Là một tỉnh nông nghiệp, với gần 70% dân số sinh sống ở nông thôn. Điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu nhiệt đới gió mùa, đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm; Nền nông nghiệp phong phú với nhiều sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa, trái cây, thuỷ sản. Nông dân Đồng Tháp cần cù, sáng tạo, hồn hậu và mến khách, các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng Nam Bộ,... là những lợi thế để Đồng Tháp phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp được xác định là chiến lược, trụ cột, căn bản, toàn diện, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Kết luận 249-KL/TU ngày 01/12//2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Khoá XI nêu rõ “Phát huy các nguồn tài nguyên văn hóa, du lịch của địa phương để khai thác chiều sâu, thế mạnh, phát triển mạnh du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP. Mở rộng không gian du lịch về nông thôn ở tất cả các huyện, thành phố. Đưa một số sản phẩm OCOP đặc sắc, đạt tiêu chuẩn cao (4 sao – 5 sao) vào khai thác du lịch. Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, đẩy mạnh khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch”.
Một góc hồ sen tại Khu di tích Gò Tháp
So với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp ở Đồng Tháp bắt đầu khá muộn, vào cuối năm 2016. Đến nay, trên địa bàn Đồng Tháp đã có 65 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả (Trong đó có: 8 Homestay; 02 Farmstay, 55 điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề), còn hơn 40 điểm du lịch cộng đồng đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để có thể hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian tới. Giai đoạn 2016 - 2021 các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đón tiếp và phục vụ một số lượng lớn (trên 4 triệu) lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 486 tỷ đồng.
Những năm qua, để hỗ trợ cho hoạt động du lịch cộng đồng, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu nhiều Chương trình, Kế hoạch nhằm đưa hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp phát triển cả về chất lẫn về lượng. Kết quả bước đầu, Tỉnh đã có 9 điểm du lịch cấp tỉnh (được công nhận Điểm du lịch theo quy định của Luật Du lịch 2017) trong đó có 03 điểm du lịch cộng đồng đạt OCOP 3 sao; Xây dựng được 01 Làng du lịch cộng đồng.
Có 02 mô hình điển hình, hoạt động hiệu quả cần được nhân rộng. Thứ nhất, Mô hình Hội quán Cùng nhau làm du lịch tại thành phố Sa Đéc, mô hình ra đời gắn kết các thành viên cùng chung chí hướng, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm mới, sáng tạo trong phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, Hội quán đã xây dựng và chào bán thành công được Combo sản phẩm chung của Làng hoa và liên kết với các điểm vườn cây ăn trái cho 2 doanh nghiệp lữ hành lớn là Việt Travel và Sài Gòn Tourist. Từ khi Hội quán ra đời, tốc độ phát triển của các điểm du lịch tăng lên nhiều, bởi vì qua Hội quán người ta chia sẻ được nhiều kinh nghiệm. Thứ nhất là kinh nghiệm về khâu quản trị, tạo ra một điểm du lịch thì quản trị nó như thế nào. Thứ hai, chia sẻ về khách hàng. Thứ ba chia sẻ về giá trị. Tức là mỗi điểm như vậy cố gắng tạo cho mình một giá trị, một thế mạnh riêng mà không bị trùng lặp với người khác. Điểm đặc trưng của Hội quán là mỗi thành viên là một bản sắc. Với phương châm “Cùng nhau xây dựng - Cùng nhau quản trị - Cùng nhau thụ hưởng”, từng thành viên trong Hội quán đều có sự tâm huyết, mong muốn phát triển theo hướng bền vững và khẳng định được thương hiệu du lịch của Tỉnh.
Mô hình thứ hai cũng tại thành phố Sa Đéc, đó là thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất thương mại đầu tư phát triển dịch vụ du lịch Làng hoa Sa Đéc. Mục tiêu hoạt động của HTX là tổ chức sản xuất, kinh doanh các dịch vụ du lịch nhằm hỗ trợ các thành viên cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống. HTX cung cấp các dịch vụ tour, tuyến và nghiên cứu tìm kiếm thị trường, phát triển sản phẩm du lịch mới. Bên cạnh đó, hỗ trợ các thành viên phát triển du lịch kết hợp với sản xuất, kinh doanh hoa kiểng theo hướng bền vững…
Với vai trò quản lý nhà nước, thực hiện vai trò quản lý ngành và tham mưu hoạch định các cơ chế chính sách, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND Tỉnh trình Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết số 210/2018/NQ-HĐND Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Đây là Nghị quyết sửa đổi bổ sung của 02 Nghị quyết số 79/2016/NQ-HĐND Quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển trong lĩnh vực du lịch và Nghị quyết số 118/2017/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của Hội đồng nhân dân Tỉnh Quy định về việc hỗ trợ lãi suất cho vay đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn Tỉnh.
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tiếp nhận 46 hồ sơ từ các huyện, thị xã, thành phố chuyển đến để thẩm định hồ sơ và chuyển cho Sở Tài chính thẩm định kinh phí, tham mưu UBND Tỉnh chi hỗ trợ chính sách đầu tư phát triển du lịch cho 45 cơ sở du lịch cộng đồng và 01 khách sạn 3 sao, với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng. Để tiếp nối Nghị quyết 210/2018/NQ-HĐND, vừa qua Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND Tỉnh trình Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 24/3/2022 của Hội đồng nhân dân Tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2026.
Một góc Điểm du lịch Happyland Hùng Thy – Điểm OCOP 3 sao
Tuy du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những kết quả rất khả quan, nhưng hiện nay việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm” thiếu sự đồng nhất và bộc lộ nhiều hạn chế như: Phần lớn các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh về cơ bản sản phẩm chưa đạt hình thức và nội dung đặc trưng khác biệt; Thiếu nguồn nhân lực chủ yếu do gia đình tự làm, thiếu tính chuyên nghiệp; Chưa khai thác triệt để các giá trị cảnh quan, văn hóa truyền thống để mang đến những trải nghiệm về không gian sống và văn hóa vùng miền đặc trưng cho khách du lịch; Tính liên kết cộng đồng chưa chặt chẽ...
Chính vì vậy cần có bộ tiêu chí chung qui định về tiêu chuẩn đối với xây dựng, phát triển điểm, làng du lịch cộng đồng. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia qui định về du lịch cộng đồng, trong đó “Yêu cầu về chất lượng dịch vụ”; “Bảo vệ môi trường, vệ sinh, an ninh, phòng chống cháy nổ” và “Bộ quy tắc ứng xử dành cho các bên liên quan đến hoạt động du lịch cộng đồng” cũng là điều kiện tiên quyết để các điểm/hộ kinh doanh du lịch cộng đồng được hưởng chính sách hỗ trơ đầu tư phát triển du lịch theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 24/3/2022 của Hội đồng nhân dân Tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2026.
Sau đây, xin giới thiệu tóm tắt một số Tiêu chuẩn và Quy tắc ứng xử dành cho cộng đồng:
I.Tiêu chuẩn dịch vụ du lịch công đồng
1. Dịch vụ hướng dẫn du lịch cộng đồng
- Cung cấp đầy đủ thông tin cho khách du lịch về nội quy, hoạt động đón tiếp, dịch vụ gửi đồ cá nhân
- Khuyến khích thiết kế, bày trí không gian, vật dụng thể hiện đặc trưng văn hóa địa phương
- Khai thác các trò chơi dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng, địa phương
* Yêu cầu về an toàn và chất lượng dịch vụ
- Có bộ dụng cụ sơ cứu và số điện thoại khẩn cấp tại quầy lễ tân.
- Nhân viên tuân thủ các kiến thức về quy định an toàn tại điểm kinh doanh dịch vụ du lịch.
- Có nhân viên cung cấp thông tin, hỗ trợ giải đáp các yêu cầu cho khách du lịch 24/24.
- Có bảng hiển thị hướng dẫn an toàn cụ thể đối với khách du lịch.
- Có bảng hướng dẫn xử lý tình huống nguy cấp.
- Có nhân viên phụ trách vấn đề an toàn khi cần thiết.
- Có nhân viên phụ trách an ninh tại điểm kinh doanh dịch vụ du lịch.
7. Hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống tại cộng đồng
* Tổ chức hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống tại cộng đồng
- Địa điểm trình diễn nằm trong khu vực của cộng đồng.
- Tiết mục trình diễn và thiết kế, trang trí sân khấu phù hợp với bản sắc văn hóa cộng đồng, địa phương.
- Sử dụng trang phục truyền thống dân tộc khi trình diễn.
- Kiểm soát thời gian tổ chức, tiếng ồn theo quy định hiện hành.
-Người trình diễn là thành viên cộng đồng, có kiến thức và kỹ năng trình thành thục, có khả năng thể hiện tiết mục bằng tiếng dân tộc của mình
- Đội ngũ tổ chức, biểu diễn có thái độ thân thiện, có kỹ năng giao tiếp đa văn hóa
- Người tổ chức phải có kiến thức chuyên sâu về bản sắc văn hóa cộng đồng, địa phương và chương trình nghệ thuật
- Người dẫn chương trình phải làm nổi bật được giá trị, ý nghĩa của hoạt động trình diễn
* Nội dung chương trình trình diễn văn hóa, nghệ thuật tại cộng đồng
- Phải làm nổi bật các giá trị đặc trưng, bản sắc văn hóa của cộng đồng, địa phương.
- Đảm bảo tính xác thực trong trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống của cộng đồng.
- Kịch bản được xây dựng hợp lý, trọn vẹn.
- Có sự độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch, tạo được ấn tượng tốt đẹp về con người và văn hóa cộng đồng.
- Ưu tiên việc trình diễn di sản văn hóa phi vật thể phản ánh bản sắc văn hóa của cộng đồng do chính cộng đồng sáng tạo gìn giữ.
8. Dịch vụ mua sắm sản phẩm địa phương
* Yêu cầu đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm sản phẩm địa phương
- Có đăng ký kinh doanh và đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định hiện hành (không áp dụng đối với các cá nhân, hộ gia đình trực tiếp bán sản phẩm do mình làm ra).
- Bán các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm truyền thống tại địa phương.
- Có niêm yết giá trên mỗi sản phẩm và bán đúng giá niêm yết.
- Thời gian hoạt động phải phù hợp với thời gian sinh hoạt của cộng đồng và có tính đến thời gian hoạt động của khách du lịch.
- Nhân viên có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự, dễ nhận diện (đồng phục, bảng tên,…) và có thể tư vấn cho khách hàng về các sản phẩm.
- Thiết kế, bày trí không gian, sản phẩm sạch đẹp, ấn tượng, thể hiện nét đặc trưng văn hóa cộng đồng.
- Có nhân viên biết ít nhất một ngoại ngữ là tiếng Anh để giao tiếp với khách hàng
- Đa dạng các phương thức thanh toán cho khách du lịch, khuyến khích chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt
* Yêu cầu đối với chất lượng sản phẩm địa phương
Yêu cầu về chất lượng sản phẩm địa phương theo quy định hiện hành và ít nhất những nội dung sau:
- Thông tin rõ ràng về nguồn gốc, thành phần và chất lượng hàng hóa.
- Có hướng dẫn cách sử dụng và bảo quản sản phẩm cụ thể.
- Mẫu mã các loại hàng hóa xuất xứ từ địa phương phải được thiết kế mạng đậm nét văn hóa bản địa. Khuyến khích các sản phẩm thủ công
- Khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu và nhân lực của địa phương để sản xuất hàng hóa
- Sản phẩm được bao gói, trưng bày và bảo quản sạch đẹp, phù hợp
- Hình thành thông điệp gây ấn tượng về việc thiết kế/chế biến/sáng tạo/thực hiện ra đặc sản bày bán.
II. Bộ quy tắc ứng xử dành cho cộng đồng địa phương
– Lịch sự, nói lời hay, cử chỉ đẹp, thân thiện với khách du lịch.
– Nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ khách du lịch khi có yêu cầu.
– Xếp hàng theo thứ tự, không chen lấn xô đẩy khi sử dụng các dịch vụ hoặc tham gia các hoạt động tại nơi công cộng.
– Tôn trọng, giúp đỡ, ưu tiên, nhường đường cho khách du lịch.
– Sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp.
– Có ý thức, trách nhiệm bảo vệ cảnh quan và môi trường; giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng, hưởng ứng các phong trào xã hội về bảo vệ môi trường.
– Tuân thủ các quy định, bảng chỉ dẫn, biển báo tại các khu, điểm du lịch.
– Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng.
– Giữ thái độ nhã nhặn, lịch sự khi giải quyết sự cố đối với khách du lịch.
– Không “chèo kéo”, đeo bám khách du lịch.
– Không có lời nói, cử chỉ, hành vi thô tục, thiếu văn hóa, trêu chọc hay có hành động khiếm nhã với khách du lịch.
– Không có hành vi, cử chỉ kỳ thị, phân biệt đối xử với khách du lịch.
– Không tranh giành, gây gổ với khách du lịch.
– Không xả rác, khạc nhổ, đi vệ sinh bừa bãi, hút thuốc lá ở những nơi không được phép.
– Không khắc, vẽ lên tường, tượng, bia đá, cây xanh, công trình kiến trúc, hái hoa, bẻ cành, dẫm đạp lên bãi cỏ, trêu chọc vật nuôi tại các khu, điểm du lịch và nơi công cộng.
– Không bán cho khách du lịch sản phẩm từ động, thực vật hoang dã trong danh mục bị cấm.
– Cộng đồng địa phương cần có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ các giá trị văn hóa cộng đồng.
– Cộng đồng ngăn chặn các hành vi như: mua bán mại dâm, buôn bán ma túy và các chất gây nghiện khác, lao động trẻ em, buôn bán người.
– Cộng đồng ủng hộ các nguyên tắc bình đẳng giới và hòa nhập xã hội.
– Cộng đồng cam kết sử dụng các sản phẩm của địa phương.
– Cộng đồng luôn củng cố, nâng cao bản sắc và lòng tự hào về văn hóa địa phương.
– Cộng đồng tuân thủ những quy tắc, quy định và luật pháp bảo vệ văn hóa và di sản.
– Luôn tham gia các chương trình tập huấn về nâng cao nhận thức về môi trường, xử lý rác thải tại địa phương.
– Giới thiệu các thông tin về văn hóa địa phương cho khách du lịch.
– Đảm bảo thực hiện việc an toàn, an ninh cho khách du lịch khi tham quan cộng đồng.
– Luôn tham gia các chương trình tập huấn về nâng cao kỹ năng giao tiếp và giao tiếp đa văn hóa.
Các tổ chức, cá nhân tham khảo Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN 13259:2020) về du lịch cộng đồng và Bộ quy tắc ứng xử dành cho cộng đồng địa phương (Quyết định số: 3941/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học công nghệ, ngày 31/12/2020 về việc công bố tiêu chuẩn quóc gia-TCVN 13259:2020) tại đây.
Khánh Vân