Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thông qua xây dựng và phát triển du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp

15/11/2022 2046 0
Cơ cấu lại nền kinh tế (CCLNKT) là vấn đề quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ. Trước đây, chỉ tập trung ở một số lĩnh vực, hiện nay đã mở rộng phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Đối với ngành Du lịch, Chính phủ đã ban hành riêng Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” (Quyết định số 1685/QĐ-QĐ-TTg ngày 05/12/2018).

Mô hình nông nghiệp gắn với du lịch tại Làng hoa Sa Đéc

CCLNKT, đổi mới mô hình tăng trưởng là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta với quan điểm: “Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược, CCLNKT với trọng tâm ưu tiên là: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; (2) Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài; (3) Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; (4) Cơ cấu lại đầu tư công; (5) Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; (6) Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; (7) Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; (8) Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công” (Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế).

Triển khai thực hiện  Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế  mũi nhọn”. Đồng Tháp đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch như Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 01/02/2019 của UBND Tỉnh về kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” của Chính phủ  trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 15/5/2020 của UBND tỉnh về cơ cấu lại ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo bước đột phá, thay đổi mạnh mẽ diện mạo, hình ảnh du lịch Đồng Tháp nói riêng và địa phương nói chung, làm tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên – nhân văn, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng và giá trị cao, đẩy mạnh kết với các ngành , các lĩnh vực để hình thành chuỗi giá trị, đảm bảo cho du khách và người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch.

Du khách tham quan chụp ảnh tại điểm tham quan
Vườn quýt Hồng Hưng Phát (Lai Vung)

Là một tỉnh nông nghiệp có hơn 70% dân số sinh sống bằng nghề nông, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại và dịch vụ là tất yếu. Trong CCLNKT nông nghiệp, ngành trồng trọt với việc chuyển đổi và cơ cấu lại vùng trồng gắn với lợi thế từng địa phương có vai trò quyết định trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với thương mại dịch vụ, cụ thể ở đây là hình thành và phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp. Trong khi các sản phẩm nông nghiệp thuần túy có giá trị kinh tế thấp, thì du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế như gia tăng giá trị nông sản thông qua xuất khẩu tại chỗ, giải quyết được lực lượng lao động nhàn rỗi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân. Cũng từ đó mà chuyển đổi được tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp” và đặc biệt là phát triển du lịch gắn với nông nghiệp trở thành phong trào và lan toả khắp các địa phương trong tỉnh. Du lịch nông nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu ngành. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã xây dựng thành công thương hiệu gắn với điểm đến như Quýt hồng Lai Vung, Sen Tháp Mười, Làng hoa Sa Đéc, mô hình du lịch nông nghiệp thuận thiên Việt Mêkong Farmstay gắn với hệ sinh thái và văn hoá khẩn hoang vùng Đồng Tháp Mười, mô hình Cây Xoài nhà tôi gắn với Làng du lịch xã Mỹ Xương huyện Cao Lãnh, mô hình cây cam vườn tôi ở Tân Thuận Đông thành phố Cao Lãnh.

Nếu như ở thời điểm cách đây 6 -7 năm, các hộ vườn tập tành làm du lịch, đón khách đến tham quan và trải nghiệm, làm theo cảm tính, vừa học vừa làm, đón khách như đón người thân xa về thăm. Thì nay, thông qua các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức hàng năm, các hộ đã làm chuyên nghiệp hơn. Các hộ cộng đồng đã biết liên kết với nhau, thành lập Hội quán để chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả. Sản phẩm nông nghiệp nhờ vào hoạt động du lịch đã gia tăng giá trị nhiều lần. Người dân cũng tránh được nỗi lo được mùa mất giá. Cũng từ đó mà cộng đồng dân cư địa phương đã có cái nhìn đúng về du lịch và mối tương quan giữa nông nghiệp và du lịch. Du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp đang từng bước phát triển theo hướng bền vững.

Tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 phê quyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Chương trình đưa ra 6 mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

(1) Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch;

(2) Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số;

(3) Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch;

(4) Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù;

(5) Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ;

(6) Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.

 Sự liên kết chặt chẽ giữa du lịch và nông nghiệp làm phong phú sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm khác biệt mang bản sắc văn hoá bản địa đặc trưng. Du lịch gắn với nông nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi  Nghị quyết số 54/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. 

Khánh Vân

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu