Chiều 29-9, UBND huyện Lấp Vò phối hơp cùng Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp tổ chức buổi họp báo công bố ra mắt sản phẩm văn hoá – du lịch đặc trưng, khác biệt tạo cảm hứng khám phá trải nghiệm cho du khách với tên gọi “Chợ ma Định Yên”
Sự kiện diễn ra tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Đình Định Yên (huyện Lấp Vò)- một không gian mang đậm nét văn hoá truyền thống và tập quán sinh hoạt người dân làng nghề dệt chiếu địa phương có trên 200 năm tuổi, nhằm giới thiệu đến du khách gần xa sản phẩm du lịch tham quan – trải nghiệm mới của huyện Lấp Vò
Phát biểu công bố tại Lễ ra mắt “Chợ ma Lấp Vò”, bà Huỳnh Thị Hoài Thu- Giám đốc Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp phấn khởi cho biết, ngành du lịch tỉnh rất tâm đắc với sản phẩm du lịch mới mang tính khác biệt, đặc trưng không trùng lắp của làng chiếu Định Yên nổi tiếng lâu đời bên dòng sông Hậu, kỳ vọng sẽ tạo ra điểm nhấn mới kích hoạt du lịch, kết nối các điểm, tour tuyến mới trên địa bàn tỉnh, tạo hứng thú và tò mò cho du khách muốn khám phá trải nghiệm nét văn hoá bản địa
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu tại buổi Họp báo
Theo đó, thực cảnh tái hiện “Chợ ma Định Yên” diễn ra vào ngày thứ Bảy của tuần thứ nhất và thứ ba trong tháng từ 14 giờ đến 19 giờ 30; thời gian khai trương vào ngày thứ Bảy, 21-10-2023. Chương trình thực cảnh tái hiện “chợ ma” còn phục vụ đột xuất khi doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu thông qua hợp đồng. Huyện Lấp Vò còn có tour tham quan đình, trải nghiệm nghề dệt chiếu truyền thống, thưởng thức nghệ thuật dân gian và thưởng thức đặc sản ẩm thực Lấp Vò vào ngày thứ Bảy hàng tuần (từ 14 giờ đến 18 giờ 30); thời gian khai trương vào ngày thứ Bảy, 7-10-2023.
Bà Nguyễn Thị Nhanh- Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết thêm, sản phẩm du lịch tham quan - trải nghiệm đình, làng nghề dệt chiếu truyền thống và thực cảnh “chợ ma” Định Yên - Lấp Vò - Đồng Tháp là tour du lịch hưởng khách tham quan, du lịch về sự trải nghiệm thực tế và những khám phá mới đầy hoài niệm với làng chiều hơn hai trăm năm tuổi, thăm đình Định Yên được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia; bên cạnh đó là các hoạt động rất ấn tượng. Du khách được tham quan trải nghiệm dệt chiếu truyền thống, đờn ca tài tử, dạy hát dân ca Nam bộ cho thiếu nhi, tham gia các trò chơi dân gian, chụp hình checkin tại Khu nghệ thuật sắp đặt nghề chiếu và thưởng thức đặc sản ẩm thực Lấp Vò trong một không gian rất xưa...
Tối cùng ngày, diễn ra show diễn thực cảnh “Chợ ma Định Yên”; buổi diễn tái hiện lại không khí họp chợ mua bán chiếu vào lúc nửa đêm, diễn ra trong không gian trên bờ và dưới rạch Ngã Cạy trước đình Định Yên. Thực cảnh có hư cấu, có cách điệu phá cách một số cảnh diễn; có giao thoa văn hóa các vùng miền... Và hướng tới xây dựng là sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch thân thiện môi trường; hưởng đến xây dựng điểm đến du lịch “không rác thải nhựa”.
Bà Nguyễn Thị Nhanh - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Lấp Vò phát biểu tại buổi Họp báo
Vì sao có tên gọi “Chợ ma Định Yên”
Chợ chiếu Định Yên huyện Lấp Vò nổi tiếng với nghề dệt chiếu truyền thống từ lâu đời hàng trăm năm nay, đây là một khu chợ độc đáo, tồn tại và phát triển từ hơn một thế kỷ nay. Nét độc đáo của chợ chiếu Định Yên là nhóm họp vào lúc nửa khuya cho đến hai, ba giờ sáng, nên người ta còn gọi chợ là “chợ ma” hay “chợ âm phủ”, nét khác lạ nhất so với chợ truyền thống hiện giờ là người mua chiếu phải ngồi và người bán thì phải đứng theo tập quán, điều kiện thực tế, quy định thời bấy giờ….
Theo ông Nguyễn Sự- Nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An, tỉnh Quảng Nam, người có công trong việc khôi phục và tái hiện lại “Chợ ma Định Yên” cho rằng, với quyết tâm của lãnh đạo và ngành du lịch, Đồng Tháp đang hướng tới gột rửa bụi mờ thời gian, rèn giũa một sản phẩm từ thô đến mức tinh hơn, lắng nghe đóng góp tâm tư tình cảm của người dân, làm sống lại nét văn hoá địa phương, điểm nhấn cho sản phẩm du lịch, để ngày càng hoàn thiện hơn show diễn trước công chúng và trong tương lai đem đến thu nhập cho người dân, một khi đã thu hút được du khách. Phục dựng chợ ma làng nghề di sản Định Yên không phải để lấy tiền mà trước hết là vì văn hóa và mục đích cuối cùng phục vụ cho văn hóa. Bởi tiền có thể kiếm lại được, còn văn hóa khi đã bị mai một, mất đi thì khó kiếm lại được- ông Sự nói.
Một số hình ảnh Hoạt cảnh tái hiện “ chợ ma Định Yên” tại sân đình Định Yên vào tối 29/9:
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Họp báo
Huy Tự