Du lịch Việt Nam 62 năm hình thành và phát triển
Năm 2022, Ngành Du lịch Việt Nam kỷ niệm 62 năm ngày thành lập (09/7/1960 – 09/7/2022). Nhìn lại chặng đường lịch sử từ một nền du lịch bao cấp, trải qua 62 năm hình thành và phát triển, ngành du lịch Việt Nam đã gặt hái được nhiều kết quả đáng tự hào, vươn lên từ con số 0 để đến năm 2019 đóng góp trực tiếp tới 9,2 GDP cả nước.
Nếu như ngày 9/7/1960 là dấu son lịch sử đánh dấu sự ra đời của ngành Du lịch Việt Nam, giai đoạn 1975-1990 du lịch Việt Nam đi lên từ chiến tranh bước vào thời kỳ bắt đầu mở cửa, thì từ những năm 1990 cho đến nay là thời kỳ chuyển mình phát triển mạnh mẽ.
Khởi đầu với Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VII tháng 10 năm 1994 đã khẳng định “Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nuớc”.
Ngày 11/11/1998, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận số 179-TB/TW, định hướng phát triển trong giai đoạn mới, tạo bước ngoặt quan trọng cho ngành Du lịch. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch lần đầu tiên được thành lập. Pháp lệnh Du lịch và sau này, là Luật Du lịch được thông qua. Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và Chương trình hành động quốc gia về Du lịch được phê duyệt, triển khai trên toàn quốc. Du lịch Việt Nam đã chặn được đà giảm sút, khôi phục và duy trì tốc độ tăng trưởng cao, từng bước hội nhập du lịch khu vực và thế giới, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, tạo tiền đề lý luận và thực tiễn để khẳng định vai trò của ngành Du lịch trong văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc các khóa IX, X và XI.
Đặc biệt, ngày 16/01/2017, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, xác định rõ “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Đồng thời, Nghị quyết số 08-NQ/TW quán triệt rõ quan điểm “Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch”.
Từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế, ngành du lịch đã có những bước phát triển rất nhanh chóng cả về lượng khách và nguồn thu từ du lịch. Du lịch đóng góp ngày càng lớn vào kinh tế xã hội của đất nước. Duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh trong nhiều năm. Về khách du lịch quốc tế, năm 1990 mới chỉ có 250 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì chỉ 5 năm sau đã tăng hơn 4 lần, đạt trên 1,3 triệu lượt; đạt mốc 5 triệu lượt vào năm 2010 và hơn 18 triệu lượt vào năm 2019 – tăng 72 lần so với năm 1990. Tốc độ tăng trưởng hàng năm thường đạt mức 2 con số, đặc biệt là giai đoạn 2015-2019 đạt 22,7% mỗi năm - được Tổ chức Du lịch thế giới xếp vào hàng cao nhất trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trong con mắt cộng đồng quốc tế, được các tổ chức, báo chí quốc tế uy tín tôn vinh bằng những giải thưởng danh giá tầm khu vực và thế giới.
Khách du lịch nội địa tăng 85 lần từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019. Cùng với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, đời sống người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, nhu cầu và khả năng đi du lịch ngày càng cao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thúc đẩy hoạt động kinh tế trong nước. Cùng với lượng khách du lịch quốc tế và nội địa ngày càng nhiều, du lịch mang lại nguồn thu ngày một lớn cho nền kinh tế.
Năm 1990, tổng thu từ du lịch mới đạt 1.340 tỷ đồng thì đến năm 2019, con số đó là 755.000 tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD), trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 421.000 tỷ đồng (18,3 tỷ USD), tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 334.000 tỷ đồng (14,5 tỷ USD). Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng. Năm 2015 đạt 6,3%; năm 2016: 6,9%; năm 2017: 7,9%; năm 2018: 8,3% và năm 2019: 9,2%. Du lịch đang từng bước hướng tới trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.
Giai đoạn 2015-2019, du lịch Việt Nam chứng kiến sự phát triển sôi động của thị trường với sự ra đời hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, hiện đại nhờ sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn, các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vingroup, FLC, BIM, BRG…Tính đến hết năm 2019, có 484 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4-5 sao trên toàn quốc với hơn 100.000 buồng. Ở một số điểm du lịch như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc,... đã xuất hiện những khu nghỉ dưỡng sang trọng đẳng cấp hàng đầu thế giới, là điểm đến của những người nổi tiếng có nhu cầu trải nghiệm sản phẩm độc đáo, chất lượng cao. Cùng với đó là xu hướng hình thành các tổ hợp/quần thể nghỉ dưỡng, giải trí quy mô lớn cung cấp hoàn chỉnh các dịch vụ cho khách từ ăn, nghỉ, vui chơi giải trí, tham quan... nhằm kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của Việt Nam đã vinh dự được nhận những giải thưởng danh giá trên thế giới như World Travel Awards, World Luxury Hotel Awards…, được nhiều du khách lựa chọn thông qua các website tư vấn du lịch quốc tế
Vị thế du lịch Việt Nam trên thế giới được khẳng định với nỗ lực mở rộng hợp tác quốc tế, đến nay du lịch Việt Nam đã ký kết trên 100 điều ước, thỏa thuận hợp tác quốc tế về du lịch với các nước, tạo điều kiện và cơ sở pháp lý tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế. Ngành du lịch Việt Nam tích cực tham gia vào công tác phục vụ các sự kiện quốc tế lớn tại Việt Nam, tiêu biểu như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2006 và 2017), Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132) năm 2015, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019... góp phần khẳng định vị thế, khả năng của Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức các sự kiện lớn của thế giới và thể hiện là một đối tác, điểm đến thân thiện, tin cậy và hòa bình.
Với những nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng, Du lịch Việt Nam vinh dự nhận hàng loạt giải thưởng danh giá từ các tổ chức quốc tế uy tín trên toàn cầu, tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Nổi bật nhất là các giải thưởng do World Travel Awards trao tặng, được ví như giải thưởng Oscar của ngành du lịch. Cụ thể:
Năm 2019 đạt các giải thưởng: (1) Việt Nam - Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; (2) Việt Nam - Điểm đến Golf hàng đầu thế giới và châu Á; (3). Việt Nam - Điểm đến hàng đầu châu Á; (4) Việt Nam - Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; (5) Việt Nam - Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.
Năm 2020 Ngành du lịch cũng đạt được nhiều giải thưởng quan trọng: (1) Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á; (2) Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á; (3) Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á; (4) Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu châu Á (khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula); (5) Khu nghỉ dưỡng Xanh hàng đầu châu Á (khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula);…
Vừa qua, giải thưởng “Oscar của du lịch thế giới” World Travel Awards vừa công bố danh sách đề cử giải thưởng khu vực Châu Á năm 2022, trong đó Việt Nam được đề cử ở 61 hạng mục giải thưởng hàng đầu Châu Á. Đáng chú ý, là các hạng mục giải thưởng danh giá như: Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch biển hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á; Điểm đến du lịch trẻ hàng đầu châu Á. Tổng cục Du lịch Việt Nam được đề cử ở hạng mục Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á. Cùng với đó, các địa phương, khu, điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam cũng nằm trong danh sách đề cử của giải thưởng năm nay như: Hà Nội, Hội An, Huế, Đà Nẵng, Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Cúc Phương... Rất nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam trong các lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hãng hàng không, sân bay, cảng biển… cũng vinh dự được đề cử cho các hạng mục giải thưởng của WTA 2022.
Trong lịch sử 62 năm qua, cơ quan quản lý ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều lần thay đổi tổ chức, bộ máy phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ từng thời kỳ. Cùng điểm lại một số mốc quan trọng sau đây: - 1960 Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. - 1978 Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Quyết nghị thành lập Tổng cục Du lịch trực thuộc Hội đồng Chính phủ. - 1979 Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định quy định nhiệm vụ, quyền hạn và và tổ chức bộ máy của Tổng cục Du lịch. - 1981 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của ngành Du lịch. - 1987 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Tổng cục Du lịch. - 1990 Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam ban hành Quyết nghị thành lập Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao - Du lịch trên cơ sở Bộ Văn hoá, Bộ Thông tin, Tổng cục Thể dục thể thao và Tổng cục Du lịch. - 1990 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch. - 1991 Quốc hội ban hành Nghị quyết sáp nhập Tổng cục Du lịch vào Bộ Thương mại và Du lịch. - 1992 Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ. - 1992 Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Du lịch. - 1995 Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Du lịch. - 2003 Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch. - 2007 Chính phủ ban hành Nghị định sáp nhập Tổng cục Du lịch vào Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. - 2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. - 2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. |
42 năm phát triển du lịch Đồng Tháp
Tỉnh Đồng Tháp nằm ở đầu nguồn sông tiền được đánh giá là vùng đất có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn, nổi tiếng với những cánh đồng Sen hiện diện khắp nơi; cảnh quan thiên nhiên đẹp, còn giữ được nét hoang sơ; nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị; nghệ thuật ẩm thực độc đáo; con người hiền lành, nhân hậu và mến khách… Đây là vốn tài nguyên vô giá của du lịch. Tài nguyên này lại được phân bổ khá đồng đều, là nền tảng để hình thành các khu, điểm du lịch đặc trưng của tỉnh. Tận dụng lợi thế này, những năm gần đây, Đồng Tháp có bước đi cũng như quyết sách khá táo bạo. Du lịch được Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh xác định là ngành kinh tế quan trọng; ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực này. Cụ thể: Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020; Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Đồng Tháp; Chương trình Xúc tiến du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014 – 2020, Đề án Tạo dựng hình ảnh địa phương, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Việc sớm ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020 đưa vào thực hiện cho thấy quyết tâm của Tỉnh trong việc phát triển du lịch và đã định vị rõ chủ đề của từng khu, điểm du lịch trọng điểm.
Bản đồ định vị các khu du lịch trọng điểm của Tỉnh
Kết quả, trải qua gần 40 năm, du lịch Đồng Tháp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ an toàn, có chất lượng có chất lượng một lượng lớn khách đến Đồng Tháp, bao gồm khách trong nước và ngoài nước. Từ chỗ chỉ có 7 nhà nghĩ với 92 phòng vào năm 1995. Năm 2000 phát triển được 12 cơ sở lưu trú với 332 phòng nghỉ. Đến năm 2005 phát triển được 20 cơ sở lưu trú với 448 phòng. Năm 2010 phát triển được 39 cơ sở lưu trú với 800 phòng nghỉ. Năm 2015 phát triển được 73 cơ sở lưu trú với 1.382 phòng nghỉ. Cho đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 96 cơ sở lưu trú với trên 1.800 phòng nghỉ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách du lịch. Khách du lịch tăng 65 lần từ 60.026 lượt vào năm 1995 lên 3,9 triệu lượt vào năm 2019. Tổng thu từ du lịch tăng 87 lần từ 12 tỷ đồng lên đến 1.051 tỷ đồng vào năm 2019.
Bước sang năm 2020 đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành du lịch cũng như các ngành kinh tế khác rơi vào khủng hoảng. Tỉnh Đồng Tháp cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng đó, du lịch hoàn toàn “đóng băng”. Các doanh nghiệp du lịch, Cơ sở dịch vụ du lịch phải tạm nghỉ, cắt giảm nhân viên, hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp. Hàng ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch mất việc làm. Nhà đầu tư, nhất là các hộ mới khởi nghiệp làm du lịch hết sức khó khăn.
Giai đoạn 2016 - 2019, là giai đoạn mà du lịch Đồng Tháp tạo được dấu ấn đột phá, không chỉ xếp thứ 3 khu vực ĐBSCL về số lượng du khách mà còn phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng, nhiều gia đình đã mạnh dạn mở cửa vườn cây ăn trái đón khách tham quan và làm du lịch homestay. Cụ thể:
Huyện Tháp Mười: có 12 hộ dân đang khai thác loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn tại Khu Đồng Sen với các dịch vụ: bơi xuồng ngắm cảnh đồng sen, chụp ảnh lưu niệm, câu cá giải trí, thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen và mua sắm các sản vật được chế biến từ sen,... Trung bình một tháng các điểm tham quan ở Khu Đồng Sen tổ chức đón tiếp và phục vụ trên 10.000 lượt khách, vào những dịp cao điểm Lễ, Tết, trung bình một ngày có trên 1.000 lượt khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh, thưởng thức ẩm thực đồng quê và trải nghiệm hoạt động nông nghiệp.
Huyện Lai Vung: có 9 điểm tham quan trải nghiệm vườn quýt hồng, cam xoàn, thanh long, mận, 1 homestay Ngôi nhà Quýt, đang hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm. Từ khi khai trương hoạt động du lịch đến nay, giai đoạn 2016 – 2021, các điểm tham quan vườn cây ăn trái này đã tổ chức đón tiếp và phục vụ 175.000 lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 56 tỷ đồng.
Thành phố Sa Đéc: phát triển 18 điểm tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp. Trong đó, có 12 điểm đang khai thác có hiệu quả (có 06 điểm du lịch được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là Điểm du lịch theo Luật Du lịch 2017: Happyland Hùng Thy, Vườn kiểng Ngọc Lan, Khu du lịch hoa kiểng Sa Đéc, Cánh đồng Hoa Hồng Sa Đéc, Vường hồng Tư Tôn, Vườn hoa và Nghỉ dưỡng Sa Nhiên. Trong đó, có 03 điểm du lịch nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao theo bộ tiêu chí du lịch nông thôn của Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm: Homestay Ngôi nhà Hoa và Ếch, Vườn kiểng Ngọc Lan, Happyland Hùng Thy),... Giai đoạn 2016-2021 các điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố Sa Đéc đón và phục vụ hơn 3,6 triệu lượt khách, trong đó có 150.000 khách du lịch quốc tế.
Thành phố Cao Lãnh: có 04 điểm đang khai thác phục vụ khách (Điểm du lịch sinh thái Sunny, Khu sinh thái trải nghiệm Xưa, điểm du lịch cộng đồng Nhân Lê, cơ sở Mỹ nghệ Sen Việt). Các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn còn lại vẫn đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan phục vụ khách tham quan trải nghiệm vườn trái cây, trò chơi giải trí dân gian, thiết kế các tiểu cảnh chụp ảnh lưu niệm; các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP của Tỉnh.
Huyện Tam Nông: có 5 điểm đang khai thác phát triển du lịch (Việt Mê Kong Farmstay, Homestay Tư Cá Linh, Homestay Hoàng Anh Tam Nông, Cửa hàng trưng bày và bán đặc sản Khô Tứ Quý). Nổi bật là Việt Mê Kong Farmstay, là nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên được phát triển trên nền tảng nông nghiệp và văn hóa địa phương trên không gian đa sắc màu đậm nét hoang sơ của đồng bông súng trắng, bông sen hồng, của cỏ xanh và lúa ma (Lúa trời) giữa đồng với không khí trong lành, tại Tam Nông, Đồng Tháp. Hiện nay Việt Mekong Farmstay là một điểm du lịch thu hút dòng khách cao cấp đặc biệt là lượng khách trẻ có thu nhập cao.
Huyện Thanh Bình: phát triển mô hình du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Trang trại nhà màng trồng dưa lê, dưa lưới của Công ty ECOFAM và mô hình Homestay sinh thái gắn với vườn rau màu trồng hữu cơ, Làng rau nhút thủy sinh tại Cồn Phú Mỹ,... đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất với các dịch vụ tham quan trải nghiệm nông nghiệp sạch, ăn uống thực dưỡng, lưu trú, mua sắm đặc sản, quà lưu niệm,... để phát triển du lịch gắn với khai thác các giá trị nông nghiệp xanh và văn hóa truyền thống của địa phương.
Huyện Lấp Vò: phát triển mô hình du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến tại Trang trại nông sản Đồng Tháp AQUA của Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA trên diện tích 1,3 ha: nuôi cá đặc sản nước ngọt và các loại rau ăn lá, quả và kết hợp với các dịch vụ phục vụ khách như ăn uống thực nghiệm, giải khát, khu trưng bày rau sạch, hướng dẫn khách tham quan, giới thiệu quy trình nuôi cá và trồng rau, ươm giống, xử lý nước, khu trải nghiệm về canh tác rau sạch, khu mua sắm nông sản sạch, kết hợp trải nghiệm Làng nghề dệt chiếu Định Yên và Homestay Huỳnh Gia. Đây là mô hình mới ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, phù hợp xu hướng phát triển hiện nay.
Huyện Cao Lãnh: phát triển 7 điểm du lịch nông nghiệp tham quan vườn trái cây, trải nghiệm hoạt động nông nghiệp kết hợp dịch vụ ăn uống đồng quê. Giai đoạn 2016-2021 các điểm nghiệp tham quan vườn trái cây trên địa bàn huyện đón và phục vụ 37.500 lượt khách, doanh thu gần 5 tỷ đồng.
Huyện Châu Thành: có 10 điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Trong đó có 5 điểm du lịch nông nghiệp tham quan vườn trái cây, trải nghiệm hái trái cây thưởng thức tại vườn đã hoạt động phục vụ khách tham (Tám Sáng, Thanh Hiền, Hai Thủy, Minh Trí, Chín Phương).
Huyện Tân Hồng: hình thành và phát triển mô hình Farmstay (Farmstay Ao Nhà) trên diện tích 3,6 ha, với các ao nuôi cá tra đặc sản, ao sen, súng, các luống rau sạch, hoa, các tiểu cảnh cùng các dịch vụ: lưu trú, ẩm thực đồng quê, các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, sinh hoạt lửa trại, phục vụ khách trải nghiệm, thư giãn sau những ngày lao động mệt mỏi. Bên cạnh đó, Khu di tích Giồng Thị Đam – Gò Quảng Cung được xem là địa chỉ đỏ trong việc giới thiệu lịch sử truyền thống cách mạng của huyện Tân Hồng thì thời gian gần đây chim cò bắt đầu về ngày một nhiều và điểm Vườn cò Chín Nghĩa có diện tích 05 ha với bộ sưu tập tre đã thu hút rất nhiều chim cò về trú ngụ và sinh sống từ nhiều năm qua, đây sẽ là một nét chấm phá cho sự phát triển của du lịch huyện biên giới Tân Hồng. Cùng với tuyến Liên vận xe khách sang Campuchia đi vào hoạt động vào tháng 5/2019 đi qua Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà hứa hẹn mở ra hướng phát triển không chỉ du lịch mà còn thương mại dịch vụ của địa phương trong thời gian tới.
Thành phố Hồng Ngự: có 9 điểm du lịch được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, có 4 điểm đã đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan: Vườn cam - Du lịch sinh thái Vùng Biên; Khu ẩm thực và homestay Hoàng Yến; Khu Sinh thái Ao Nhà đang tiếp tục hoạt động; Điểm tham quan đồng sen Tân Hội (từ giữa năm 2020 đồng sen tân Hội đã ngưng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề khác).
Huyện Hồng Ngự: phát triển được 6 điểm du lịch cộng đồng (gồm HTX rau an toàn kết hợp trải nghiệm làng bè thưởng thức ẩm thực miền sông nước; Bãi tắm cồn Long Khánh; Homestay nhà cổ; Làng nghề dệt choàng Long Khánh A; Điểm du lịch vườn nho Ba Tuấn và Điểm du lịch sinh thái Tiên Định. Giai đoạn 2016 - 2021 huyện Hồng Ngự đón và được phục vụ khoảng 230.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 7.240 lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 93 tỷ đồng.
Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng (ảnh internet)
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng đã có ban hành kế hoạch phát triển du lịch kết nối với Đề án phát triển du lịch của tỉnh. Theo Kế hoạch, đến năm 2025, thu hút trên 5 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân 13%/năm. Tổng doanh thu du lịch 1.700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15%/năm. Du lịch đóng góp từ 5% – 6%/GRDP của Tỉnh. Phấn đấu có ít nhất 10 khu, điểm du lịch cấp Tỉnh; 5 khu, điểm du lịch tiêu biểu cấp Khu vực; 1 khu du lịch cấp Quốc gia (Khu Du lịch Tràm Chim). Giữ vững vị trí nhóm 3 Khu vực. Thu nhập của hộ dân làm du lịch nông nghiệp gấp từ 1,5 lần thu nhập của hộ dân làm nông nghiệp thuần trở lên.
Du lịch Đồng Tháp được hình thành từ tháng 4/1982, đầu tiên là thành lập Công ty Du lịch trực thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp (nay là Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp). Tháng 4 năm 1994, UBND Tỉnh giao chức năng quản lý nhà nước về du lịch cho Sở Thương mại và đổi tên thành Sở Thương mại và Du lịch; tháng 5/1994, thành lập Phòng Quản lý Du lịch trực thuộc Sở Thương mại và Du lịch với 03 biên chế sau đó bổ sung thêm 3 biên chế là 6 người. Đến năm 2007, thực hiện chủ trương sát nhập của Chính phủ, Phòng Quản lý Du lịch chuyển về Sở Văn hóa & Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). |
Khánh Vân