Giới thiệu điểm đến Việt Nam hấp dẫn, an toàn với du khách Ấn Độ tại các Hội chợ quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế. Ảnh: LĐ
Khách du lịch vẫn ở mức thấp
Thống kê năm 2019 cho thấy, lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đạt 169.000 lượt, vươn lên Top 16 thị trường gửi khách cao nhất đến Việt Nam; chỉ tính riêng tháng 7.2022 đạt 11.700 lượt. Ấn Độ là một trong những thị trường phục hồi nhanh nhất.
Trước kết quả này, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó GĐ Sở Du lịch TPHCM - nhìn nhận, Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông luôn được đánh giá là các thị trường khách du lịch tiềm năng của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google hiển thị số lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam từ thị trường Ấn Độ đang tăng cao. Điều này phản ánh nhu cầu lớn về du lịch Việt Nam của du khách Ấn Độ. Trong khi đó, thị trường Trung Đông lại rất triển vọng với thu nhập bình quân đầu người của một số quốc gia Trung Đông thuộc Top cao nhất thế giới nên khách thường đi du lịch dài ngày, có khả năng chi trả cao và yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cũng thừa nhận, bên cạnh những thuận lợi còn có không ít thách thức mà ngành du lịch Việt Nam phải đối mặt nếu muốn khai thác tốt 2 thị trường tiềm năng này. Đặc biệt, khách Ấn Độ thường kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm và dịch vụ. Họ thường so sánh tỉ mỉ mức giá để đưa ra quyết định. Nếu không thích nghi được, doanh nghiệp sẽ không thể khai thác lâu dài thị trường khách này.
Còn lượng khách du lịch từ các quốc gia khu vực Trung Đông đến Việt Nam vẫn ở mức thấp do thông tin về du lịch Việt Nam vẫn chưa đến được với thị trường khách du lịch này. Chưa kể khoảng cách địa lý lớn, chi phí đắt đỏ, khác biệt lớn về văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, ngôn ngữ giữa hai quốc gia, cơ sở hạ tầng phục vụ nhóm khách này còn hạn chế và nhỏ lẻ là những rào cản lớn để du khách Trung Đông lựa chọn đến Việt Nam.
Ông Trần Đức Hùng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Qatar - cho biết thêm, khách du lịch từ khu vực Trung Đông có khả năng chi trả cao và thích đi nghỉ dưỡng biển, tiện nghi, riêng tư và thường đi theo gia đình khoảng 6-8 người. Nếu địa điểm ưa thích, họ sẵn sàng lưu trú thời gian dài tại một điểm và không thích du lịch theo tour hay ghép đoàn. Mùa hè tại Trung Đông rất nắng nóng nên người dân thường đi nghỉ tránh nắng, kéo dài đến 2 tháng.
"Trong những năm gần đây, du khách Trung Đông thường tìm kiếm những địa điểm du lịch mới do những địa điểm du lịch truyền thống như Châu Âu đang dần bão hòa. Những địa điểm du lịch mới phải đảm bảo an toàn, dịch bệnh được kiểm soát và an ninh tốt. Đông Nam Á là thị trường rất được ưa chuộng trong khoảng thời gian này" - ông Trần Đức Hùng nói.
Ông Trần Đức Hùng cũng lý giải về việc Việt Nam chưa thu hút được du khách từ Trung Đông một phần do thông tin về du lịch Việt Nam tới các nước khu vực Trung Đông còn rất hạn chế cũng như chưa đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ra thị trường này một cách bài bản và thường xuyên.
Định hướng khai thác thị trường tiềm năng
Nhiều ý kiến thảo luận và đóng góp gây chú ý tại cuộc Hội thảo "Phát triển thị trường du lịch Trung Đông và Ấn Độ" được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế TPHCM (ITE HCM 2022) vừa qua được xem là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế chia sẻ thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam với thị trường Ấn Độ - Trung Đông trong thời gian tới.
Theo đó, ngành du lịch TPHCM đang gấp rút xây dựng kế hoạch ngắn hạn và chiến lược dài hạn với mục tiêu thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch từ Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông. Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với đối tượng du khách ở 2 thị trường trên, việc đào tạo nguồn nhân lực và hướng dẫn viên thông thạo tiếng Ả Rập, am hiểu văn hóa, thói quen sinh hoạt của du khách các quốc gia Trung Đông và Ấn Độ cũng là một nhiệm vụ TPHCM sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo du lịch thực hiện trong thời gian tới.
"Cơ hội luôn song hành với thách thức. Tôi tin rằng nếu làm tốt, lượng khách du lịch từ Ấn Độ, các quốc gia Trung Đông đến Việt Nam và ngược lại sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai" - bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nhấn mạnh.
Ông Trần Đức Hùng cũng chỉ ra một số biện pháp nhằm thu hút khách du lịch từ Trung Đông đó là cần thường xuyên tổ chức các chương trình Hội chợ quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế ở quy mô lớn, mời các doanh nghiệp lữ hành các nước Trung Đông tham dự; Tăng cường truyền thông về du lịch Việt Nam khi phát sóng các video giới thiệu về du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của khu vực, kết hợp với các travel blogger, influencer quảng bá du lịch Việt Nam...
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhìn nhận, việc khai thác thị trường Trung Đông và Ấn Độ cũng nằm Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22.1.2020 xác định là thị trường tiềm năng quan trọng của du lịch Việt Nam, cần ưu tiên mở rộng phát triển.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng đề nghị các sở ban ngành, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan tập trung trao đổi kinh nghiệm, làm rõ những điểm lợi thế, khó khăn của du lịch Việt Nam trong hoạt động đón khách Trung Đông, Ấn Độ và xúc tiến du lịch thị trường này...
Theo Thanh Hương (laodong.vn)