Quan điểm của Đề án là phát huy giá trị của y dược cổ truyền trong việc cung ứng các loại hình dịch vụ, sản phẩm phục vụ khách du lịch quốc tế và nội địa; đưa y dược cổ truyền trở thành một dòng sản phẩm du lịch chủ đạo, có chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho du lịch và y tế. Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền trên cơ sở nâng cao chất lượng, đa dạng hóa và tăng tính hấp dẫn của các dịch vụ, sản phẩm theo hướng bền vững; có lộ trình, tính ưu tiên; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phát huy tính đặc trưng, đặc thù của y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch quốc tế và nội địa, đảm bảo tính cạnh tranh quốc tế và khu vực, kết hợp với tăng cường thông tin, truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của y dược cổ truyền là yếu tố góp phần xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, thương hiệu du lịch vùng và địa phương.
Bên cạnh đó, Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút nguồn lực của xã hội cho phát triển dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền gắn liền với phát triển du lịch.
Ảnh Minh Hoạ (Internet)
Với mục tiêu chung là phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền có giá trị kinh tế trên cơ sơ nâng cao chất lượng, đa dạng hoá và tăng tính hấp dẫn của của dịch vụ, sản phẩm theo hướng bền vững, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền để phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, kết hợp tăng cường thông tin, truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của y dược cổ truyền Việt Nam.
Lộ trình từ nay đến năm 2023, Đề án thực hiện năm mục tiêu cụ thể như sau:
Một là xây dựng và hình thành các dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch mang tính hệ thống, kết hợp với khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tri thức bản địa của y dược cổ truyền. Định vị các dòng dịch vụ, sản phẩm trên vào hệ thống du lịch Việt Nam;
Hai là, phát triển mô hình nghỉ dưỡng kết hợp với sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền tại các khu, điểm du lịch có tiềm năng;
Ba là, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao tham gia vào hệ thống cung ứng các dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch;
Bốn là, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch;
Năm là, tổ chức quảng bá các dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và các kênh du lịch để khách du lịch trong và ngoài nước tìm hiểu, tiếp cận và sử dụng dịch vụ, sản phẩm.
Nhiệm vụ chủ yếu của Đề án phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2023 là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; Xây dựng 5 dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch; Xây dựng mô hình nghỉ dưỡng kết hợp với sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền, tăng cường sử dụng các dịch vụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền tại khu du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, khu nghỉ dưỡng, khách sạn có tiềm năng... Xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng cao tham gia vào hệ thống cung ứng các dịch vụ, sản phẩm y, dược cổ truyền phục vụ khách du lịch; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch; Thông tin, truyền thông.
Đối với 5 dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch được triển khai là:
Du lịch chăm sóc sức khỏe bằng YDCT – xây dựng dòng cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh bằng YDCT phục vụ khách du lịch (chuỗi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng, xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu… bằng YDCT).
Du lịch thẩm mỹ bằng YDCT – xây dựng dòng cung ứng dịch vụ thẩm mỹ bằng YDCT phục vụ khách du lịch (chuỗi các bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ, spa…).
Du lịch dược liệu và thuốc cổ truyền – xây dựng dòng cung ứng dịch vụ tham quan và mua sắm dược liệu, thuốc cổ truyền phục vụ khách du lịch (chuỗi các cơ sở sản xuất thuốc, các vùng nuôi trồng dược liệu, các vườn bảo tồn quốc gia về đa dạng sinh học, trung tâm bảo tồn cây thuốc…).
Du lịch khám phá YDCT và văn hóa bản địa – xây dựng dòng cung ứng dịch vụ tham quan, tìm hiểu, khám phá, mua sắm, trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ YDCT đặc sắc tại các vùng miền, địa phương, thưởng thức các món ăn đậm chất YDCT theo vùng miền, khí hậu và tình trạng sức khỏe… (chuỗi các cơ sở cung cấp các sản phẩm, dịch vụ YDCT mang đậm tính bản địa, các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng…).
Du lịch học thuật YDCT – tổ chức các lớp tập huấn, các khóa học ngắn hạn về một số kỹ năng phòng, trị bệnh đơn giản bằng phương pháp YDCT để du khách có thể tự áp dụng trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe hoặc tham gia trải nghiệm thực tiễn thông qua các hình thức như: Một ngày làm thầy thuốc YDCT, đầu bếp chế biến các món ăn từ dược liệu, thuốc cổ truyền…
Để đảm bảo lộ trình và đạt được các mục tiêu trên, Bộ Y tế đề ra 12 giải pháp, trong đó có một giải pháp về kinh phí.
Đề án sẽ do Bộ Y tế Chủ trì (Giao Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án), phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Quy chế phối hợp giữa hai Bộ trong việc phát triển các loại hình dịch vụ và sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch và triển khai thực hiện; Tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu dòng sản phẩm, dịch vụ y tế phục vụ khách du lịch tới toàn ngành, các hãng lữ hành trong và ngoài nước; Tổ chức đánh giá việc sử dụng các dịch vụ, kỹ thuật y dược cổ truyền (Xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt và các phương pháp phục hồi chức năng bằng y dược cổ truyền...) tại các cơ sở khách sạn và khu nghỉ dưỡng; Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành và phục vụ khách du lịch tra cứu dữ liệu;
Xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuyên môn đối với người hành nghề tại các cơ sở có sử dụng các phương pháp y dược cổ truyền (sử dụng phương pháp xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu phục hồi sức khỏe...) thuộc sự quản lý của Bộ Văn hóa, Thể Thao và du lịch và tập huấn cho các cán bộ trực tiếp sử dụng các phương pháp trên; Xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuyên môn đối với người hành nghề tại các cơ sở có sử dụng các phương pháp y dược cổ truyền (sử dụng phương pháp xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu phục hồi sức khỏe...) thuộc sự quản lý của Bộ Văn hóa, Thể Thao và du lịch và tập huấn cho các cán bộ trực tiếp sử dụng các phương pháp trên.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện. Đồng thời, thực hiện việc tổ chức quy hoạch và quản lý hệ thống các điểm cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ phát triển du lịch, gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đồng thời, lồng ghép loại hình dịch vụ y dược cổ truyền phục vụ phát triển du lịch vào trong quy hoạch của tỉnh và quy hoạch vùng; Xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch.
Tin: Hiền Hoà