Quyết tâm tạo sự đột phá trong phát triển du lịch Đồng Tháp năm 2023

05/01/2023 1212 0
Sau 02 năm bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19, du lịch Đồng Tháp đã có nhiều khởi sắc trở lại và đang chuyển biến mạnh mẽ. Ước tính năm 2022 đón tiếp và phục vụ được 3,4 triệu lượt, đạt 113,33% kế hoạch năm, tăng 128,56% so với cùng kỳ. Doanh thu 1.500 tỷ đồng, đạt 150% kế hoạch năm, tăng 165,78% so với cùng kỳ và cao gấp 1,5 lần so với năm chưa xảy ra dịch bệnh Covid – 19 (2019). Lượt khách đúng thứ 4 ĐBSCL và đứng đầu Cụm liên kết phía Đông (Đồng Tháp - Long An - Bến Tre - Vĩnh Long - Trà Vinh - Tiền Giang). Kết quả này tiếp tục khẳng định vị thế của du lịch Tỉnh.


Năm 2023, Du lịch Đồng Tháp đặt ra mục tiêu thu hút 3,6 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch là 1.800 tỷ đồng.

Bước vào năm 2023 – năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đặt ra mục tiêu thu hút 3,8 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch là 1.800 tỷ đồng; phấn đấu đưa du lịch bước vào giai đoạn tăng trưởng, để sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, cần có những chính sách và giải pháp tạo sự đột phá.

Thứ nhất, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp, chính sách Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh về phát triển du lịch. Cụ thể: Kết luận số 249-KL/TU của BCH Đảng bộ Tỉnh, Kế hoạch số 61/KH-UBND Tỉnh về thực hiện về đẩy mạnh phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 01 của HĐND Tỉnh về Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; Xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành, đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương tỉnh Đồng Tháp 2023-2025 tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, xem du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh, mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, du lịch phát triển sẽ tạo ra nhu cầu, thị trường và động lực để thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển; Phát huy ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, giữ gìn và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, tích cực tham gia đầu tư phát triển du lịch; Có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP; kết nối và xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn. Tập trung đầu tư, nâng cấp các công trình thiết yếu, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển sản phẩm mới, nâng chất các dịch vụ hiện có tại các khu, điểm du lịch trọng điểm có quy mô lớn và sự khác biệt so với các địa phương khác như: Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quít, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Làng văn hoá du lịch Sa Đéc, Làng văn hoá du lịch sen Tháp Mười,…

Đầu tư hoàn thiện và đưa vào khai thác các hạng mục còn lại theo Đề án phát triển du lịch Tỉnh giai đoạn 2015-2020. Nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các khu di tích, điểm du lịch đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; Xây dựng hệ thống quầy hàng lưu niệm, quà tặng du lịch, sản phẩm OCOP Đồng Tháp tại các khu di tích, điểm du lịch, điểm dừng chân; Xây dựng bảo tàng Sen tại Khu di tích Gò Tháp.

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khác biệt, có giá trị gia tăng và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên đặc trưng của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Đồng Tháp. Phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa lịch sử (Đình làng – Nhà cổ) kết hợp Lễ hội; du lịch ẩm thực Sen - sự kiện/MICE kết hợp mua sắm; du lịch chính quyền, du lịch số; du lịch chăm sóc sức khỏe;...

Tiếp tục hoàn thiện vào chào bán 03 tour du lịch trải nghiệm: tour du lịch nông nghiệp huyện Cao Lãnh, tour Dỡ chà đãi bạn thành phố Cao Lãnh, tour du lịch trải nghiệm làng chiếu Định Yên Lấp Vò. Tiếp tục khảo sát, xây dựng Tour du lịch trải nghiệm nông nghiệp vùng biên (TP Hồng Ngự và huyện Tân Hồng)

Thứ tư, tăng cường truyền thông; tổ chức tốt các sự kiện, lễ hội để thu hút khách nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện Văn hoá, Thể thao và Du lịch của Tỉnh. Đăng cai tổ chức một số sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, thể thao cấp quốc gia, quốc tế. Tổ chức Lễ giỗ thường niên Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với quy mô sự kiện văn hoá cấp Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức các lễ hội: Gò Tháp, Festival Hoa Sa Đéc, Lễ hội Quýt hồng Lai Vung…

Thứ năm, phát huy vai trò các hoạt động liên kết: tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước, đặc biệt là phát huy chương trình kết nối du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 Tỉnh thành Đồng bằng Sông Cửu Long. Triển khai thực hiện các nội dung đã được ký kết tại Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 đi vào thực chất.

Tiếp tục phối hợp với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khai thác tuyến du lịch mới Sắc màu vùng biên (TP HCM – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang). Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An và Tiền Giang tiếp tục hoàn thiện Chương trình du lịch “Hành trình ba địa phương một điểm đến” nhằm gia tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Phối hợp với An Giang phát triển tuyến du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử. Tham gia có trách nhiệm, đạt hiệu quả vào các sự kiện du lịch Quốc gia và Khu vực ĐBSCL.

Thứ sáu, đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển: để nhanh chóng bù đắp lượng lao động thiếu hụt sau 02 năm dịch, Năm 2022 Sở VHTTDL đã tổ chức được 08 lớp nghiệp vụ cho gần 500 cán bộ nhân viên đang công công tác trong các doah nghiệp, khu điểm và các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng. Tuy nhiên so với yêu cầu vẫn còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Năm 2023, Sở tiếp tục tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch sẵn sàng cho việc phục hồi du lịch cả nội địa và quốc tế. Trong đó chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức quản lý, quản trị du lịch, các kỹ năng nghiệp vụ du lịch, các kiến kiến thức về văn hoá lịch sử cho đội ngũ lao động trong các cơ sở kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai kế hoạch phát huy giá trị 200 món ăn Sen đã được xác lập kỷ lục đưa vào hệ thống nhà hàng, quán ăn góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến Đồng Tháp.

Thứ bảy, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch. Trong 2 năm vừa qua, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch phát triển hết sức mạnh mẽ, tốc độ thần kỳ. Các doanh nghiệp, các điểm đến và hệ thống cơ sở lưu trú đã áp dụng rất nhiều giải pháp để tối ưu hóa hoạt động và phục vụ nhu cầu của du khách như “du lịch thực tế ảo”, “tích hợp du lịch 4.0 trên thiết bị di động”, “Trí tuệ nhân tạo và Chatbot”, “ITO - Internet of thing trong du lịch”…

Năm 2023, Đồng Tháp tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Phát huy lợi thế, khai thác có hiệu quả các khu, điểm du lịch trọng điểm và tài nguyên giá trị văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, kiểm tra, kịp thời phát hiện bất cập để sửa đổi, chấn chỉnh tạo hành lang phát triển bình đẳng, mạnh mẽ, ổn định, bền vững.

Khánh Vân

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu