Hội thảo có sự tham gia góp ý của các chuyên gia môi trường, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh
Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp phong phú về đa dạng sinh học dưới nước và trên cạn. Đặc biệt, có một số khu riêng cho bảo tồn phát triển du lịch như: Khu di tích lịch sử Xẻo Quýt, khu sinh thái Gáo Giồng, khu bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Tràm Chim (khu Ramsa thế giới, có nhiều loài động vật quí hiếm như Sếu đầu đỏ).
Để thực hiện bảo tồn, đa dạng sinh học, các ngành, địa phương của tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, xử lý nghiêm việc khai thác động vật trái phép. Bện cạnh đó, các khu bảo tồn đã có nhiều giải pháp quản lý hệ sinh thái đất ngập nước. Dù vậy, tỉnh Đồng Tháp cũng như một số tỉnh trong khu vực đang đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học. Nguyên nhân do áp lực của việc tăng dân số; quá trình đô thị hoá nhanh; đầu tư hạ tầng xây dựng làm giảm dần diện tích sinh cảnh tự nhiên, suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã, việc xung đột giữa phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học thời…
Thực tế trên cho thấy, việc khai thác du lịch cộng đồng thời gian qua ở Đồng Tháp nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã đem lại tác động tích cực lẫn tiêu cực đến đa dạng sinh học. Theo các chuyên gia để giải quyết xung đột trên cần có một chiến lược quản lý hiệu quả song hành hai mục tiêu phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học sẽ giúp phát huy tích cực và hạn chế được những tiêu cực.
Ngoài ra tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả du lịch Đồng Tháp như: Tỉnh cần đổi mới về nhận thức và chính sách; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đầu tư gọi vốn bên ngoài; đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; bảo vệ môi trường và tôn tạo tài nguyên du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác; xúc tiến quảng bá du lịch…
Bích Liễu