Câu chuyện về thành phố trẻ quê tôi

17/11/2022 1394 0
Quê tôi đó, vùng đất nghĩa tình vang danh huyền tích Ông Bà Đỗ Công Tường. Quê tôi đó, “Câu Lãnh” – tên gọi thân thương được nhân dân bao đời yêu mến, tôn thờ, gắn với tên người hiền, giàu công đức và chức vụ công việc đóng góp cho xã hội: “Câu Đương là chức, Lãnh là danh”. Quê tôi đó, có làng Hoà An – nơi Cụ Phó bảng gắn bó nghề dạy học, bốc thuốc, chữa bệnh. Quê tôi đó, một thành phố trẻ chỉ hơn mười lăm năm tuổi! Quê tôi đó, Cao Lãnh - Thủ phủ Đất Sen Hồng.

Ngược dòng thời gian mấy mươi năm về trước, quê tôi chỉ là một thị trấn nhỏ, rất nhỏ. Cả thị trấn vỏn vẹn vài con đường lát đá thưa thớt bóng người, một hai công trình công cộng cũ kỹ, năm ba khu phố thấp tầng. Hoạt động về đêm vắng lặng, chỉ gom lại một khu Ngã tư đèn dầu le lói sáng. Nếp sống nông thôn còn in đậm từ trong nhà ra ngoài phố. Vào mùa nước lụt lịch sử năm 1978, nhiều người biết đến quê tôi nhiều hơn qua những hình ảnh sinh động. Cả thị trấn ngập chìm trong biển nước. Mọi hoạt động hầu như ngưng trệ. Đường bỗng chốc hoá thành sông, không phải xe cộ, mà là tàu ghe tấp nập ngược xuôi. Người dân chống bè câu cá giữa nơi được gọi là trung tâm phố thị. Người quê tôi biết “sống chung với lụt, với lũ” từ dạo ấy. Người quê tôi biết thế nào là đê bao chống lũ cũng từ dạo ấy.

Rồi đô thị được mở rộng dần ra, lớn dần lên. Dân cư bắt đầu đông đúc hơn, sinh hoạt nhộn nhịp hơn. Tiện ích đô thị được nâng cấp đầu tư, đường sá rộng thoáng, nhà cửa khang trang, vươn tầng. Nếp sống thị bắt đầu hình thành, phụ nữ rạng rỡ ra đường, xuống phố với chiếc váy xinh tươi xen lẫn áo bà ba bình dị. Những ai vẫn luôn sinh sống tại Cao Lãnh có thể khó cảm nhận rõ, nhưng những người xa xứ mỗi lần có dịp về thăm quê, đều phấn khích trước sự thay đổi mỗi ngày. Chiếc phà chậm rãi ngày nào đã chào đón sự song hành của cây cầu dây văng hiện đại. Bên cạnh ngôi chợ truyền thống, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại sầm uất mọc lên, sáng đèn sáng phố. Quảng trường, công viên, hoa viên được khách thập phương trầm trồ, thích thú. Trường Cao đẳng Sư phạm nơi Cầu Bắc năm xưa giờ đã trở thành Đại học đa ngành, thu hút đông đảo sinh viên đến từ nhiều địa phương trong cả nước hiện thực hoá ước mơ tri thức. Hoa sen từ trong đồng nội tiến ra phố thị, dịu dàng khoe sắc! Nhiều dịch vụ gắn với hình ảnh hoa sen: Taxi Sen Hồng, Nhà khách Phố Sen, Nhà trẻ Hoa Sen, Cửa hàng Sen Vàng, Sen Xanh, Cà phê Hương Sen,… Nhiều sản phẩm khởi sự lập nghiệp của các bạn thanh niên gắn với hoa sen – tài nguyên bản địa: hoa sen sấy khô, trà lá sen, tim sen, tranh sen, bánh hạt sen,… Thủ phủ Đất Sen Hồng rực rỡ đa sắc sen hồng. Thủ phủ Đất Sen Hồng thắp sáng Giấc mơ Sen.

Rồi đô thị chuyển mình, từ loại IV, lên loại III, rồi loại II và đang hướng đến loại I. Vươn vai khoẻ khoắn, từ thị trấn, lên thị xã, rồi thành phố. Niềm vui xen lẫn tự hào, quê tôi được vinh danh “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO”. Niềm vui nối tiếp niềm vui, quê tôi đang tất bật chào đón Đường sách đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hồi tưởng ngày trước, vì miếng cơm manh áo còn bao gian khó, nên người dân ít xem trọng sự học, có người còn khuyên: “Lấy bồ đựng lúa chứ ai lấy bồ đựng chữ”. Vậy thì sao lại không phấn khởi trước sự vươn mình có tính bước ngoặt từ hai sự kiện vui nối tiếp này?

Câu chuyện về “tư duy chiếc hộp đựng” vẫn còn nguyên tính thời sự, khi đầu tư, nhiều người thường chỉ chú ý “phần cứng” – hình thức bên ngoài, mà quên để tâm đến “phần mềm” – cách thức, hoạt động vận hành, giá trị cốt lõi bên trong. Đừng để danh hiệu chỉ dừng lại ở tấm bằng công nhận. Đừng để đường sách chỉ là con đường trưng bày nhiều sách. Nếu không cảm nhận, khám phá trọn vẹn chiều sâu giá trị, thì khó lòng kích hoạt sự tham gia năng động, tích cực của cộng đồng, của xã hội. Không đánh giá, nhìn nhận đúng đắn giá trị, thì lại dễ rơi vào các tình huống đã từng gặp phải: các danh hiệu văn hoá đây đó sau khi được công nhận, rồi mãi loay hoay tìm cách phát huy.

Sách là một trong những điều kiện giúp mọi người học tập suốt đời, hướng tới xây dựng xã hội học tập. Bây giờ, người dân khá giả hơn, nhiều gia đình có điều kiện cho con lên thành phố theo học các trường quốc tế, thậm chí du học. Nhưng “Thành phố học tập” là câu chuyện của mọi giai tầng trong xã hội, không một ai bị bỏ lại phía sau. Gần trăm năm trước, một nhà giáo dục đã truyền đi thông điệp: “Người có học, làm thợ là tay thợ khéo, đi buôn là nhà buôn giỏi, làm ruộng là nhà điền chủ khôn ngoan. Sự học có ích là thế đó”. Trong nền kinh tế tri thức, bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, sức lao động,… là các nguồn lực để tăng trưởng, thì chính nguồn lực tri thức, vốn văn hoá, vốn xã hội mới là động lực mạnh mẽ, tươi mới tạo nên sự phát triển bền vững.

“Học tập suốt đời”, theo định nghĩa của UNESCO, là “tất cả các hoạt động học tập có chủ đích xuyên suốt cuộc sống của một cá nhân từ khi chào đời đến lúc rời xa cuộc sống, theo các phương thức giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy”. Bác Hồ, một tấm gương tự học và học tập suốt đời, đã nhắc nhở: “Thế giới tiến bộ không ngừng. Ai không học là lùi!”. Thành phố quê tôi, chắc chắn, không chấp nhận tụt lùi, mà ngược lại, luôn khao khát tiến lên. Rồi đây, người dân quê tôi, từ học sinh, sinh viên, giáo viên, công chức, viên chức, người lao động…, ai ai cũng chăm chỉ, say mê đọc sách. Rồi đây, người dân quê tôi quen dần việc đến đường sách, nhà sách, thư viện, tủ sách khuyến học, như một thói quen, sở thích thường ngày. Rồi đây, không gian sách sẽ hiện diện trong từng “công sở văn hoá”, trong mỗi “khu dân cư văn hoá”, mỗi “gia đình văn hoá”. Thân thuộc với thư viện công, người dân quê tôi sẽ tiếp tục chào đón những thư viện dân lập, thư viện tự giác, tự đóng góp, thư viện di động - theo những chiếc xe đi khắp các ngõ phố, khu dân cư, hay thư viện số - bạn đọc có thể truy cập từ bất cứ nơi đâu. Một ước mơ nhỏ về thành phố trẻ quê tôi!

Tri thức, không chỉ là kiến thức, mà còn gắn kết với văn hoá. Cư dân càng giàu tri thức, nền tảng văn hoá càng được vững vàng, nâng cao, cách thức giao tiếp, ứng xử nơi công cộng văn minh hơn. Con người sống hài hoà với nhau, hài hoà với thiên nhiên. Khi ấy, những danh hiệu “văn hoá”, không còn là hình thức, là thành tích, mà là niềm tự hào trong mỗi người. Khi ấy, tinh thần “nghĩ cho người khác”, “cho đi để lan toả giá trị tốt đẹp” thấm đẫm vào nếp nghĩ từng người, nếp sống từng nhà. Sự nhường nhịn, sẻ chia, khoan dung thay cho những so đo, đố kỵ, hẹp hòi. Lại một ước mơ nhỏ về thành phố trẻ quê tôi!

Tri thức, không chỉ là kiến thức, mà còn là cách sống, là thái độ sống. Người càng giàu tri thức, cách sống càng phong phú, thái độ sống càng dấn thân, dốc sức. Một nhà bác học tổng kết: “Sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với cái tôi. Hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng nhỏ lại”. Khi vượt qua cái tôi, con người không phân biệt thân phận xã hội cao hay thấp, giàu sang hay nghèo khó, con người dễ sống xích lại gần nhau, gắn kết nhau, trở thành cấu kết xã hội bền chặt. Khi đó, cấu kết xã hội trở thành nguồn vốn quý giá. Và rồi, “Thành phố học tập” quê tôi tiến bước vững chắc đến “Thành phố tri thức”“Thành phố số”. Thành phố quê tôi sẽ kiên trì hành trình tìm kiếm và hiện thực hoá những giá trị mới. Thêm một ước mơ nhỏ về thành phố trẻ quê tôi!

Mai này, thành phố quê tôi sẽ hiện thực hoá quy hoạch do tư vấn nước ngoài thực hiện, từng nhận giải thưởng quốc gia. Đây không chỉ là một bản vẽ, mà là định hướng, tầm nhìn, hình thành các cấu trúc không gian, tạo thêm động lực từ những nguồn lực hiện có và khám phá những giá trị mới. Khi dư địa tăng trưởng dần chạm ngưỡng, bởi không gian địa lý giới hạn, tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, năng suất lao động chưa thể cải thiện ngày một ngày hai, chiều kích không gian thành phố cần được tích hợp từ không gian kinh tế, không gian văn hoá, không gian xã hội. Chiều kích thời gian cần kết nối truyền thống lịch sử, giá trị hiện tại và ước mơ tương lai. Tất cả chiều kích không gian - thời gian cần xoay quanh hoạt động của con người quê tôi. Vừa mơ vừa mở, thành phố trẻ quê tôi, từ ngày đăng cai “Hội Khoẻ” rèn luyện thể chất, thi đấu thể thao năm 2000, giờ đây tự tin “vươn vai Phù Đổng”.

Trong khi sự tăng trưởng kinh tế năng động, hình ảnh phố xá nhộn nhịp, nhà cửa cao tầng đông đúc… biểu hiện cho mức độ phồn vinh, thịnh vượng, phát triển đô thị, thì đời sống văn hoá – tinh thần, nếp sống, nếp nghĩ của cộng đồng dân cư, cách thức mọi người cư xử, hoà hợp với nhau mới chính là điều tạo nên bản sắc, “hồn cốt” của thành phố trẻ quê tôi. Trước những đổi thay tích cực hàng ngày nơi Thủ phủ Đất Sen Hồng: “năng động – văn minh – an toàn – thân thiện”, người người vẫn vẹn nguyên cảm giác gắn kết, thân thuộc với thành phố Cao Lãnh xiết bao hồn hậu, mênh mông tình đất, lai láng tình người. “Hò ơi...! Nhớ nhau về Cao Lãnh tìm, mối duyên thề thắm đượm tình quê Cao Lãnh ơi!”. Hãy cùng vang mãi câu hò, mỗi công dân thành phố trẻ quê tôi!

Theo Lê Minh Hoan (dongthap.gov.vn)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu