So với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp bắt đầu khá muộn, vào cuối năm 2016. Thời điểm ban đầu là phát triển tự phát, 05 hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười tiên phong khai thác loại hình du lịch trải nghiệm chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Tiếp đến, các hộ dân vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan. Thành phố Cao Lãnh – Thủ phủ đất Sen hồng cũng đã xây dựng và phát triển được mô hình Làng du lịch Tân Thuận Đông với các dịch vụ: du lịch sinh thái - ẩm thực; du lịch trải nghiệm - giáo dục và du lịch sinh thái, trải nghiệm - nghỉ dưỡng. Trong các mô hình du lịch cộng đồng, thành công nhất là các mô hình các hộ trồng hoa ở Làng hoa Sa Đéc (Vườn hồng Tư Tôn, Happy land Hùng Thy, Điểm tham quan Đài ngắm hoa – vườn hoa kiểng Ngọc Lan,..) homestay Ngôi nhà Hoa Ếch, Homestay Ngôi nhà Tre – Phong Levent là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan và thưởng ngoạn. Tuy xuất phát trễ nhưng bước đầu đã đạt được một số kết quả hết sức khả quan, đã phát triển được 65 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả (Trong đó có: 8 Homestay; 02 Farmstay, 55 điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề), còn hơn 40 điểm du lịch cộng đồng đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để có thể hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian tới. Giai đoạn 2016-2022 các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đón tiếp và phục vụ trên 4,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 519 tỷ đồng.
Tuy đạt được những kết quả khả quan nhưng du lịch nông nghiệp trên điạ bàn tỉnh Đồng Tháp vẫn còn một số khó khăn. (1) Tốc độ tăng trưởng của loại hình du lịch nông nghiệp tại tỉnh mặc dù khá cao nhưng chủ yếu quy mô nhỏ. (2) Sản phẩm du lịch nông nghiệp còn giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch, chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ khác cho khách. (3) Các đơn vị tổ chức hoạt động du lịch của Tỉnh còn lúng túng trong khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp để hấp dẫn du khách, thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp. (4) Phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, mặc dù đã được hỗ trợ đào tạo các kỹ năng giao tiếp ứng xử, đón tiếp và phục vụ khách nhưng tiếp thu còn hạn chế nên hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp. (5) Tính cộng đồng, đoàn kết của các hộ dân làm du lịch vẫn chưa cao, đôi lúc còn xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Để du lịch nông nghiệp thật sự phát triển nhanh, bền vững và trở thành một loại hình du lịch chủ lực. Thực hiện theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng Tháp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể:
(1) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, tiếp tục tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp và người dân xem du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh.
(2) Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Kết luận số 249-KL/TU ngày 01/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh và Kế hoạch số 61/KH-UBND của UBND Tỉnh về thực hiện Kết luận số 249-KL/TU của BCH Đảng bộ Tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025; Nghi quyết số 01/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Tỉnh về việc Quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2026 và Đề án phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến 2030.
(3) Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, kết nối và xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề, du lịch văn hóa lịch sử (Đình làng – Nhà cổ) kết hợp Lễ hội, du lịch ẩm thực Sen - sự kiện/MICE kết hợp mua sắm, du lịch chính quyền, du lịch số, du lịch chăm sóc sức khỏe.
(4) Phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối tour – tuyến các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, khu di tích, điểm du lịch, làng nghề thủ công truyền thống,… đặc biệt các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen, đưa hình ảnh hoa Sen và các sản phẩm từ Sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất Sen hồng.
(5) Hỗ trợ xây dựng các điểm du lịch cộng đồng và dịch vụ du lịch cộng đồng đảm bảo tiêu chí để tạo một điểm đến chất lượng, có sức hấp dẫn mạnh mẽ từng bước chuyển hóa các sản phẩm của du lịch cộng đồng tham gia Chương trình OCOP.
(6) Phát huy tính liên kết trong phát triển du lịch nông nghiệp. Tăng cường kết nối giữa chủ thể hoạt động du lịch nông nghiệp (đơn vị cung ứng) với các công ty lữ hành để tăng cường khả năng thu hút khách du lịch. Nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp lữ hành để hỗ trợ tích cực trong việc định hướng tiêu dùng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách.
(7) Tổ chức cho các hộ du lịch cộng đồng đi tham quan thực tế mô hình phát triển nông nghiệp bền vững tại một số địa phương trong nước để giúp người dân có thêm kiến thức, trải nghiệm và quyết tâm làm du lịch nông nghiệp – nông thôn.
(8) Tăng cường năng lực quản lý các điểm du lịch nông nghiệp tại nông hộ một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả, để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
(9) Tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến và thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Khánh Vân