Du lịch xanh – tiềm năng từ Đồng Tháp

30/05/2023 4220 0
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, việc phát triển du lịch theo xu hướng xanh là tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững đã và đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, Du lịch nông nghiệp (DLNN) là một điểm sáng của chiến lược du lịch xanh. Đồng Tháp cũng đã xác định DLNN là một trong những loại hình du lịch chủ lực và được triển khai với kết quả bước đầu khả quan.

Ngành du lịch với tính chất là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, phát triển theo xu hướng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh. Phát triển du lịch theo xu hướng tăng trưởng xanh sẽ giúp cho người dân đảm bảo cuộc sống gắn với sinh kế vốn có trên chính vùng đất của họ, nền kinh tế sẽ phát triển có tính ổn định và bền vững. 

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã lập ra Chương trình Phát triển du lịch bền vững như là một sự khẳng định cho quan điểm về tầm quan trọng của vấn đề này. Cùng với đó, những năm gần đây, UNWTO đã xem việc phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như là một phần của con đường phát triển bền vững. UNWTO nhấn mạnh vai trò tiềm năng của du lịch như một tác nhân kích thích kinh tế trong nền kinh tế xanh. Năm 2011, UNWTO đã phát hành cuốn sách Tourism in the Green Economy (Du lịch trong nền kinh tế xanh), điều này cho thấy quan điểm về việc phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là rất quan trọng, cần thiết và gắn liền với sự phát triển nền kinh tế xanh.

DLNN là một điểm sáng của chiến lược du lịch xanh. Loại hình này phát triển khá lâu trên thế giới, từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Các mô hình trang trại nông nghiệp thuần tuý truyền thống chuyển sang kết hợp du lịch mang lại hiệu quả cao cho cả 2 ngành nông nghiệp và du lịch. Ở mỗi một quốc gia có một tên gọi khác nhau, ví dụ như tại Anh là “Rural Tourisim – Du lịch nông thôn”, tại Mỹ là “Homstead – Du lịch trang trại”, Nhật Bản là “Green-tourism – Du lịch xanh”… Tại Châu Á, Đài Loan là một trong các quốc gia phát triển sớm mô hình DLNN bắt đầu từ thập niên 80 và đến đầu năm 2000 chính phủ Đài Loan đã quy hoạch hơn 30 khu vực để phát triển DLNN với mục tiêu phát triển thành một ngành kinh tế mới, tạo ra thu nhập tốt cho người nông dân, bảo vệ tính đa dạng của nền kinh tế và lý do quan trọng nhất là nhằm bảo vệ nền nông nghiệp có lịch sử hàng trăm năm của Đài Loan.

Tại Việt Nam, trên cơ sở đánh giá đúng vai trò, vị trí của du lịch đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Trong định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 882/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, đối với lĩnh vực du lịch có 2 nhóm nhiệm vụ là “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” và “Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh”. Nhóm nhiệm vụ thể chế, chính sách có 2 nhiệm vụ cụ thể là: “Xây dựng, triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với kinh tế xanh, kinh tế biển xanh” và “Hoàn thiện thể chế, chính sách ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, DLNN và nông thôn, du lịch cộng đồng.

Trên thực tế, hiện DLNN ở nước ta đã được phát triển trên mọi miền đất nước, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đã trở thành điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông ngiệp của vùng miền, trải dài từ Bắc tới Nam. DLNN tại Đồng Tháp bắt đầu hình thành từ năm 2016 và phát triển theo kiểu tự phát, sao chép lẫn nhau. Các nông hộ mạnh ai nấy làm không có sự liên kết và đôi lúc xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thiếu bền vững.


Đồng sen Tháp Mười – Mô hình DLNN đầu tiên tạo Đồng Tháp

Nhận thấy được tiềm năng của loại hình DLNN cũng như vai trò của DLNN trong phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh. Đồng Tháp đã xác định DLNN một trong những loại hình du lịch chủ lực. Chích sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch ra đời thể hiện quyết tâm của Đảng bộ và Chính quyền Đồng Tháp trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như định vị thương hiệu du lịch nói chung và DLNN nói riêng. Và Đồng Tháp cũng là địa phương tiên phong trong khu vực ĐBSCL ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển DLNN, du lịch cộng đồng (năm 2016: Nghị quyết số 79/2016/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; năm 2017: Nghị quyết số 118/2017/NQ-HĐND về việc hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; năm 2018: Nghị quyết số 210/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp). Nối tiếp các Nghị quyết hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch, ngày 24/3/2022 Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch  giai đoạn 2022-2026 (Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND). Tiếp tục khẳng định chủ trương phát triển loại hình DLNN tỉnh theo hướng xanh và bền vững. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, DLNN tỉnh Đồng Tháp thời gian qua đã có những kết quả khả quan. Tính đến nay, toàn Tỉnh đã phát triển được 65 điểm tham quan DLNN, du lịch cộng đồng đang hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả, đón tiếp và phục vụ trên 4,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ DLNN đạt 519 tỷ đồng. Con số này là minh chứng rõ ràng nhất cho lợi ích kinh tế từ hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp đối với người dân vùng nông thôn. Và cũng chính là tiền đề để tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng nhằm gia tăng trải nghiệm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần thắng lợi mục tiêu năm 2023 thu hút 3 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 1.800 tỷ đồng; đến năm 2025 đón trên 5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Khánh Vân

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu