Ngành hàng hoa kiểng được tỉnh Đồng Tháp tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Làng Sa Đéc trở thành vùng sản xuất hoa tập trung lớn nhất ĐBSCL kết hợp phát triển dịch vụ du lịch. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Làng hoa Sa Đéc rạo rực đón chờ Festival
Những năm gần đây, Đồng Tháp là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đi đầu trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái. Thực tiễn cho thấy, xây dựng nông thôn mới hỗ trợ cho phát triển du lịch nông nghiệp trong việc nâng cấp kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống.
Du lịch nông nghiệp xứ Sen hồng có thêm nhiều điểm đến hấp dẫn như: Thuận Tân hội quán, Homestay Tư Cá Linh, Ngôi nhà Hoa Ếch, Trang trại nhà màng trồng dưa lê của Công ty Ecofarm... Những mô hình này không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, mà còn thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó Đồng Tháp còn có thế mạnh sản xuất hoa kiểng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái hiếm có tỉnh nào ở ĐBSCL làm được. Tỉnh đã và đang đầu tư cơ sở hạ tầng cho làng hoa Sa Đéc và xây dựng Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện nghiên cứu, chuyển giao giống hoa cảnh, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản hoa gắn với du lịch sinh thái. Bình quân mỗi năm, Trung tâm cung ứng trên 200.000 - 300.000 cây giống hoa cấy mô với 16 chủng loại.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để phát triển du lịch không phải một cá nhân nào mà là cả cộng đồng
cùng xây dựng mới thành công được. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Song song đó ngành hàng hoa kiểng cũng được tỉnh tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh gắn với du lịch. Đã có 4 HTX và 6 hội quán được thành lập, tạo sự kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp.
Theo ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, ngành hàng hoa kiểng đem lại tổng giá trị trên 5.000 tỷ đồng mỗi năm. Tỉnh đang thực hiện dự án Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc gắn với xây dựng nông thôn mới với diện tích khoảng 510ha, trong đó tập trung vào hai vùng lõi thuộc 2 khóm Tân Hiệp và Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông với tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng.
Đặc biệt, TP. Sa Đéc đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại hoa kiểng Đồng Tháp ở xã Tân Khánh Đông, với diện tích hơn 4,2 ha, góp phần phát triển kinh tế nơi đây.
Tại điểm du lịch Happy Land Hùng Thy ở phường Tân Quy Đông, TP. Sa Đéc những ngày này, các nhân viên đang hoàn tất những khâu cuối cùng để chuẩn bị đón khách dịp Festival hoa kiểng. Hàng chục tiểu cảnh được làm mới, nhiều chủng loại hoa được trồng và trang trí, tạo không gian cho du khách có những bức ảnh lưu niệm đẹp.
Anh Nguyễn Ngọc Hùng, quản lý điểm du lịch Happy Land Hùng Thy, cho biết: “Công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn chờ cây hoa kiểng trổ hoa để khu du lịch thêm rực rỡ sắc màu”.
Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Tràm Chim – Tam Nông. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Đến Happy Land Hùng Thy, du khách có thể tham gia rất nhiều trò chơi dân gian như: tát ao bắt cá, đi cầu thăng bằng, đu dây qua sông, đạp xe qua cầu khỉ, đi cầu lắc, nấc thang lên thiên đàng, tham gia mô hình chợ quê, đi con đường chà là và nhiều trò chơi khác.
Năm 2023, Đồng Tháp phấn đấu thu hút 3,8 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, tổng doanh thu du lịch đạt 1.800 tỷ đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Sau khi vui chơi thỏa thích, du khách có thể ghé vào khu vực ẩm thực để thưởng thức các món ăn đặc sản như cá lóc nướng trui cuốn lá sen non hoặc bánh tráng đặc trưng của loại bột gạo Sa Đéc, cơm xào tỏi, cơm xào trứng, lẩu cá đồng, ốc hấp tiêu và nhiều món ăn dân dã khác.
Ngoài các khu vui chơi, khu ẩm thực, Happy Land Hùng Thy còn có khu mua sắm, giới thiệu và bày bán các sản vật tiêu biểu của Đồng Tháp, các sản phẩm OCOP như hủ tiếu Sa Đéc, bánh phồng tôm Sa Giang, mắm Sen Quê, trà tim sen, trà lá sen…
Níu chân du khách từ những điều vô hình
Có lần trò chuyện với bà con Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, làm du lịch không chỉ tạo ra sản phẩm để “bán” mà trong mỗi sản phẩm còn phải có cảm xúc và sự khác biệt, mới mẻ để khách hàng cảm nhận được những điều đặc biệt.
Nếu chúng ta biết kể những câu chuyện, biết nâng giá trị từ vốn văn hóa, lịch sử, từ vẻ đẹp của làng nghề truyền thống, hoa kiểng, cây sen, ruộng lúa, ngôi nhà, thì chúng ta còn “bán” cả không gian. Tất cả đều được cảm nhận bằng cảm xúc và níu chân du khách chính từ những điều vô hình này.
Du lịch nông nghiệp xứ Sen hồng ngày càng hấp dẫn du khách. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Mượn câu nói của cố GS.TS Trần Văn Khê, “bỏ tự ti, giảm tự tôn, tăng tự tin, biết tự hào”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, những người làm du lịch cần phải biết học hỏi không ngừng, không tự hài lòng với chính mình và cần phải biết lắng nghe khi góp ý, phát huy điểm mạnh của mình đúng lúc thì sẽ có nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư và du khách.
Đồng Tháp là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đi đầu trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Tháp từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, nâng tầm quy mô và chất lượng, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương và là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu của khu vực ĐBSCL. Năm 2023, phấn đấu thu hút 3,8 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 1.800 tỷ đồng.
Trước tiên, tỉnh là tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch đặc trong thù, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP. Kết nối và xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với s kết hợp trải nghiệm làng nghề, du lịch văn hóa, lịch sử (đình làng - nhà cổ) kết hợp lễ hội, du lịch ẩm thực sen - sự kiện kết hợp mua sắm, du lịch chính quyền, du lịch số, du lịch chăm sóc sức khỏe.
Tiếp tục phát triển, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng từng khu di tích, điểm du lịch trọng điểm. Triển khai dự án Làng văn hóa du lịch Sa Đéc sau khi được phê duyệt và xây dựng Làng văn hóa du lịch Sen Tháp Mười gắn với phát triển ngành hàng sen.
Đồng Tháp từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Khai thác tuyến du lịch mới “Sắc màu vùng biên” (TP.HCM - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang), phối hợp với tỉnh Long An và Tiền Giang tiếp tục hoàn thiện Chương trình du lịch “Hành trình ba địa phương một điểm đến” nhằm gia tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Song song đó, Đồng Tháp còn phối hợp với tỉnh An Giang phát triển tuyến du lịch văn hoá tâm linh, văn hóa lịch sử. Quảng bá, xúc tiến du lịch và kêu gọi đầu tư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và an ninh an toàn xã hội.
Theo Báo Nông nghiệp
(https://nongnghiep.vn/trong-hoa-de-ban-khong-gian-d372799.html)