Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất giàu tiềm năng về du lịch. Sở hữu hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái sông, đất ngập nước, cù lao châu thổ, rừng ngập mặn và biển, đảo với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm trên thế giới, như: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp),… hơn 700 km bờ biển và hơn 145 hòn đảo lớn, nhỏ và nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ: Mũi Nai, Hòn Chông (tỉnh Kiên Giang); Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau); Ba Động (tỉnh Trà Vinh)... nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, con sông lớn nhất Đông Nam Á, với hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, với mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt, được mệnh danh là “thế giới sông nước” (Water World). Khí hậu ôn hoà, đất đai màu mỡ được phù sa của hai con sông bồi đắp nên vùng ĐBSCL không chỉ là vựa lúa của cả nước mà còn là vùng đất sỡ hữu nhiều loại cây ăn trái nhất của Việt Nam. Từ lâu loại hình du lịch bằng tàu, ghe len lỏi vào sâu trong các kênh rạch, trải nghiệm cuộc sống bình dị, thơ mộng của người dân vùng sông nước, tham quan và thưởng thức trái cây trong các vườn cây ăn trái cũng rất hấp dẫn du khách. ĐBSCL cũng là vùng đất giàu tiềm năng về du lịch văn hoá và du lịch tâm linh. Những phiên chợ nổi trên sông, những nét văn hoá đậm chất của các dân tộc Hoa, Khmer, Chăm. Những điệu hò đối đáp, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Tất cả các tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hoá, lịch sử đặc trưng đã tạo nên một ĐBSCL khác biệt, đậm bản sắc. Góp phần tạo nên sự phong phú sản phẩm du lịch cho vùng với các loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, biển đảo, văn hóa bản địa và tâm linh.
ĐBSCL có nhiều yếu tố thuận lợi cho hoạt động liên kết phát triển du lịch. Trong đó phải kể đến việc liên kết về sản phẩm, tour tuyến liên vùng trên cả đường bộ và đường thuỷ.
Thời gian qua, hệ thống giao thông vùng được xây dựng, nâng cấp và cải thiện đáng kể, tăng cường kết nối giữa các địa phương trong vùng và nối vùng với các vùng khác hết sức thuận lợi. Các địa phương trong vùng đã có nhiều nỗ lực tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng. Các tỉnh, thành và các bộ, ngành cũng đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL hàng năm với chuỗi các sự kiện và chủ đề phát triển du lịch vùng; tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch vùng. Năm 2019, thảo thuận liện kết hợp tác phát triển du lịch đã được ký kết giữa TP. Hồ Chí Minh và các địa phương vùng ĐBSCL. Đã xây dựng được 03 tour liên kết (1)Những nẻo đường phù sa (TPHCM – Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau), (2) ) Non nước hữu tình (TPHCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh), (3) Sắc màu vùng biên (TPHCM – Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã quan tâm thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL thông qua công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển ngành. Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23/1/2015 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm đặc thù vùng ĐBSCL” cũng là một nỗ lực quan trọng nhằm tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng.
Ngày 28/2/2022 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, mục tiêu lĩnh vực du lịch là phát triển ĐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái. (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu; phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng. Phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử gồm: Khu du lịch quốc gia Phú Quốc, Năm Căn - Mũi Cà Mau, Tràm Chim - Láng Sen, Núi Sam, Thới Sơn; điểm du lịch quốc gia: Cù lao Ông Hổ, Khu lưu niệm Cao Văn Lầu, bến Ninh Kiều, Ao Bà Om, Hà Tiên, Văn Thánh Miếu...
Phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế, trong đó chú trọng phát triển các tuyến du lịch liên vùng gắn với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan - Campuchia - Rạch Giá - Cà Mau) và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp) và Bình Hiệp (Long An); tuyến đường biển và tuyến đường sông dọc theo sông Tiền và sông Hậu kết nối với Phnompenh, Seam Reap (Campuchia).
Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn.
Quyết định cũng nêu rõ phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bổ nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng; phương hướng xây dựng hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng; phương hướng bảo vệ môi trường, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng.
Mặc dù ĐBSCL có nhiều tiềm năng, thuận lợi trong xây dựng sản phẩm và phát triển du lịch. Tuy nhiên, vùng còn có những khó khăn và hạn chế chủ yếu cần tháo gỡ để xây dựng và phát triển tour tuyến liên kết:
(1) Hạn chế về hạ tầng giao thông mặc dù có thế mạnh về hệ thống giao thông đường thuỷ, đường hàng không nhưng kết nối giao thông đường bộ vẫn còn hạn chế. Mạng lưới kết nối giao thông đường bộ nội vùng chưa đồng bộ và hệ thống trạm dừng chân vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của vùng.
(2) Sản phẩm du lịch thiếu tính mới với sự tương đồng về tài nguyên tự nhiên nên sản phẩm du lịch vùng có sự trùng lắp. Tuy đã có nhiều sự đổi mới nhưng nhìn chung vẫn chỉ khai thác dựa trên tiềm năng sẵn có thiếu sáng tạo và sản phẩm thiếu tính bền vững.
(3) Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên du lịch vùng và sự phát triển bền vững của du lịch vùng ĐBSCL.
(4) Sự bùng nổ của cách mạng công nghệ số những năm gần đây tác động trực tiếp đến sự phát triển của du lịch vùng. Thông tin về chuyến đi, điểm đến và các đánh giá của những khách hàng đã trải nghiệm sản phẩm dịch vụ được hiển thị công khai ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của du khách. Thậm chí với những trang web hiện tại đã có tính năng cho phép du khách chỉ cần một chiếc smartphone đã dễ dàng thiết kế chương trình tour cho bản thân và gia đình. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch phải nhanh chống thay đổi và thích ứng, chuyển đổi từ phương thức quản lý, kinh doanh truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và kinh doanh. Đòi hỏi các điểm đến phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và chất lượng phục vụ để thu hút khách và nâng cao khả năng cạnh tranh.
(5) Chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, phần lớn lực lượng lao động tham gia vào các hoạt động du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng hiện nay là nguồn nhân lực nhàn rỗi của địa phương nên thiếu tính chuyên nghiệp. Những năm gần đây tuy các địa phương đã tăng cường đào tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng nhất là sau hơn 02 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Là một tỉnh nằm trong khu vực ĐBSCL, Đồng Tháp có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái nên suốt một thời gian dài du lịch Đồng Tháp cũng không khác gì các tỉnh trong khu vực. Cũng rơi vào tình trạng trùng lắp về sản phẩm dịch vụ gây sự nhàm chán cho du khách. Công tác liên kết tour tuyến giữa các tỉnh trong khu vực lại càng khó khăn hơn khi tỉnh nào cũng có những sản phẩm na ná nhau. Không có gì khác biệt giữa dịch vụ điểm đến lẫn ẩm thực và các địa phương không có sản phẩm đặc trưng độc đáo có giá trị để hình thành tour liên kết.
Để xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng khác biệt đòi hỏi sự nỗ lực và đồng hành của cả hệ thống chính trị. Tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng và du lịch nông nghiệp là một trong những hướng đi quan trọng góp phần định vị và xây dựng hình ảnh du lịch Tỉnh thời gian qua. Du lịch nông nghiệp là chiến lược, trụ cột, căn bản, toàn diện, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, chứ không phải là giải pháp tình thế. Một trong các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng riêng có tại Đồng Tháp là Sen. Được mệnh danh là xứ sở của sen hồng với 2 câu thơ nổi tiếng: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Hiện nay diện tích vùng trồng sen của Tỉnh trên 1.000 ha. Chỉ tính riêng huyện Tháp Mười là 367,4 ha. Bởi thế, Tỉnh chọn hoa sen là biểu tượng cho đất và khát vọng của người nơi đây. Được mệnh danh là Đất Sen hồng, du khách đến Đồng Tháp sẽ dễ dàng bắt gặp trong từng ngõ phố, gia đình, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp hay các tuyến đường… ở đâu cũng có những chậu sen, cụm sen khoe sắc. Tại Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ nhất diễn ra từ ngày 19-21/5/2020, tỉnh Đồng Tháp đã xác lập kỷ lục Thế giới với 200 món ăn chế biến từ Sen. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hiện nay cũng đang tích cực triển khai Kế hoạch phát huy giá trị 200 món ăn từ sen nhằm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Tỉnh và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng Sen.
Một ý tưởng, giải pháp cũng có thể nói là táo bạo, đột phá đó là Đồng Tháp đã chính thức chọn Sen là 1 trong 6 ngành hàng trong tái cơ cấu nông nghiệp của Tỉnh với những chính sách hỗ trợ phát triển khá ưu đãi. Các vùng trồng sen được nghiên cứu quy hoạch lại cho phù hợp. Thương hiệu sen được chú ý quan tâm. Đã hình thành Hiệp hội ngành hàng sen với qui mô cấp Tỉnh, hoạt động khá hiệu quả. Nhiều sản phẩm OCOP từ sen đã ra đời và ngày càng khẳng định giá trị, mang lại nhiều việc làm, thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.
Cánh đồng – Công ty Sen Đại Việt
Đặc biệt, Tỉnh tiếp tục khai thác phát huy giá trị Sen trong du lịch thông qua nhiều giải pháp như: (1) Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với sen tại huyện Tháp Mười với các hoạt động trải nghiệm trồng sen, chăm sóc sen, thu hoạch, thưởng thức ẩm thực các món ngon từ sen… (2) Triển khai kế hoạch phát huy giá trị 200 món ăn từ sen gắn với xây dựng thương hiệu điểm đến, (3) Triển khai xây dựng Làng văn hoá du lịch Tháp Mười gắn với phát triển ngành hàng Sen, (4) Tổ chức Festival Sen định kỳ, (5) Đa dạng hoá các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP từ sen gắn với du lịch.
Một số sản phẩm của Công ty Sen Đại Việt: sấy giòn, trà sen, hạt sen đóng hộp
Để việc liên kết xây dựng sản phẩm, tour tuyến được thực hiện hiệu quả hơn. Cần quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, liên kết tạo sản phẩm đa dạng - sản phẩm du lịch tổng hợp: nông nghiệp nông thôn văn hoá, sinh thái, biển và đồng bằng,…
Hai là, liên kết xây dựng tour, tuyến theo không gian: tổ chức không gian lãnh thổ phù hợp phát triển du lịch, theo 4 cụm chính bao gồm: Cụm Trung tâm, Cụm Cà Mau, Cụm Đồng Tháp và Cụm Duyên hải. Tập trung khai thác các sản phẩm du lịch liên kết bám theo các tuyến, trục du lịch của từng cụm như liên kết VQG Tràm Chim, Khu BTTN Láng Sen và Xẻo Quýt tại hai tỉnh Đồng Tháp, Long An; liên kết các cồn trên sông Tiền (Long, Lân, Quy, Phụng) tại hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre; liên kết các chợ nổi và khu du lịch dọc kênh Xáng và sông Cần Thơ tại Cần Thơ, Hậu Giang; liên kết Hà Tiên và Rạch Giá trong phạm vi trọng điểm du lịch biển đảo Tây Nam Bộ; liên kết Châu Đốc - Tịnh Biên - Hà Tiên dọc kênh Vĩnh Tế; liên kết Cần Thơ - Long Xuyên - Châu Đốc trên sông Hậu…
Ba là, liên kết trong tiểu vùng Mê Kông: xây dựng chương trình tour dọc theo Sông Mê kông từ ĐBSCL qua Campuchia, Lào. Đường bộ giữa ĐBSCL, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.
Bốn là, phát triển nhiều tuyến du lịch liên vùng theo đường bộ, đường thủy và đường không, tăng kết nối đến các địa phương vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và các địa phương phía Bắc, tạo sự đa dạng trong sản phẩm cho du khách.
Năm là, xây cơ chế để điều tiết phát triển theo hướng tương thích, bổ trợ chứ không phải cạnh tranh. Trước đây việc ký kết chỉ được thực hiện giữa các địa phương. Thời gian tới cần tập trung cho liên kết thị trường, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người làm du lịch, cơ quan truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch theo hướng phát triển các chuỗi giá trị ngành Du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù.
Bên cạnh đó, cần phải có một số giải pháp đồng bộ, hiệu quả để xây dựng sản phẩm du lịch vùng mang tính đặc trưng, đậm nét văn hoá. Đồng thời xây dựng các chương trình tour liên kết vùng đảm bảo nguyên tắc tạo được thế mạnh nổi trội, đặc sắc nhưng hỗ trợ cho nhau giữa các địa phương.
Một số giải pháp đề xuất như sau:
Xây dựng các loại hình, sản phẩm phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, dựa trên tiềm năng thế mạnh về hệ sinh thái, văn hoá và gắn với thực trạng biến đổi khí hậu của rừng địa phương.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Mỗi một địa phương đẩy mạnh một sản phẩm đặc trưng đưa vào hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù có chất lượng cao và mang tính vùng miền để xây dựng tour tuyến liên kết vùng. Góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch vùng nhưng vẫn giữ được thương hiệu riêng.
Tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Tăng cường ứng dụng thông tin trong quản lý, liên kết website, Cổng thông tin du lịch, chia sẻ thông tin dữ liệu ngành du lịch giữa các địa phương góp phần gia tăng trải nghiệm của người dùng.
Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Cần có tài liệu quảng bá chung của vùng như cẩm nang du lịch, bản đồ du lịch,… song ngữ và số hoá dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tìm hiểu khám phá các điểm đến của cùng.
Phát huy giá trị các làng nghề truyền thống để khai thác phát triển du lịch và đưa vào chương trình tour liên kết vùng.
Xây dựng các chương trình tour chuyên đề như tour du lịch gắn với các sự văn hoá, thể thao lớn của vùng, chương trình tour chuyên đề khám phá ẩm thực,…
Tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chú trọng các kỹ năng nghiệp vụ từng vị trí việc làm và năng lực công nghệ thông tin và ngoại ngữ.
KHÁNH VÂN