Dỡ chà là một hình ảnh hoàn toàn không xa lạ gì với dân sông nước Nam bộ ở dạng nhỏ lẻ của từng gia đình nhưng cắm chà để nuôi cá trên qui mô rộng dọc theo triền sông ở Tân Thuận Tây do Công ty du lịch Mỹ Phước Thành phối hợp đầu tư với hàng chục hộ gia đình khác lồng ghép vào du lịch là các làm hết sức độc đáo và mới mẻ. Đơn vị này phối hợp với khoảng vài chục hộ dân thả chả nuôi cá đồng thời luân phiên nhau dỡ chà quanh năm để phục vụ khách du lịch.
Chuẩn bị dỡ chà bắt cá.
Để có được “ổ” dụ cá vào ở tập trung, bà con nông dân chọn các đoạn sông gần bờ, sâu không quá chục thước, rồi chặt các loại cây như trâm bầu, đặc biệt là cây bần ( cá rất thích) .v.v.. bỏ xuống để nhử cá vào “định cư”. Kinh nghiệm cho thấy các loại cây lá có tinh dầu như bạch đàn, tràm cá sẽ không thích ở. Trước khi dỡ chà khoảng nửa tháng, để cá vô nhiều, bà con sẽ trộn đất sét với hèm, thức ăn viên .v.v… dụ cá vào đông hơn.
Để dỡ xong một đám chà phải mất 7-8 tiếng đồng hồ, người dỡ chà phải có sức khỏe tốt vì phải ngụp lặn thời gian lâu trong nước, có khi phải uống rượu đế hoặc nước mắm cá linh để lấy sức. Người ta sẽ dùng những tấm lưới thật lớn phủ lên đám chà và cả dưới cả dưới mặt nước được cố định bằng những cây tre, xung quanh có thể để vài chiếc xuồng để những con cá lớn có nhảy thì cũng chỉ nhảy vô xuồng, không thoát được ra ngoài. Thường công việc dở chà được bắt đầu từ 2-3 giờ khuya kéo dài đến sáng và khá vất vả, đến giai đoạn thu “ chiến lợi phẩm” là lúc đò chở khách du lịch đến… Dỡ chà là hình thức bắt cá sông dân dã, có từ giữa thế kỷ trước nhưng hiện nay nguồn cá ngoài tự nhiên không còn nhiều, cá được bắt từ dỡ chà được xem là “ quí” vì tự nhiên hơn cá nuôi công nghiệp. Bình quân một đống chà sẽ dỡ được 5-6 lần trong năm. Dỡ chà là cách đánh bắt cá truyền thống, không làm ảnh hưởng đến môi trường, vừa gắn kết cộng đồng, vừa mang đặc tính của miền quê sông nước Nam bộ.
“Chiến lợi phẩm” sau khi dỡ chà.
Từ bến đò tượng đài Tập Kết tại TP. Cao Lãnh, khách sẽ được xuống đò xuôi theo sông Tiền ra trải nghiệm dỡ chà bắt cá mà các ụ chà đã chuẩn bị sẳn đợi khách. Ngồi trên đò nhìn cảnh vật hai bên bờ sông với mênh mông những rặng bần, với muôn vàn lục bình trôi, với làn gió mát rượi từ sông thổi vào không gì thú vị bằng. Đoàn nhà báo trong đoàn famtrip chúng tôi đến nơi bắt đầu công cuộc dỡ chà bắt cá vô cùng thú vị, có lẽ khó mà tả hết bằng lời khi những mẻ cá được kéo lên. Cá he, cá mè, cá ngát, cá trê, tôm càng.v.v… còn sống, tươi roi rói nhảy một cách loạn xạ, có những con nhảy tung qua cả lưới được giăng sẳn rơi vào nhờ các xuồng nhỏ được bao xung quanh. Lần dỡ chà này “hên” có nhiều cá ngát và có cả tôm càng, vì nếu mẻ chà nào nhiều cá ngát thì sẽ ít tôm càng vì cá ngát thường ăn hết tôm càng. Khách có thể cùng ra xuồng bắt cá hay nhảy xuống cả sông để có trải nghiệm sống động nhất.
Giám đốc trẻ Trương Quang Thái - Công ty du lịch Mỹ Phước đang làm
“ hướng dẫn viên” đưa đoàn khách báo chí từ Tp.HCM xuống
trải nghiệm mô hình dỡ chà bắt cá ở Cao Lãnh.
Hấp dẫn nhất là cá tươi khi được kéo lên, lựa chọn những con “tinh túy” nhất , to nhất như cá ngát, tôm càng, cá he... được bếp chế biến ngay trên đò thành những món rặt Nam bộ , chỉ nhìn đã…thèm như tôm càng nướng mọi, cá ngát kho niêu, cá ngát nấu canh chua, cá he chiên xù.v.v...Nếu đi dỡ chà ngay mùa bông lục bình nở thì thực khách còn được thưởng thức ngay món bông lục bình chấm cá kho niêu hoặc lục bình nấu canh chua “ngon nhức nhối”!
Không chỉ có dỡ chà bắt cá, khách còn được tha hồ “check in sống ảo”
với “hoa lục bình tím cả bờ sông”!
Ông Trương Quang Thái, giám đốc trẻ Công ty du lịch Mỹ Phước Thành - tuổi mới ngoài 30, sau khi học ngành du lịch đã quyết định chọn quê nhà Đồng Tháp để lập nghiệp - cho biết :“ Chúng tôi cho ra đời hình thức du lịch rặt chất sông nước Nam bộ này cũng là để khách khách tìm về kỷ niệm ( với những ai đã sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước miền tây Nam bộ) hoặc trải nghiệm hình thức du lịch mới đối với khách phương xa đến Đồng Tháp lần đầu! Đây là hình thức du lịch trên sông nước, trải nghiệm món ngon do chính mình góp sức làm nên kết hợp với nuôi trồng thủy sản một cách tự nhiên, dân dã như ông bà mình từng làm hàng bao năm qua mà không gây ô nhiễm môi trường ”.
Hiện mô hình tour du lịch trải nghiệm độc đáo này với tên gọi “Dỡ chà đãi bạn” đã được Công ty du lịch Mỹ Phước Thành đăng ký sở hữu tác quyền từ Cục Sở hữu trí tuệ vào tháng 10/2022. “ Chúng tôi kết hợp trải nghiệm du lịch dỡ chà này với du lịch khu chợ đêm trên cồn ở Tân Thuận Đông và cho đến thời điểm hiện tại, khách đã đăng kín kín lịch đến Tết hết rồi!”, ông Thái cho biết thêm.
Theo Sen Hồng (baodansinh.vn)