Đồng Tháp: Kết nối tuyến điểm, lần đầu tiên tổ chức thử nghiệm chương trình trải nghiệm du lịch nông nghiệp, 2 ngày 1 đêm tại huyện Cao Lãnh

15/11/2022 1360 0
Từ năm 2016, đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có 65 điểm tham quan du lịch gắn với trải nghiệm nông nghiệp và làng nghề được thành lập, đi vào hoạt động.

Thông tin từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, Đồng Tháp thu hút 2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt cao với khoảng 800 tỷ đồng.

 Tuy có nhiều kết quả, song du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp cũng bộc lộ nhiều thách thức, đặc biệt là việc kết nối các tuyến điểm để xây dựng thành các tour chương trình trải nghiệm, hệ số lưu trú của khách du lịch đến Đồng Tháp khá thấp dù số lượng khách đến nhiều, thêm vào đó, khách du lịch đến Đồng Tháp đa phần là khách nội địa, nhu cầu du lịch tâm linh và thông qua các lễ hội do tỉnh tổ chức là chủ yếu, các sản phẩm lữ hành của Đồng Tháp chưa được xây dựng thành hệ thống và chưa tiếp cận sâu và thu hút được đông đảo khách nước ngoài đến Đồng Tháp. Ngoài ra, sau dịch bệnh Covid – 19, khả năng phục hồi nhiều điểm du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, lúng túng trong định vị sản phẩm đặc thù để tiếp cận phù hợp thị trường, các quy trình tiếp, đón khách và chuẩn dịch vụ đứng trước nguy cơ phải làm lại từ đầu,

Mặt khác, du lịch cộng đồng tại Đồng Tháp phát triển từ khá sớm so với các tỉnh, thành khác trong khu vực. Đến nay, nhiều mô hình đã trở nên lỗi thời, chưa cập nhật kịp với xu hướng mới nhu cầu trải nghiệm du lịch, nhất là sau đại dịch Covid – 19, nhiều thói quen, sinh hoạt và yêu cầu hưởng thụ trong những hành trình trải nghiệm du lịch của khách du lịch đã hoàn toàn thay đổi.

Xác định du lịch mà đặc biệt là du lịch nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh nhà, đồng thời với quan điểm “phát triển du lịch gắn với quảng bá thương hiệu địa phương”, Đồng Tháp xây dựng kế hoạch tiến hành tổ chức, sắp xếp và đánh giá toàn diện lại cơ sở hạ tầng du lịch, chất lượng phục vụ dịch vụ đối với các điểm du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 Đồng thời tạo cơ chế thông tin để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ, các điểm du lịch tại nông thôn trong quá trình phục hồi phát triển du lịch nông nghiệp sau thời gian dài chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid – 19, trong hai ngày 9 và 10/11/2022 vừa qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong tổ chức tập huấn chuyên đề: xây dựng và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

 Đây được xem là lần đầu tiên, các hộ nông dân, cơ sở sản xuất nông nghiệp làm du lịch, các điểm đến và cán bộ quản lý du lịch địa phương được tập huấn chuyên sâu về phương pháp thiết kế và hoàn chỉnh chương trình tour nhằm kết nối các điểm đến ngay tại địa phương mình, những kỹ năng để tính toán chi phí trong quá trình triển khai dịch vụ, hoàn thiện sản phẩm lữ hành và nắm được kiến thức về xu hướng mới nhu cầu du lịch của thị trường khách hiện nay, phương pháp tiếp cận với từng phân khúc thị trường cho từng sản phẩm lữ hành đặc thù,.

Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn hai ngày, nhưng tất cả các học viên đều bày tỏ sự vui mừng, đánh giá cao tính hữu ích khi được tiếp cận với kiến thức, kỹ năng mới, đúng với cái khó và yếu hiện nay của những người trực tiếp làm dịch vụ du lịch nông nghiệp ở tỉnh.

Tại lớp tập huấn chuyên sâu lần này, học viên tại các địa phương đã cùng thảo luận và thiết kế các chương trình lữ hành kết nối điểm đến ngay tại huyện, thành phố của mình, liên tuyến với các điểm đến của địa phương khác nhằm tăng thời gian lưu trú của khách. Sau hau ngày tập trung, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Viện ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong đã có một ngày triển khai tập huấn chuyên đề cho huyện Cao Lãnh, tập trung vào các kỹ năng và phương pháp xây dựng sản phẩm lữ hành. Sau chương trình, huyện Cao Lãnh lần đầu tiên đã tổ chức thử nghiệm chương trình tour du lịch nông nghiệp trong hai ngày một đêm, kết nối với các điểm đến tại huyện. Với chương trình thử nghiệm đầu tiên này, địa phương mở bán giá nội bộ, số lượng giới hạn cho 35 khách nội địa đến từ Chợ Lách, Bến Tre.

Du khách trải nghiệm dỡ chà bắt cá cùng với người dân

Chương trình tour thử nghiệm du lịch nông nghiệp của huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp được thiết kế trên tinh thần phát huy tối đa nội lực tài nguyên du lịch hiện đang có. Ngày đầu tiên khách đến huyện Cao Lãnh sẽ được xuống tàu du lịch di chuyển đến khu làng bè Bình Thạnh.

Tại đây, du khách được trải nghiệm hoạt động dỡ chà bắt cá. Du khách thích thú khi nhìn thấy chà có được rất nhiều cá, được hiểu về câu chuyện “dỡ chà đãi bạn”, một nét ứng xử rất thú vị của người dân vùng sông nước xứ Sen hồng nói riêng, Tây Nam Bộ nói chung.

Tôm cá tươi thu hoạch được chế biến ngay trên tàu để phục vụ quý khách bằng những món ăn dân dã nhưng vô cùng tinh tế như: cá lăng kho khô tiêu, canh chua cá lăng nấu bần, tôm càng xanh nướng, cá he chiên giòn mắm gừng, rau luộc, gỏi xoài khô lóc đồng, sặc rằn Đồng Tháp, cùng nhấm nháp rượu sen, tạo cảm giác thích thú cho du khách trải nghiệm ngay khi vừa đến huyện Cao Lãnh.

 Sau hơn 1 giờ trải nghiệm, khách cập bến xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, nơi được xem là thủ phủ xoài của Đồng Tháp. Tại đây, du khách nhận xe đạp và di chuyển đến Minh Tâm hội quán (Hội quán nông dân Đồng Tháp là hình thức liên kết tự nguyện giữa những người nông dân nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Đây không chỉ là kênh trao đổi, chia sẻ giữa người nông dân với chính quyền về những vấn đề kinh tế – xã hội (KTXH) ở địa phương, mà còn là kênh liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp (DN) thu mua nông sản.

 Mô hình này đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác với DN đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, hình thành niềm tin cho người nông dân thông qua việc phát huy dân chủ. Những năm gần đây, các hội quán nông dân còn hỗ trợ nhau làm du lịch nông nghiệp, trở thành điểm đến cho du khách mỗi khi du lịch tại Đồng Tháp).

Xuôi  sông Tiền bằng tàu du lịch du khách thưởng thức bánh cổ truyền

Tại Minh Tâm hội quán, du khách được gặp gỡ và trao đổi chuyện trò với Ban chủ nhiệm, tham quan, trải nghiệm vườn xoài, nghe giới thiệu và tìm hiểu về mô hình “Cây xoài nhà tôi”, một mô hình gắn kết giữa khách du lịch với nhà vườn thông qua việc khách đăng ký mua cây xoài ngay tại vườn xoài trong vòng một năm với mức giá nhất định. Nhà vườn sẽ có mã QR code thường xuyên cập nhật quá trình sinh trưởng và kết trái của cây xoài. Đến mùa thu hoạch, khách có thể về trực tiếp thu hoạch xoài của mình hoặc giao nhà vườn thu hoạch và đóng gói chuyển cho khách.

Đây được xem là mô hình sáng tạo đặc biệt của người nông dân vườn xoài huyện Cao Lãnh triển khai từ năm 2016 cho đến nay với hơn 500 “Cây xoài nhà tôi” được khách đặt mua, trở thành sự liên kết, gắn bó bền chặt giữa nông dân nhà vườn với du khách.

Tôm cá tươi được chế biến và thưởng thức tại chỗ

Rời Minh Tâm hội quán, du khách tiếp tục di chuyển bằng xe đạp khoảng 10 phút đến Phủ thờ Thư ngọc hầu, di tích lịch sử cấp tỉnh. Nơi đây là cơ sở phụng tự chính của danh tướng Nguyễn Văn Thư, vị võ tướng được vua Gia Long sắc phong là Đặc Tấn Phụ Quốc, Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Khâm Sai Chưởng Dinh, Tước Thư ngọc hầu.

Du khách được nghe câu chuyện về danh tướng Nguyễn Văn Thư qua lời kể của hậu duệ đời thứ 7 của ông. Sau đó được chia sẻ về lịch sử chiếc áo dài Nam Bộ xưa, học cách lễ bái đúng quy tắc và cùng thử mặc áo dài xưa Nam Bộ thưởng thức trà bánh từ xoài do chính gia đình làm. Chắc chắn sẽ khiến du khách cảm nhận được nét văn hoá và phong vị xưa cũ của cha ông ta ngày trước.

Điểm đến tiếp theo trong hành trình đó là Khu du lịch sinh thái Thiên Phú. Khách nhận phòng ngủ dân dã miệt vườn, vệ sinh và cùng nhau thưởng thức tiệc nướng tại sân vườn trong không gian thơ mộng, lắng nghe nghệ nhân chơi nhạc cụ dân tộc và ngân nga hò Đồng Tháp, di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia của địa phương.

Ngày thứ 2 của chuyến trải nghiệm bắt đầu bằng buổi sáng sớm với tiếng chim hót trong không gian thiên nhiên vườn sinh thái của Khu du lịch Thiên Phú. Quý khách có thể dậy thật sớm để tận hưởng không khí trong lành, đón mặt trời mọc và đi dạo, thể dục quanh khu vườn rộng lớn trên 50.000m2 giữa bạt ngàn cây trái xanh mướt của xoài, ổi, đu đủ, nhãn,.

Điểm tâm sáng của quý khách sẽ là những món ăn tự chọn dân dã nhưng đặc biệt ngon và lành như: bánh dân gian, cơm rang xoài, bánh tằm bì, bánh mì cá sông Đồng Tháp kho rục xương sốt cà, khoai lang, bắp luộc, cháo trắng cá kho tiêu,…hoặc nếu với các nhóm khách dưới 35 khách thì sẽ được thưởng thức món ăn sáng rất nổi tiếng của Đồng Tháp đó là hủ tíu Sa Đéc. Trà sen hoặc các loại nước ép trái cây sạch từ vườn, sữa sen hay sữa ấu là những loại thức uống giúp cho du khách tràn đầy năng lượng ngày mới để bắt đầu cùng tham gia các trò chơi vận động tập thể tại đây.

Với lợi thế rộng và có nhiều sự lựa chọn cho du khách muốn tìm về thiên nhiên dân dã, Khu du lịch Thiên Phú không quá ồn ào nhưng cũng đủ tạo nên các trải nghiệm sinh động cho quý khách. Tại đây, quý khách có thể tham gia chèo xuồng, chơi các trò chơi đu dây qua kênh, hoặc cầu lắc,.

Điều đặc biệt tại chương trình thử nghiệm tour du lịch nông nghiệp huyện Cao Lãnh lần này là phần thi tài “Nhà nông bốn chấm không”. Những nông dân sẽ cùng nhau thi tài chụp ảnh, quay phim điểm đến du lịch Thiên Phú, dựng và up trên các tài khoản Tiktok, chia đội thống nhất để livestream giới thiệu điểm đến. Được biết, đây cũng là những kỹ năng quan trọng cần trang bị cho những nhà nông làm du lịch, không chỉ nâng cao kỹ năng quảng bá giới thiệu điểm đến và các dịch vụ du lịch mà còn thông qua đó giới thiệu, quảng bá đặc sản, sản vật địa phương, gắn phát triển du lịch nông nghiệp với chương trình nông thôn mới – OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

Sau buổi cơm trưa với món gà vườn luộc, nấu cháo gỏi xé phay và ếch xào mướp đặc sản, quý khách bắt đầu check out, chia tay Khu du lịch Thiên Phú, xe đưa quý khách đến tham quan Bửu Lâm cổ tự cách đó không xa. Ngôi chùa cổ nằm ven kênh với hàng cây cổ thụ. Đây được xem là ngôi chùa cổ nhất vùng được hình thành và phát triển trên 320 năm. Không gian yên bình của ngôi chùa cổ giúp quý khách tìm về an lạc ngay trong chính tâm trí mỗi người. Sau hai ngày tham gia nhiều hoạt động thì đây là lúc quý khách lắng đọng trước sự tôn nghiêm, thanh tịnh tại Bửu Lâm cổ tự. Thầy trụ trì sẽ nói về quá trình lịch sử hình thành và phát triển ngôi chùa, quý khách dâng hương, vãn cảnh và thưởng thức trà sen, hoa quả, chuối sáp luộc vừa vớt ra nóng hổi, tươm mật ngọt.

Du khách trải nghiệm các trò chơi tập thể tại KDL sinh thái Thiên Phú

Chia tay Bửu Lâm cổ tự, xe đưa quý khách đến Ecolotus, hơn cả một điểm dừng chân thông thường, tại Ecolotus, quý khách được hiểu hơn về câu chuyện văn hoá Sen Đồng Tháp do chính những người trẻ yêu quê hương, xứ sở không ngừng nghiên cứu ứng dụng làm tăng chuỗi giá trị cho Sen.

Tại đây, quý khách có thể đăng ký tham gia trải nghiệm cùng những người thợ hoàn tất công đoạn để cho ra đời sản phẩm nón lá sen, túi xách tay bằng lá sen hay sổ tay lá sen,…sau đó mang về làm quà lưu niệm. Nhiều mặt hàng đặc sản địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP cũng được giới thiệu nên quý khách không quá khó khăn khi lựa chọn cho mình những phần quà du lịch dịp đến Đồng Tháp mang về biếu tặng người thân, bạn bè. Những trải nghiệm của du khách tại Ecolotus cũng khép lại hành trình du lịch nông nghiệp hai ngày một đêm với chủ đề “Về vườn Cao Lãnh, trải nghiệm du lịch xanh”, khách lên xe rời Cao Lãnh, Đồng Tháp, hẹn ngày gặp lại.

Nhận xét sau khi kết thúc chương trình thử nghiệm tour du lịch nông nghiệp huyện Cao Lãnh, anh Lương Hoài Trọng Tính, du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Mặc dù là chương trình tour thử nghiệm chắc chắc sẽ không tránh khỏi nhiều khâu kỹ thuật dịch vụ phục vụ cần hoàn chỉnh nhưng có thể nói đây là chương trình trải nghiệm rất hay.

Tôi lần đầu tiên được tham gia dỡ chà bắt cá, rất vui và thích thú. Ẩm thực đa dạng và phong phú. Những điểm đến được chọn kỹ và tôi thấy được sự hiếu khách, chân thành, hồn hậu của người dân địa phương. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với những trải nghiệm về văn hoá mà chương trình tour mang lại, đây chắc chắn sẽ hấp dẫn được du khách quốc tế.

Chị Yến – du khách đến từ Bến Tre tham gia mua tour thử nghiệm lần này chia sẻ: Bản thân tôi cũng là một nông dân nhà vườn, tuy nhiên tôi khá bất ngờ với các mô hình như hội quán nông dân, cây xoài nhà tôi, những mô hình này rất thiết thực. Về góp ý cho tour thì tại các điểm đến nhất là chỗ ngủ, ăn uống chắc chắn địa phương cần tiếp tục hỗ trợ để các chủ cơ sở hoàn chỉnh. Do thời gian dài không đón khách nên phải cần xây dựng lại quy trình, vệ sinh và khoa học hơn. Nếu làm tốt những việc này, tôi tin chắc đây là chương trình tour sẽ hấp dẫn được đông đảo du khách bởi nội dung được thiết kế rất hay và chúng tôi học tập được rất nhiều điều.

Được biết, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cùng huyện Cao Lãnh sẽ tiếp tục phối hợp cùng Viện ứng dụng KHCN và Đào tạo Mekong, các chuyên gia tăng cường hỗ trợ hoàn thiện dịch vụ tại các điểm đến trong thời gian tới để sớm chính thức mở bán chương trình trải nghiệm du lịch nông nghiệp xanh tại huyện Cao Lãnh. Hiện tại, tour vẫn trong thời gian nhận khách với giá ưu đãi để tiếp tục hoàn chỉnh sản phẩm. Trong đó ưu tiên cho khách là các đơn vị lữ hành, khách học sinh, sinh viên và cán bộ hưu trí.

Hotline liên hệ nhận chi tiết chương trình và đặt tour giá ưu đãi trong thời gian thử nghiệm (tháng 11 và tháng 12/2022): 0985.583.540 (Mrs Phượng).

Theo Tiến Thanh –Huỳnh Mạnh (truyenthong247.vn)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu