Tại Đồng Tháp, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch bệnh Covid-19 trong cả 2 năm 2020 và 2021, đặc biệt lĩnh vực lữ hành gần như hoàn toàn không phát sinh doanh thu trong các tháng 4,5,6 của năm 2020 và các tháng 6,7,8,9,10 của năm 2021. Lượng khách và doanh thu của ngành trong năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019. Bước sang năm 2021, ngành du lịch vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng vào 3 tháng đầu năm, giảm dần vào tháng 4,5 đặc biệt là đóng băng hoàn toàn từ ngày 1/6/2021.
Những tác động mạnh mẽ và kéo dài của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân trên mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Xu hướng du lịch an toàn, dịch vụ không chạm, du lịch nội địa, không gian mở... đang dần chiếm ưu thế. Các thuật ngữ “du lịch xanh”, “du lịch thân thiện môi trường”, “du lịch không rác thải nhựa”... không còn xa lạ với du khách và có chiều hướng gia tăng trong việc lựa chọn dịch vụ của du khách. Cùng với đó, du khách còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường tại mỗi điểm đến.
Đối với một tỉnh nông nghiệp như Đồng Tháp thì đây là một cơ hội để phục hồi và phát triển ngành du lịch theo xu hướng mới hậu Covid-19. Chính vì lẽ đó, ngay từ khi Chính phủ có chủ trương mở cửa toàn diện du lịch từ 15/3. Tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khôi phục hoạt động, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế. Trong đó, Du lịch nông nghiệp, du lịch xanh được Đồng Tháp xác định là hướng đi trong giai đoạn tiếp theo. Với lại thế là tỉnh nông nghiệp, có hơn 70% dân số sống bằng nghề nông. Nhiều vườn trái cây, vườn hoa và hơn 40 làng nghề truyền thống phân bố đều khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Cùng với các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng Nam Bộ là điều kiện thuận lợi để tỉnh đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống cũng như các sản phẩm OCOP. Việc kết nối giữa du lịch, nông nghiệp và các làng nghề vừa tạo ra được sản phẩm du lịch mang màu sắc đặc trưng vừa gia tăng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp cũng như xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc sản địa phương thông qua chương trình OCOP.
Xoài Cao Lãnh – sản phẩm OCOP 3 sao, một mô hình du lịch nông nghiệp
gắn với chương trình OCOP đang được tập trung đầu tư
Đồng Tháp đã có 65 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đang hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả (Trong đó có: 8 Homestay; 2 Farmstay, 55 điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề), còn hơn 40 điểm du lịch cộng đồng đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để có thể hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian tới. Tuy xuất phát khá trễ so với các tỉnh trong khu vực nhưng thời gian vừa qua, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của du lịch tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2021 các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đón tiếp và phục vụ một số lượng lớn (trên 4 triệu) lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 486 tỷ đồng. Rất nhiều mô hình thành công thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông, tạo động lực mạnh mẽ cho các hộ dân, các nhà vườn mạnh dạng chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp thuần tuý sang đầu tư phát triển du lịch.
Việt Mêkong Farmstay – Mô hình du lịch nông nghiệp thuận thiên được
khách quốc tế rất ưa chuộng
Có thể thấy, du lịch nông nghiệp đem lại lợi ích rất lớn cho cho người dân, thu nhập của hộ làm nông nghiệp kết hợp du lịch cao hơn hộ làm nông nghiệp thuần 1,5 lần. Bên cạnh đó, là giải pháp tối ưu giúp tận dụng lao động nông nhàn, gia tăng thu nhập, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Phát triển du lịch nông nghiệp giúp cải thiện hạ tầng nâng thôn: hệ thống giao thông liên tỉnh, liên huyện; hệ thống thông tin liên lạc, lưới điện, nước sạch; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn, bảo tồn văn hoá truyền thống.
Quýt hồng Lai Vung – một trong những mô hình du lịch nônng nghiệp
thành công tại Đồng Tháp
Nhằm đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục đẩy mạnh cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong Khu vực dịch vụ của Tỉnh. Đảm bảo cho du lịch đóng góp 5 – 6% GRDP của Tỉnh. Tỉnh đã triển khai mạnh mẽ Kết luận 249-KL/TU của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh về phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương với các quan điểm, mục tiêu rõ ràng và các giải pháp đồng bộ. Bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu phát triển du lịch nhanh với giữ vững sự ổn định, ứng phó linh hoạt, an toàn, hiệu quả với các biến cố khó lường của môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19. Đặc biệt qua tâm đầu tư khai thác triệt để chiều sâu thế mạnh tỉnh nông nghiệp để mở rộng không gian phát triển và phong phú sản phẩm du lịch; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, ngày 24/03/2022 của Hội đồng nhân dân Tỉnh về việc Quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2026.
Song song đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thực hiện rà soát quy hoạch lại mạng lưới phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng tại địa phương trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và khả năng kết nối vào mạng lưới du lịch cũng như khả năng hình thành tuyến, điểm và tour liên kết liên huyện, liên tỉnh để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh đưa vào quy hoạch giai đoạn 2022 - 2025. Qua rà soát, tổng hợp từ các địa phương, bước đầu có gần 70 điểm du lịch có tiềm năng có thể đầu tư, đưa vào khai thác phát triển trong thời gian tới. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng của Tỉnh phát triển theo hướng chất lượng, có chiều sâu và bền vũng như:
(1) Khảo sát, đánh giá tính hiệu quả về kinh tế - xã hội của các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh để lựa chọn những mô hình đủ điều kiện xây dựng thành sản phẩm du lịch nông thôn có tính nổi trội, khác biệt, có tính cạnh tranh cao để kết nối thành các tour, tuyến du lịch về làng, hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm;
(2) Triển khai dự án Làng văn hóa du lịch Sa Đéc và xây dựng Làng văn hóa du lịch Sen Tháp Mười. Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, làng nghề thủ công truyền thống của địa phương;
(3) Xây dựng dự án phát triển du lịch đường sông, khai thác tuyến sông Tiền và sông Hậu; kết nối với các hãng du thuyền quốc tế khai thác tuyến du lịch đường thủy dọc sông Mekong sang Campuchia;
(4) Hỗ trợ các huyện, thành phố hoàn thiện, nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, Homestay, Farmstay, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP hạng 3 sao – 4 sao đối với du lịch nông thôn; triển khai các điểm bán hàng OCOP tại các điểm du lịch cộng đồng, góp phần tiêu thụ (tại chỗ) nhiều nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, thông qua mua sắm, tiêu dùng của du khách.
(5) Khảo sát, hỗ trợ một số làng nghề tiêu biểu, đủ điều kiện phát triển thành điểm du lịch vệ tinh kết nối với các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm. Tổ chức tập huấn kiến thức về du lịch, hỗ trợ xúc tiến thương mại - du lịch cho các làng nghề tạo sản phẩm mới.
(6) Phát huy thế mạnh của các làng nghề truyền thống trong xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, cộng đồng gắn với chương trình OCOP. Gắn kết doanh nghiệp làm du lịch và các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP của địa phương đến với du khách.
(7) Nghiên cứu phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối tour – tuyến các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, khu di tích, điểm du lịch, làng nghề thủ công truyền thống,… đặc biệt các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen, đưa hình ảnh hoa Sen và các sản phẩm từ Sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất Sen hồng.
(8) Đào tạo mới, đào tạo lại, nâng cao kiến thức quản lý, kỹ năng giao tiếp và văn hóa ứng xử, kỹ năng phục vụ khách tại điểm cho các hộ dân tham gia làm du lịch (Du lịch Cộng đồng) và cộng đồng dân cư tại các khu vực phát triển du lịch.
(9) Tổ chức cho các hộ du lịch cộng đồng đi tham quan thực tế mô hình phát triển nông nghiệp bền vững tại một số địa phương trong nước để giúp người dân có thêm kiến thức, trải nghiệm và quyết tâm làm du lịch nông nghiệp – nông thôn.
(10) Đẩy mạnh chuyển đổi số để quảng bá truyền thông hiệu quả và cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ du khách tốt hơn...
Với một loạt các giải pháp quyết liệt từ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, xây dựng đa dạng sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu của khách du lịch, tăng cường tuyên truyền quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực thì năm 2023 kỳ vọng du lịch Tỉnh sẽ có những bước phát triển đột phá.
Khánh Vân