạn thành phố Cao Lãnh, Tour du lịch trải nghiệm nông nghiệp huyện Cao Lãnh, Tour Làng nghề chiếu Định Yên. UBND tỉnh đã quyết định công nhận 02 điểm du lịch cấp tỉnh là Hoàng Hảo, Thuận Hiếu.

Tổ chức quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh chào bán Tour du lịch Chợ chiếu ma Định Yên; 03 chương trình tour tại Tràm Chim (Bình Minh Tràm Chim 02 giờ, Bình Minh Tràm Chim 02 ngày 01 đêm, Hoàng hôn Tràm Chim 02 ngày 01 đêm). Có 02 mô hình mới triển khai đi vào hoạt động có hiệu quả là Chợ quê Tân Thuận Đông và chợ quê Gò Tháp. Hướng dẫn 03 điểm OCOP du lịch hoàn chỉnh hồ sơ tái công nhận 3 sao: Khu vui chơi miệt vườn Happy Land Hùng Thy, Homestay Ngôi nhà Hoa Ếch, Vườn kiểng Ngọc Lan, trong đó Khu vui chơi miệt vườn Happy Land Hùng Thy nâng hạng 4 sao. 03 sản phẩm mới dự thi năm 2023: Khu du lịch vườn Hồng tư Tôn và Khu du lịch Hoa kiểng Sa Đéc, Vườn Sinh Thái Nam Hương…

Hướng đến mục tiêu mới doanh thu 2.000 tỷ đồng

Năm 2024, du lịch Đồng Tháp phấn đấu thu hút 4.200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có 50.000 khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 2.000 tỷ đồng. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết: “Năm 2024 phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng. Ngành Du lịch phải tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp. Đưa du lịch Đồng Tháp phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, phát huy định vị thương hiệu du lịch Đồng Tháp gắn với nâng cao hình ảnh địa phương; nâng tỷ trọng và đóng góp của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế”.

Ngành Du lịch Đồng Tháp tiếp tục triển khai Dự án kết nối giao thông phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển du lịch. Tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch dẫn đến các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh để xây dựng các tuyến du lịch, tour du lịch khép kín. Phát triển hệ thống quầy hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP Đồng Tháp tại các khu di tích, điểm du lịch, điểm dừng chân và khu vệ sinh công cộng trên các tuyến đường bộ phục vụ phát triển du lịch.

Đầu tư xây dựng ba bến tàu khách du lịch tại 3 thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc và Hồng Ngự để khai thác loại hình du lịch đường sông. Mời gọi đầu tư phát triển các công trình dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, hoạt động trải nghiệm phù hợp tại các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong du lịch; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Đồng thời, tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khác biệt, có giá trị gia tăng và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên đặc trưng của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Đồng Tháp. Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa lịch sử kết hợp Lễ hội; du lịch ẩm thực Sen - sự kiện/MICE kết hợp mua sắm; du lịch số; du lịch chăm sóc sức khỏe... Nâng cấp chất lượng các Chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Chương trình du lịch trải nghiệm một ngày làm nông dân ở Xẻo Quít, Chương trình du lịch trải nghiệm mỗi ngày một nghề tại thành phố Sa Đéc, Chương trình du lịch đi trong màu xanh của vườn trái cây đặc sản như quýt hồng Lai Vung, xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành… Nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, Homestay, Farmstay, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm OCOP hạng 3 sao – 4 sao; triển khai các điểm bán hàng OCOP tại các điểm du lịch cộng đồng của địa phương.


Ghe bán bông.

Phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khai thác tuyến du lịch mới “Sắc màu vùng biên” (Thành phố Hồ Chí Minh – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang). Phối hợp với tỉnh Long An và Tiền Giang tiếp tục hoàn thiện Chương trình du lịch “Hành trình ba địa phương một điểm đến” nhằm gia tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Phối hợp với An Giang phát triển tuyến du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử… Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm nhằm lan toả thương hiệu du lịch “Đồng Tháp – Thuần khiết như hồn Sen”. Tăng cường và đa dạng thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế. Phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Năm du lịch Quốc gia, hội chợ quốc tế, ngày hội du lịch, hội nghị, hội thảo; các chương trình khảo sát xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm và tour liên kết vùng...

Đón chào năm mới, Đồng Tháp tổ chức thành công Festival Hoa-Kiểng Sa Đéc lần thứ I năm 2023, với chủ đề “Tình đất-Tình hoa”. Làng hoa Sa Đéc đã thu hút đông đúc du khách đến tham quan, trài nghiệm. Nhân dịp này, Đồng tháp mở 04 tour mới phục vụ khách dịp Festival: “Theo dấu Người tình” tham quan Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê; Làng hoa Sa Đéc; quảng trường thành phố Sa Đéc; Di tích Xẻo Quít; Di tích Gò Tháp và chợ quê Gò Tháp; “Sa Đéc Tình đất - Tình hoa”: Tham quan Làng hoa Sa Đéc; quảng trường thành phố Sa Đéc; Khu du lịch Văn hoá Phương Nam; Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Chợ quê Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh); “Vương quốc hoa Sa Đéc - Hành trình di sản xanh”: Tham quan Làng hoa Sa Đéc; quảng trường thành phố Sa Đéc; Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê; Chùa Kiến An Cung; vườn quýt hồng Lai Vung; chợ chiếu ma Định Yên (huyện Lấp Vò); “Sa Đéc - Không gian Văn hóa Phật giáo giữa lòng đô thị cổ”: Tham quan Làng hoa Sa Đéc; quảng trường thành phố Sa Đéc; Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê và các chùa, nhà cổ trên địa bàn thành phố Sa Đéc; Khu du lịch Văn hoá Phương Nam.

Huỳnh Biển

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu