Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt đầu năm (Ảnh: Tổ quốc)
Hoạt động du lịch diễn ra sôi động trên cả nước
Về tình hình hoạt động du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Cục đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác quản lý đối với các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch. Đồng thời Cục đã ban hành công văn gửi các Sở quản lý du lịch đề nghị tăng cường công tác quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn, đảm bảo hoạt động du lịch trong dịp Tết Nguyên đán an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.
Chính vì vậy, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các địa phương đã rất chủ động triển khai các hoạt động thu hút, phục vụ khách du lịch, bảo đảm chất lượng dịch vụ. Bên cạnh nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, các doanh nghiệp du lịch cũng chủ động cung cấp các gói dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người dân trong những ngày Tết Nguyên đán.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh (Ảnh: Tổ quốc)
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh thông tin, từ ngày 8 - 14/02, ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023); công suất phòng trung bình ước đạt khoảng từ 45 - 50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (trong đó cơ sở lưu trú du lịch cao cấp từ 4 - 5 sao ở một số địa phương trọng điểm du lịch đạt công suất cao hơn, tập trung vào các ngày 3, 4 Tết). Nhiều địa phương trọng điểm du lịch thu hút lượng đông khách du lịch, mang lại nguồn thu lớn từ hoạt động du lịch.
Về hoạt động văn hóa, lễ hội, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, đối với hoạt động quản lý lễ hội đầu Xuân năm 2024, với sự chỉ đạo chung của Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, Bộ và Cục đã ban hành nhiều văn bản gửi về các địa phương. Qua tổng hợp, công tác quản lý lễ hội năm nay đổi mới hơn so với mọi năm. Các tỉnh, thành phố đã chủ động đưa ra các phương án trọng tâm, trọng điểm, có dự báo đối với hoạt động lễ hội tại địa phương. Nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch tổng thể cho các hoạt động lễ hội chung, từ đó chỉ đạo trực tiếp các cấp chính quyền xây dựng các kịch bản, kế hoạch, trong đó đưa ra nhiều phương án khả thi cho hoạt động lễ hội.
Qua theo dõi có thể thấy, quy mô và thời gian các lễ hội truyền thống năm nay mở rộng hơn như tại Hà Nội, Lễ hội Gò Đống Đa năm đầu tiên được tổ chức kéo dài 3 ngày, hay như Lễ hội đền Hai Bà Trưng tại huyện Mê Linh lần đầu tiên tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt (Ảnh: Tổ quốc)
Về lĩnh vực thể dục thể thao, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt cho biết, căn cứ hướng dẫn của Bộ VHTTDL, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao sôi nổi, đặc sắc chào mừng "Mừng Đảng - Mừng Xuân" dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Điện Biên tổ chức thi đấu Môn Kéo co, Môn Tung còn, Môn bóng rổ, Khiêu vũ thể thao; Hà Nội tổ chức Giải Vật dân tộc "Mừng Đảng, Mừng Xuân"; Hải Dương tổ chức các hoạt động giao lưu, thi đấu giao hữu các môn thể thao, thể thao giải trí, biểu diễn võ thuật với các đơn vị trong và ngoài tỉnh; giao lưu bóng bàn tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh...
Bộ sẽ tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ sau Tết
Về một số công việc triển khai sau Tết Nguyên đán, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân năm 2024.
Tiếp tục thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; các văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL: Quyết định số 2139/QĐ-BVHTTDL ngày 16/7/2021 phê duyệt Đề án "Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam" giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 274/CTBVHTTDL ngày 23/9/2022 về "Tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, phục hồi và phát triển du lịch"; Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2023 về xây dựng "Bộ tiêu chí môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt (Ảnh: Tổ quốc)
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội và các quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động vui chơi giải trí mừng Đảng, đón Xuân Giáp Thìn và công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2024.
Cùng với đó là tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền, cổ động, triển lãm bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú dưới nhiều hình thức phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, an toàn, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức; thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.
Thủ tướng đã đánh giá cao nỗ lực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, chúng ta vui mừng nhận thấy, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, gắn với đó là triển khai thực hiện trách nhiệm của ngành trong tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đảm bảo phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và góp phần phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, với cách tiếp cận sớm, từ xa và chủ động, trước Tết, Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương để đồng hành và tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đưa các hoạt động đi vào quy củ.
Bộ trưởng vui mừng cho biết, tại phiên họp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành nhiều lời khen, ghi nhận nỗ lực của Bộ VHTTDL trong quản lý lễ hội diễn ra an toàn đúng thuần phong mỹ tục, không có biểu hiện thương mại hóa. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân diễn ra sôi nổi, rộng khắp, góp phần vào các sự kiện chính trị quan trọng của quê hương đất nước. Du lịch có nhiều dấu hiệu tăng trưởng. Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực chung và mong muốn toàn ngành VHTTDL tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Bộ trưởng cho rằng với sự chuẩn bị sớm và nghiêm túc thực hiện chỉ thị 26 của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng, Công điện của Chính phủ, có thể thấy toàn ngành đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các hoạt động về văn hóa nghệ thuật, lễ hội đã được triển khai bài bản, diễn ra sôi động và phù hợp với quy mô từng địa phương, vùng miền, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Theo Bộ trưởng, những đánh giá này là kết quả đáng được ghi nhận. Nhiều bất cập trước đây trong các mùa lễ hội đến nay đã được chấn chỉnh, các địa phương có sự vào cuộc tích cực. Bộ cũng đã có công văn gửi các tỉnh, thành ủy và Bí thư các tỉnh, thành ủy. Bộ trưởng cũng đã có chỉ thị gửi toàn ngành, UBND các tỉnh; đồng thời yêu cầu các Thứ trưởng có công văn đôn đốc, Cục Văn hóa cơ sở liên tiếp ban hành các văn bản yêu cầu các Sở nghiêm túc thực hiện các văn bản về quản lý lễ hội do các cấp ban hành. Hoạt động thanh kiểm tra được tổ chức thường xuyên.
Về lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng cho biết chúng ta đã kiên trì triển khai hiệu quả Nghị quyết 82 của Chính phủ gắn với kết luận tại hai Hội nghị quan trọng về du lịch do Thủ tướng chủ trì. Các địa phương đều có những sản phẩm du lịch mới; thông qua công tác xúc tiến quảng bá và làm mới sản phẩm tạo điểm đến an toàn, lượng khách đã được tăng cao, lượng khách lưu trú tăng cao với những con số ấn tượng. Khách nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn, tìm hiểu về văn hóa Việt và phong tục tập quán của người Việt, Tết Việt.
"Đặc biệt, việc Liên hợp quốc công nhận ngày nghỉ Tết nguyên đán trở thành ngày nghỉ lễ cũng đã góp phần khẳng định thêm vị thế, phong tục tập quán tốt đẹp, qua đó cũng tăng thêm lượng du khách" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về lĩnh vực thể thao, theo Bộ trưởng, chúng ta đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó chú trọng thể thao dân tộc, qua đó giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc. Các đội tuyển tiếp tục tập luyện để tham gia các giải đấu quốc tế, trong nước.
"Những kết quả mà toàn ngành đã nỗ lực đạt được rất đáng phấn khởi, xuất phát từ việc toàn ngành đã quán triệt, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa các chủ trương, tích cực sát các địa bàn, đôn đốc kiểm tra và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai những nhiệm vụ này" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tăng cường quản lý điểm đến, làm tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về du lịch
Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý không được chủ quan với những kết quả đạt được: "Mùa lễ hội còn kéo dài, đặc biệt trong tháng Giêng, vì vậy trong thời gian tới, đề nghị các Cục, Vụ chức năng tập trung chấn chỉnh, quản lý lễ hội, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, không được để xảy ra những sai phạm. Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa có các giải pháp kịp thời, sát cơ sở chủ động nắm bắt tình hình, thực trạng các lễ hội; nếu có bất cập, vấn đề nảy sinh nhanh chóng báo cáo lãnh đạo Bộ để kịp thời chấn chỉnh".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo (Ảnh: Tổ quốc)
Đối với du lịch, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục tăng cường quản lý điểm đến và thực hiện tốt hơn nữa nội dung quản lý Nhà nước về du lịch, hướng dẫn các địa phương để đảm bảo vấn đề về tăng tốc du lịch, hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho ngành. Nhất là mục tiêu xây dựng điểm đến an toàn, môi trường thân thiện, xanh sạch đẹp, sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu.
Tổ chức tốt hoạt động mà Chính phủ giao Bộ trong tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, trước thời điểm diễn ra phải tổ chức các hoạt động tại các tỉnh miền núi phía Bắc để tạo không khí chung, phong trào chung. Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai các công việc được phân công, đảm bảo hiệu quả công việc.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh những công việc trọng tâm cần hoàn thành trong thời gian tới, đó là: hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa trình các cấp có thẩm quyền; hoàn thiện Chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới; Huy động nguồn lực đẩy mạnh xúc tiến quảng bá theo cách làm mới…
Chúng ta đã đi đúng hướng
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng toàn ngành đã đi qua năm 2023 với nhiều dấu ấn đẹp. Có thể nói, năm 2023 là dấu mốc quan trọng để chúng ta nhìn lại kết quả hoạt động sau nửa nhiệm kỳ và sau hai năm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
"Đến thời điểm này lãnh đạo Bộ VHTTDL có thể nói rằng chúng ta đã chọn đúng hướng đi. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo Bộ đã xác định phương châm quyết liệt hành động, nỗ lực để có kết quả tích cực, với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường để đóng góp vào thành tựu chung của đất nước…".
Bộ trưởng khẳng định chúng ta có quyền tự hào khi vai trò, vị thế của văn hóa ngày càng được nâng cao; văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội như trong các quan điểm, Nghị quyết của Đảng.
Nhấn mạnh thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ chỉ còn hơn 2 năm nữa, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao; tăng cường kỷ luật kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng môi trường văn hóa trong công sở, đơn vị; lấy hiệu quả công việc là thước đo.
"Phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để những kết quả đạt được trong năm tới sẽ tốt đẹp hơn nữa. Nhân dịp mùa Xuân mới giàu ước mơ, hy vọng, chúng ta tiếp tục thúc đẩy khao khát xây dựng ngành ngày càng phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Thông tin du lịch