Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại buổi tọa đàm
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp được hình thành và phát triển trong những năm gần đây, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của tỉnh nhà, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi đến tham quan tại Đồng Tháp. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân; quảng bá hình ảnh quê hương, con người Đồng Tháp...
Tuy nhiên, thời gian qua, du lịch nông nghiệp Đồng Tháp vẫn còn một số hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực, thiếu các doanh nghiệp du lịch đến khai thác đầu tư; dịch vụ lưu trú còn hạn chế về chất lượng; các doanh nghiệp du lịch chủ yếu là hộ gia đình chưa có nhiều kết nối trong khai thác du lịch địa phương... Hiện tại, Đồng Tháp đang tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư lĩnh vực du lịch và lưu trú tại địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh đang dành nhiều chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp, mong muốn tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và khác biệt phục vụ du khách.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đại biểu là chủ các khu, điểm du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho rằng, chủ trương phát triển du lịch nông nghiệp là hướng đi đúng đắn của tỉnh nhà trong thời gian qua. Qua đó, góp phần đưa kinh tế khu vực nông thôn chuyển dịch mạnh mẽ theo chiều sâu, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Bên cạnh những mặt tích cực, các đại biểu cho rằng, để du lịch nông nghiệp của Đồng Tháp hấp dẫn hơn, việc đổi mới sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch... là một trong những vấn đề cần được quan tâm, nâng chất trong thời gian tới.
Tiến sĩ Trần Văn Túy - Trưởng Đoàn công tác Viện Kinh tế Văn hóa nhận thấy, Đồng Tháp có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Việc phát triển các loại hình du lịch trên vừa bảo vệ tài nguyên vừa phát huy nét văn hóa bản địa đặc trưng vốn có của Đồng Tháp. Bên cạnh những thuận lợi, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái tại Đồng Tháp vẫn còn những hạn chế như: quy mô nhỏ, chưa khai thác hết lợi ích đang có... Do đó, trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh cần hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng; nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, du khách về giá trị du lịch bản địa; kết nối các doanh nghiệp du lịch lữ hành, xây dựng các tuyến du lịch đặc thù. Đồng thời cần phát triển du lịch sinh thái ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đưa kinh tế số vào hoạt động quảng bá, tiếp thị du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu, mang tính cạnh tranh cao...
Lãnh đạo tỉnh tặng quà lưu niệm cho Đoàn công tác Viện Kinh tế Văn hóa
Dịp này, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp giúp du lịch nông nghiệp Đồng Tháp phát triển, tạo sự đột phá hơn trong thời gian tới. Trong đó, cần gia tăng lại giá trị cho sản phẩm du lịch ở Đồng Tháp. Các thành phần kinh tế tại tỉnh nhà cần kết nối lại với nhau tạo thành hệ sinh thái phục vụ tốt cho du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng; phân khúc và đào tạo nguồn nhân lực theo từng nhóm đối tượng riêng; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch...
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại buổi tọa đàm
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong gửi lời cảm ơn chân thành đến Đoàn công tác của Viện Kinh tế Văn hóa, đồng thời tiếp thu những chia sẻ, ý kiến đóng góp về phát triển du lịch nông nghiệp của Đoàn công tác và các chuyên gia. Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong thông tin, hiện tỉnh Đồng Tháp đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện mạng lưới giao thông, đây được xem là nền tảng quan trọng để du lịch Đồng Tháp phát triển và bứt phá. Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp tỉnh nhà phát triển hấp dẫn và bền vững hơn, Đồng Tháp xác định rõ phát triển du lịch nhưng vẫn đảm bảo, giữ gìn được bản sắc nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà...
Theo Mỹ Lý - Báo Đồng Tháp