Đại biểu viếng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
nhân ngày lễ giỗ Cụ (ảnh tư liệu).
Hằng năm, Lễ giỗ Cụ Phó bảng, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức long trọng, là dịp giáo dục tinh thần hiếu học, truyền thống yêu nước, lòng biết ơn của nhân dân đối với công lao to lớn của Cụ.
Đậm chất không gian văn hóa
Từ lâu, lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc luôn nhận được nhiều sự quan tâm của du khách thập phương. Đến với lễ giỗ, bà con nhân dân trong và ngoài tỉnh được hòa vào không gian văn hóa đặc trưng của vùng Đất sen hồng Đồng Tháp.
Mới đây, tại Hội nghị giao ban báo chí tỉnh Đồng Tháp, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Ngô Quang Tuyên đã có những thông tin cụ thể về lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Về phần nghi thức, lễ giỗ cụ được tổ chức gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội.
Phần Lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống gồm: lễ cúng tiên thường, chính lễ và lễ cúng hậu thường, phần lễ năm nay có thêm phần dâng phẩm vật là những đặc sản của 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Về phần hội, được tổ chức xuyên suốt trong 3 ngày lễ giỗ, với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, trò chơi dân gian vui nhộn.
Theo đó, hoạt động phần hội sẽ bao gồm các hoạt động nổi bật như: Tái hiện không gian văn hóa cổ truyền Nam Bộ với trải nghiệm các hoạt động biểu diễn nhạc lễ, thư pháp, trà đạo; tái hiện không gian văn hóa chợ quê.
Lễ hội còn tổ chức triển lãm tranh chuyên đề “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Quê hương tôi Đồng Tháp - Đất sen hồng”, “Từ Làng Sen đến Hòa An, Cao Lãnh”; trải nghiệm làng nghề thủ công truyền thống: đan lục bình, dệt chiếu, đan đát; Liên hoan Đờn ca tài tử, hát dân ca và Hò Đồng Tháp…
Tái hiện Hội thi Trạng nguyên tại Lễ giỗ Cụ Phó bảng
Nguyễn Sinh Sắc (ảnh tư liệu).
Lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trùng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, ban tổ chức lễ giỗ đã phối hợp Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp và các ngành liên quan thực hiện nghiên cứu, tổ chức nói chuyện chuyên đề “về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh” dành cho các đối tượng là đoàn viên, thanh niên, học sinh… thông qua chuyên đề nhằm giáo dục tinh thần hiếu học, truyền thống yêu nước, lòng biết ơn của nhân dân đối với công lao to lớn của Cụ.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, một điểm mới nữa của lễ giỗ năm nay là Sở phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, ẩm thực, trò chơi dân gian, trưng bày sản phẩm OCOP… trên phố đi bộ kết nối các không gian văn hóa như: Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường, Công viên Hai Bà Trưng, Bảo tàng tỉnh và Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc.
Lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc diễn ra hằng năm với nhiều hoạt động có quy mô lớn, qua đó cho thấy sự trang trọng và tầm quan trọng của lễ giỗ.
“Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị tổ chức cho lễ giỗ được ban tổ chức phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan đã được hoàn thiện các khâu đảm bảo cho lễ giỗ diễn ra trang trọng, ý nghĩa, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng linh hoạt và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới”, bà Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết.
Góp phần phát huy giá trị Khu di tích
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, từ Làng Sen xứ Nghệ, nhà nho Nguyễn Sinh Sắc đã đến vùng đất Cao Lãnh truyền bá tư tưởng yêu nước, thắp lên niềm tin cho con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Người dân Hòa An - Cao Lãnh mang nặng nghĩa ân đối với Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà nho yêu nước thương dân và là người đã sinh thành, giáo dục cho dân tộc Việt Nam một vị lãnh tụ kiệt xuất, cho thế giới một danh nhân văn hóa - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
93 năm qua, kể từ ngày Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc an nghỉ ở vùng đất Cao Lãnh, ngày 27/10 âm lịch hằng năm, ngày giỗ Cụ, đã trở thành một ngày lễ thiêng liêng của người dân Đồng Tháp, cũng như du khách thập phương.
Bằng tình cảm, vinh dự và trách nhiệm của một tỉnh, được thay mặt đồng bào cả nước trông coi, bảo vệ ngôi mộ Cụ Phó bảng, trong thời kỳ chiến tranh, người dân Đồng Tháp đã quyết tâm giữ gìn bảo đảm an toàn tuyệt đối mộ Cụ.
Sau khi thống nhất đất nước, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tập trung tu bổ, chăm lo hương khói trang nghiêm phần mộ, đến nay đã trở thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia với diện tích hơn 9 héc-ta.
Thực hiện Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Nguyễn Sinh Sắc”, nhiều công trình tại đây đã được đưa vào hoạt động như: cải tạo Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp thành Đền thờ Cụ; tái hiện một góc không gian làng Hòa An xưa, nơi nhân dân Hòa An đã chăm sóc Cụ lúc cuối đời cho thế hệ trẻ có thể cảm nhận, hiểu hơn về hình ảnh và cuộc đời của một nhân sĩ yêu nước.
Nhà sàn Bác Hồ được thiết kế theo nguyên bản ngôi nhà sàn của Bác trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để du khách có thể phần nào hình dung và tìm hiểu về nơi ở, nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, đồng thời thể hiện tâm nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời mong muốn được vào thăm đồng bào miền Nam; phối hợp Hội Đông y tỉnh Đồng Tháp tổ chức khám chữa bệnh, tưởng nhớ hình ảnh Cụ Phó bảng đã từng bốc thuốc cho dân nghèo khi Cụ sống ở làng Hòa An. Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được xây dựng gần bên ngôi mộ Cụ Sắc như sự gắn kết tình cha con.
Để góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ được hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam, ngày 19/5/2022, Khu di tích đã long trọng tổ chức lễ khánh thành Nhà trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam”.
Nhà trưng bày cũng sẽ góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, học tập, tìm hiểu và nghiên cứu về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những cống hiến to lớn của Người đối với cách mạng Việt Nam, qua đó tích cực tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, truyền thống lịch sử cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ khi đến tham quan tại Khu di tích.
Học sinh Đồng Tháp dâng hoa sen viếng Đền thờ Cụ Phó bảng
Nguyễn Sinh Sắc nhân ngày lễ giỗ Cụ (ảnh tư liệu).
Nhằm từng bước nâng tầm các hoạt động phần hội trong Lễ giỗ Cụ Sắc lên cấp khu vực, Sở đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, các bảo tàng, di tích trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh, đặc biệt là những địa điểm, di tích lưu dấu chân cụ Phó bảng để tổ chức thêm các hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú hấp dẫn phục vụ phát triển du lịch.
Hằng năm, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc vinh dự đón tiếp hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến viếng, tham quan. Nhiều du khách xem đây là một địa chỉ đỏ khi về Đồng Tháp không thể không ghé thăm mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết: Thời gian tới, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển hoạt động lưu trú Làng Hòa An xưa; tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình, áp dụng trưng bày công nghệ số, phấn đấu xây dựng Khu di tích đạt các tiêu chí xứng tầm di tích cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2025.
Đồng thời, xây dựng hệ thống nhận diện hình ảnh Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc: biển chỉ dẫn, pa-nô áp phích… ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu đến khách tham quan về hình ảnh của Khu di tích.
Hữu Nghĩa