Du lịch bền vững
Du lịch bền vững là hình thái du lịch trong đó giúp gia tăng các lợi ích và giảm các tác động tiêu cực mà du lịch gây ra cho các điểm đến. Trọng tâm chính cua du lịch bền vững là bảo vệ môi trường tự nhiên, đời sống hoang dã và các tài nguyên thiên nhiên trong quá trình phát triển và quản lý các hoạt động du lịch. Những ví dụ về hoạt động cụ thể phản ánh du lịch bền vững có thể kể đến như tránh sử dụng các vật liệu làm từ nhựa, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ từ cộng đồng địa phương, sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, vv..
Theo UNWTO, du lịch bền vững hướng đến sử dụng tài nguyên môi trường một cách tối ưu bên cạnh việc duy trì các quá trình sinh thái thiết yếu và giúp bảo tồn di sản thiên nhiên, tính đa dạng sinh học. Thứ hai, du lịch bền vững phải tôn trọng tính xác thực về văn hóa – xã hội của các cộng đồng tại điểm đến, bảo tồn các giá trị truyền thống và di sản văn hóa đã được xây dựng và sinh sống của họ, đồng thời góp phần vào sự hiểu biết và khoan dung giữa các nền văn hóa. Cuối cùng, du lịch bền vững phải đảm bảo các hoạt động của nó mang lại lợi ích một cách công bằng về kinh tế – xã hội cho tất cả các bên liên quan.
Từ đó, có thể thấy du lịch bền vững được định hướng phải giao thoa giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cụ thể là tận dụng tài nguyên sao cho vừa có lợi cho cộng đồng địa phương và vừa giảm thiểu tác động đến môi trường tự nhiên và văn hóa – xã hội. Ngoài ra, du lịch bền vững phải cân bằng giữa doanh thu và chi phí để bảo tồn tài nguyên du lịch về cả mặt tự nhiên lẫn con người và phát triển song song giữa “chất” và “lượng”.
Trong nhiều năm gần đây, các tổ chức du lịch uy tín mang tính toàn cầu như UNWTO hay WTTC và PATA điều có những khuyến nghị hoặc chính sách nhằm thúc đẩy việc phát triển du lịch một cách bền vững. Tuy nhiên, có những vấn đề mà du lịch bền vững cũng chưa thực sự giải quyết được như sự suy thoái tự nhiên, biến đổi khí hậu và tính đa dạng sinh học.
Cho đến khi…
Covid-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020 khiến cho hầu hết hoạt động du lịch phải dừng lại. Cơn khủng hoảng này đã trở thành nguyên nhân khiến nhiều cộng đồng vốn xem du lịch là hoàn toàn độc lập so với các ngành khác có thời gian nhìn lại để nhận ra những tác động của ngành du lịch lên toàn bộ hệ sinh thái trên toàn cầu. Ngành du lịch cũng đang sử dụng các sản phẩm và tài nguyên của các ngành khác, cũng như tận dụng các tài nguyên thiên nhiên có trên trái đất.
Nhìn chung, du lịch là một ngành mang tính khai thác. Và theo định hướng phát triển du lịch bền vững, chúng ta chỉ đang hướng đến việc giảm các tác động tiêu cực, giải quyết các tác động tiêu cực mà các hoạt động du lịch để lại chứ chưa giải quyết được bản chất xói mòn và xuống cấp theo thời gian của tự nhiên như biến đổi khí hậu, giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt nguồn nước…Ngoài ra, những tác động và lợi ích kinh tế mà du lịch bền vững đang hướng đến vẫn chỉ là những tác động một chiều hay chỉ giải quyết những tác động đến từ chính hoạt động du lịch.
Vậy du lịch bền vững cần phải tiến hóa như thế nào?
Nếu du lịch chỉ đơn giản khai thác những yếu tố cấu thành của tự nhiên hay chỉ tạo ra những biện pháp để giải quyết các tác động tiêu cực mà ngành để lại như hướng đi mà du lịch bền vững nhắm đến, điều này vẫn chưa thật sự phù hợp để đảm bảo tính cân bằng đối với các yếu tố cấu thành còn lại và sẽ dẫn đến việc sự sống tiếp tục ngày càng bị mai một. Vì thế, cần phải có một hình thái du lịch mới để không chỉ dừng lại ở giảm thiểu các tác động tiêu cực mà còn liên tục ra tạo ra các tác động tích cực để bù đắp cho sự suy thoái tự nhiên này. Hình thái mới này có tên là “du lịch tái tạo”.
Du lịch tái tạo (từ gốc: generative tourism) là một hình thái du lịch tạo được các điều kiện và giá trị nền tảng để cuộc sống tại điểm đến tiếp tục duy trì và phát triển. Hiểu một cách đơn giản, du lịch tái tạo là làm cho điểm đến trở nên tốt đẹp hơn sau mỗi chuyến đi.
Cụm từ “du lịch tái tạo” xuất hiện đầu tiên vào tháng 10/2019 trong bài phân tích của chuyên gia Anna Pollock – một nhà nghiên cứu và chiến lược có uy tín với nhiều đóng góp cho các tổ chức du lịch toàn cầu nhưng từ thời điểm đầu năm 2020 – khi Covid bắt đầu xuất hiện và khiến người ta nhận ra những vấn đề lâu dài chưa được giải quyết một cách rõ ràng hơn, khái niệm mới này được các tổ chức du lịch nhắc đến nhiều hơn. Theo bà Anna Pollock, du lịch tái tạo không đi ngược lại quá trình phát triển và tăng trưởng mà đơn giản là yêu cầu con người phải phát triển những gì quan trọng nhất, theo cách thức có lợi cho toàn bộ hệ thống và không gây thiệt hại cho những lĩnh vực khác.
Du lịch tái tạo không chỉ đơn giản là tạo ra những thay đổi lớn và thực hiện nhiều việc tốt cho môi trường và xã hội mà đặt những tác động này theo mối tương quan giữa các yếu tố cấu thành, hướng đến cân bằng mối quan hệ giữa các yếu tố để các yếu tố này tiếp tục tương tác, tự tổ chức và tiến hóa. Bởi cuộc sống chỉ được duy trì nếu các yếu tố cấu thành có thể tự tiếp tục phát triển và ảnh hưởng lẫn nhau một cách tự nhiên, nếu chỉ cân bằng từng yếu tố hay chỉ thêm các tác động tích cực một cách riêng lẻ, sự sống vẫn sẽ bị mai một dần. Có thể hình dung rằng bản chất khai thác của du lịch tương tự như cách thu hoạch trái trong vườn cây – nếu cứ tiếp tục thu hoạch, những cái cây rồi cũng sẽ chết. Từ đó, du lịch bền vững có thể được hiểu là dùng tiền có được từ khách tham quan vườn để mua phân bón chăm sóc lại khu vườn – duy trì sự sống cho những cây sẵn có. Còn du lịch tái tạo đi một bước xa hơn, đó là gieo lại hạt từ quả đã thu hoạch vào khu vườn – tạo ra những cây mới cho tương lai để chúng có thể tiếp tục ra quả cho những thế hệ tương lai.
Tạm kết
Bản chất cốt lõi của sự sống luôn đòi hỏi những yếu tố cấu thành liên tục phải sửa chữa, bảo tồn và tái tạo lẫn nhau. Do đó, khi nhận ra những gì mà du lịch bền vững hướng đến vẫn chưa đủ để đảm bảo tương lai lâu dài, tất cả chúng ta cần phải đặt câu hỏi về những cách thức cụ thể để giúp ngành du lịch hiện tại chuyển đổi theo hướng tái tạo, bắt đầu từ việc chuyển đổi cách chúng ta nhận thức và định nghĩa về du lịch.
Nguồn: https://destination-review.com/