Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo những kết quả nổi bật của du lịch Đồng Tháp thời gian qua. Theo đó, năm 2022, Đồng Tháp đón trên 3,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu trên 1.600 tỷ đồng. Trong quý I/2023, ngành du lịch tỉnh ghi nhận những tín hiệu tích cực khi đón hơn 950.000 lượt khách với tổng doanh thu trên 400 tỷ đồng. Đây là cơ sở để tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu thu hút 3,8 triệu lượt khách trong năm nay với doanh thu hơn 1.800 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Thị Hoài Thu
phát biểu tại hội nghị
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã tham gia thảo luận, làm rõ hơn nội hàm của khái niệm “kinh tế xanh”; đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trên địa bàn tỉnh; xây dựng hệ sinh thái du lịch và có giải pháp liên kết phát triển du lịch theo hướng bền vững từ nguồn tài nguyên và thế mạnh du lịch nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời chia sẻ khó khăn, vướng mắc của các địa phương và khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch thời gian qua, đề xuất hướng giải quyết khắc phục. Cụ thể:
Ths. Nguyễn Văn Thanh – Phó Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố
Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội nghị
Theo Thạc sỹ Nguyễn Văn Thanh – Phó Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xanh cần ban hành quy định về tăng trưởng xanh, phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch xanh, nỗ lực trong việc thay đổi nhận thức, hành vi tiêu dùng của du khách…
Ông Lê Thanh Phong – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch
Đồng bằng sông Cửu Long phát biểu tại hội nghị
Ông Lê Thanh Phong – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh vai trò của du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, phát triển kinh tế xanh sẽ nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời giữ được cảnh quan thiên nhiên, chất lượng môi trường bản địa, truyền thống, bản sắc văn hóa được gìn giữ, phát huy. Do đó, việc Đồng Tháp lựa chọn phát triển theo hướng kinh tế xanh, du lịch xanh là lựa chọn phát triển bền vững, hài hòa.
Lấy ví dụ về túi xách làm từ sợi dứa, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng - Viện Trưởng Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo Mekong chia sẻ đây là một trong những ví dụ cho việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp tạo ra sản phẩm du lịch. Kinh tế xanh, du lịch xanh là tận dụng những thứ đang có để tạo kinh tế tuần hoàn, xanh hóa, giảm thiểu dấu vết carbon.
Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng chia sẻ về du lịch xanh thông qua ví dụ về chiếc túi xách làm từ sợi dứa tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh Đoàn Tấn Bửu khẳng định, thời gian qua, Đồng Tháp quyết tâm thực hiện chủ trương phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững. Phát triển du lịch theo xu hướng tăng trưởng xanh sẽ giúp cho người dân đảm bảo cuộc sống gắn với sinh kế vốn có trên chính vùng đất của họ, từ đó kinh tế ổn định và bền vững hơn. Do đó, những ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ góp phần giúp Đồng Tháp thực hiện tốt hơn mục tiêu phát triển du lịch xanh trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh Đoàn Tấn Bửu trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích
xuất sắc trong triển khai Phong trào “Phát triển sản phẩm du lịch Đồng Tháp gắn
với xây dựng thương hiệu và hình ảnh địa phương”.
Dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 15 tập thể và 15 cá nhân đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong triển khai thực hiện phong trào thi đua chuyên đề “Phát triển sản phẩm du lịch Đồng Tháp gắn với xây dựng thương hiệu và hình ảnh địa phương” năm 2022.
Phòng QLDL