“Sen ngày mới” mang khát vọng Đồng Tháp vươn xa

18/05/2022 2007 0
Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I – năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 19 – 21/5, tại thành phố Cao Lãnh – Thủ phủ Đất Sen hồng. Sự kiện đặc biệt này được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022). Nhân sự kiện này sắp diễn ra, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa về mục đích, ý nghĩa của Lễ hội Sen cũng như những định hướng phát triển cây Sen trong thời gian tới.

Viết tiếp hành trình giấc mơ Sen

Phóng viên: Thưa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa! Được biết, đây là lần đầu tiên Đồng Tháp tổ chức Lễ hội Sen với chủ đề là “Sen ngày mới”. Ông có thể chia sẻ về mục đích tổ chức Lễ hội cũng ý nghĩa chủ đề của Lễ hội này?

Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa: Từ lâu, Đồng Tháp đã nổi tiếng với câu thơ đi vào lòng người của nhà thơ Bảo Định Giang: “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ” (nguyên gốc). Đồng Tháp còn được mệnh danh là Đất Sen hồng, nơi an nghỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), Đồng Tháp tổ chức Lễ hội Sen lần thứ I nhằm tôn vinh hoa Sen - loài hoa mang biểu tượng văn hóa, cốt cách của con người Việt Nam, đồng thời, phát huy các giá trị kinh tế - văn hóa của Sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương.

Đúng như chủ đề “Sen ngày mới”, Lễ hội Sen Đồng Tháp diễn ra trong không khí phấn khởi, tươi mới, hăng say lao động, sản xuất, kinh doanh của mọi tầng lớp nhân dân, khi mọi hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch dần được phục hồi sau thời gian “đóng băng” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hơn cả một lễ hội thông thường, Lễ hội Sen Đồng Tháp mang những khát vọng phát triển vươn xa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp, viết tiếp hành trình xây dựng và quảng bá thương hiệu Đất Sen Hồng đã được thực hiện từ năm 2017 của các lãnh đạo tiền nhiệm.

“Sen ngày mới” kể tiếp những câu chuyện của hôm nay, của những con người năng động, sáng tạo từ hình ảnh cây Sen thân thuộc trở thành tiềm năng phát triển kinh tế, phát triển du lịch và giữ được giá trị văn hóa của xứ sở Sen Hồng.

Chúng tôi kỳ vọng, Lễ hội Sen lần này không chỉ để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, giao lưu, sáng tạo văn hóa, mà còn là cơ hội để kết nối, giao lưu của những người làm kinh tế về Sen, của những người mong muốn mang Sen giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Phóng viên: Xin ông cho biết tiến độ công tác chuẩn bị Lễ hội Sen đến thời điểm này?

Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa: Lễ hội Sen sẽ diễn ra từ ngày 19/5/2022 đến ngày 21/5/2022, tại thành phố Cao Lãnh với nhiều hoạt động phong phú: Trưng bày các loài Sen của Đồng Tháp và của các tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức không gian ẩm thực - quà lưu niệm - đặc sản Sen; xác lập kỷ lục 200 món ăn chế biến từ Sen; khánh thành khu trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh v.v..

Lễ hội Sen Đồng Tháp sẽ tái hiện không gian yên bình, đậm hương sắc của hoa Sen đang mùa đẹp nhất, tôn vinh vẻ đẹp thanh tao của hoa Sen. Trong đó, điểm nhấn là Lễ Khai mạc với Chương trình Nghệ thuật diễn ra vào 20 giờ ngày 19/5/2022, thời lượng khoảng 100 phút gồm 03 chương: “Chuyện của Sen”, “Chuyện đất và người Sen” và “Sen ngày mới”. Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9 – Đài Truyền hình Việt Nam, tiếp sóng trên Truyền hình Đồng Tháp và một số Đài địa phương.

Hiện tại, ngành chức năng đang khẩn trương công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội diễn ra đúng tiến độ, an toàn, thành công, nhằm giới thiệu, quảng bá và lan tỏa đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động sáng tạo mà Nghị quyết Đại hội XI Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Phóng viên: Hoa Sen, cây Sen từ lâu đã gắn bó với người dân Đồng Tháp. Thông qua hình ảnh Sen cũng mang đến nhiều giá trị văn hóa, du lịch. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa: Năm 2017, Đồng Tháp bắt đầu thực hiện Đề án Tạo dựng hình ảnh địa phương và chọn “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen” làm khẩu hiệu (slogan) cho ngành du lịch tỉnh.

Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên thiết lập được bộ nhận diện của địa phương và thương hiệu “Đất Sen hồng” ngày càng được các phương tiện truyền thông cả nước nhắc đến.

Sâu xa của việc chọn hoa Sen là biểu tượng địa phương chính là thể hiện phẩm chất, tinh thần con người Đồng Tháp vươn lên của hoa Sen không khuất phục trước gian khó và thuần khiết “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Qua cốt cách, qua phẩm giá, qua tình người, với ý chí phấn đấu, nỗ lực vươn lên để tự hoàn thiện bản thân, mỗi người đều có thể như đóa Sen tỏa hương, khoe sắc, góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn.

Cây Sen mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân

Phóng viên: Không chỉ mang giá trị văn hóa, Sen còn mang giá trị kinh tế cao. Định hướng phát triển cây Sen bên vững trong thời gian tới ra sao, thưa ông?

Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa: Có thể khẳng định, triển vọng phát triển của cây Sen Đồng Tháp là rất lớn. Đồng Tháp có diện tích trồng Sen với hơn 600 ha. Cây Sen cũng được huyện Tháp Mười chọn làm ngành hàng chủ lực để thực hiện Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị bền vững gắn kết với phát triển du lịch về Sen. Vùng trồng sen của nông dân được mở rộng, không còn chỉ ở Tháp Mười mà đã lan tỏa ra các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện nay, sản phẩm đặc sản, hàng quà tặng nguyên liệu từ sen phát triển phong phú, đa dạng. Nhiều sản phẩm chất lượng cao, mang tính nghệ thuật, mỹ thuật tinh tế hứa hẹn trở thành những ngành hàng phát triển mạnh như: Tranh lá sen, thư pháp lá sen, hoa sen ướp tươi, lụa tơ sen, sữa sen, hạt sen sấy, trà sen thượng hạng v.v..

Đáng phấn khởi là có nhiều dự án khởi nghiệp từ Sen của các bạn trẻ đã thành công như: Ecolotus của Khởi Minh Thành Công, Tinh dầu Hương Đồng Tháp, Nhang Sen Liên Tâm, Sữa hạt Sen Ba Tre v.v.. Đến nay, Đồng Tháp có khoảng 20 sản phẩm, hàng quà tặng từ Sen đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Để nâng cao giá trị ngành hàng sen Đồng Tháp trong thời gian tới, chúng tôi  cũng đã chỉ đạo ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân phát triển các sản phẩm chế biến từ cây Sen, nhất là các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp từ Sen.

Trong đó, ngoài việc hỗ trợ các hồ sơ, thủ tục để sản phẩm được hoàn thiện, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cây Sen, chuẩn hóa sản phẩm ngành hàng Sen tham gia chương trình OCOP tỉnh Đồng Tháp, kết nối nông dân để cùng sản xuất tạo ra vùng nguyên liệu để phát triển cây Sen; tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ Sen gắn với phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, người dân cũng cần áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm đạt năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Sen. Ngoài ra, các nhà khoa học và các ngành, đơn vị có liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ về giống, chuyên môn, trang thiết bị nhằm đưa ngành hàng sen Đồng Tháp phát triển một cách bền vững.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thực hiện phỏng vấn: Văn Khương
Đồ họa: Thanh Toàn

(Theo dongthap.gov.vn)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu