Đồng Tháp xây dựng môi trường du lịch thân thiện, ứng xử văn minh

10/02/2023 1180 0
Đảm bảo sự tiếp cận thông tin của doanh nghiệp, người dân và khách du lịch khi ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch; xây dựng môi trường du lịch thân thiện, ứng xử văn minh, chấp hành các quy định của pháp luật tại điểm đến du lịch...là nội dung của Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh tại tỉnh Đồng Tháp.


Ảnh minh họa. Nguồn: dongthap.gov.vn

Ngày 08/02, Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch Đồng Tháp trở thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Kế hoạch, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo; hoàn thiện nền tảng ứng dụng công nghệ hiện có phục vụ khách du lịch, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; tích hợp các ứng dụng tiện ích hỗ trợ khách du lịch, các chủ thể liên quan du lịch; xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm được ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để nâng cao trải nghiệm và phù hợp với hành vi tiêu dùng của khách du lịch v.v..

Định hướng đến năm 2030, phát triển du lịch thông minh đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững, góp phần đưa du lịch Đồng Tháp trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, đồng bộ trên cơ sở tiếp cận những công nghệ tiên tiến. Mở rộng phát triển du lịch thông minh các địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh, đóng góp việc hình thành các chuỗi đô thị thông minh phạm vi toàn tỉnh.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tập trung phát triển, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch đảm bảo đồng bộ, kết nối và liên thông từ trung ương đến các địa phương; chuẩn hóa dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý; hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch cần được xây dựng đáp ứng quản lý ngành.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển các nhóm ứng dụng: Ứng dụng hỗ trợ khách du lịch; ứng dụng hỗ trợ quản lý nhà nước về du lịch; ứng dụng hỗ trợ, quản lý điểm đến thông minh; ứng dụng hỗ trợ, quản lý doanh nghiệp thông minh.

Cùng với đó, đảm bảo sự tiếp cận thông tin của doanh nghiệp, người dân và khách du lịch khi ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch; xây dựng môi trường du lịch thân thiện, ứng xử văn minh, chấp hành các quy định của pháp luật tại điểm đến du lịch; nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh, quản lý hoạt động lưu trú điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu liên thông với nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch như ứng dụng “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel”, nền tảng “Quản trị kinh doanh du lịch”; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vận hành sử dụng các hệ thống thông tin trong quản lý du lịch thông minh, kỹ năng thống kê, tổng hợp và phân tích dữ liệu, Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin chuyên ngành cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành du lịch để sẵn sàng thích ứng làm việc trong môi trường số.

Theo PV (dangcongsan.vn)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu