Văn hoá Đồng Tháp và câu chuyện về “Sen”

14/05/2022 7015 0
Sen là loài hoa đồng nội, dễ trồng và có sức sống rất mãnh liệt, hương thơm thanh thoát, nhuần nhị, sen có mặt hầu hết khắp các nơi ở mọi miền đất nước ta, nhưng sen ở Đồng Tháp vẫn bao hàm những câu chuyện văn hóa ấn tượng nhất.

Ảnh từ nguồn internet

Đồng Tháp là một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, vốn dĩ trước đây là một khu đầm lầy, ngập nước quanh năm đã tạo nên một vùng đất huyền thoại :

Tháp Mười danh thắng tuyệt vời

Đầm lầy muỗi,  đỉa, lưng trời hạc bay

Hoa Sen nào của riêng ai

Quê hương chỉ một, không hai Tháp Mười

Bên cạnh ruộng lúa vàng, những vườn cây trái trĩu quả, Đồng Tháp nổi tiếng với những ruộng sen. Sen trồng thành ruộng, sen trồng nên những cánh đồng bạt ngàn, sen lên phố rồi vào sân, vào nhà của người dân Đồng Tháp.

Trong đời sống văn hóa truyền thống dân gian, với nếp sinh hoạt thì người dân Đồng Tháp thường dùng hoa sen để trưng bày, trang trí cúng lễ, hội họp quan trọng… Riêng về ẩm thực, sen dường như được tận dụng “triệt để”. Lá sen già để gói cơm, gói bánh…, đọt sen non dùng ăn với cá lóc nướng trui giữa bát ngát hương đồng miền Tây thì không gì bằng. Rồi hạt sen làm mứt, làm bánh, nấu chè, hầm các món mặn; củ sen thì nấu canh, nấu tiềm, làm dưa; ngó sen làm gỏi, nấu súp; tim sen tuy thấy “đắng nghét” tưởng chừng vô dụng lại làm thuốc an thần, râu sen (tức những nhụy sen đực) thì dùng ướp trà; cùng vô số món từ sen khác được chế biến đặc sắc, qua sự khéo léo chế biến của bàn tay người nội trợ…

Ngày nay, với công nghệ hiện đại, những người con quê sen đã miệt mài nghiên cứu, đầu tư để cho ra đời rất nhiều những đặc sản về sen, với thương hiệu và chất lượng ngày càng cao. Và đằng sau đó là những câu chuyện, những điều trăn trở nhưng với sự đam mê, với trách nhiệm chỉ có ở những người dân yêu quê, yêu sen thì mới làm được: Đó là sản phẩm rượu Hồng sen tửu; rồi sữa sen, bánh nhân sen, … Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là câu chuyện của anh Ngô Chí Công, tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành kỹ sư hóa chuyên về phát triển bền vững và sống ở Pháp hơn 6 năm, theo tiếng gọi quê hương Đồng Tháp anh đã về  khởi nghiệp và dồn hết tâm trí vào hoa sen, lá sen quyết biến loài hoa này thành bất tử.

Về Đồng Tháp ăn sen, uống sen... thưởng thức mĩ vị từ sen, đó là nét đặc trưng văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng đất Sen này mà không phải nơi nào cũng có được. Tình người đất Tháp với sen cũng không khác chi tình người nông dân gắn bó với cây lúa nước từ ngàn xưa. Chính từ đó câu ca, điệu hò của người dân quê không thể thiếu đi hình ảnh của sen như:

“Ai về Đồng Tháp mà xem
Bông sen, bông súng nở chen lúa vàng”

Hay:

"Hò... ơ...ớ...ơ... Ai về Đồng Tháp mà nghe, hương sen trong gió...

Hò...ơ...ớ...ơ... Hương sen trong gió... ờ... lời ai... trao tình”

Người dân quê, yêu vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi, hấp dẫn của Sen, nên rất nhiều tác giả đã chụp ảnh về sen, tập hợp thành những sưu tập, tổ chức triển lãm ảnh về sen; sen là họa tiết cho các tà áo, …Vốn là nơi đất lành, được thiên nhiên ưu đãi, cùng với những con người dám nghĩ, dám làm, yêu sen, và quyết tâm tạo dựng sen làm nét đặc trưng riêng có của người dân quê Đồng Tháp.

Sen nơi đâu cũng có, sẽ có, vì dễ trồng trên tất cả mọi nơi ở đất nước ta, nhưng chỉ có ở Đồng Tháp thì sen mới có thương hiệu. Từ việc nhà nhà, người người yêu sen, trồng sen tạo thành những cánh đồng sen bạt ngàn nên dĩ nhiên phát triển kinh tế phải từ cây sen. Thế là, các khu du lịch đồng sen nhiều nơi được lập nên trên đất Đồng Tháp tạo nên thương hiệu; cũng từ đây đã cho ra đời những sản phẩm du lịch bé sen ngộ nghĩnh dễ thương là linh vật biểu trưng cho quê hương Đồng Tháp.

Các doanh nghiệp, cũng lấy biểu tượng bé sen làm biểu trưng cho thương hiệu của mình, nằm ở vị trí đầu con đường vào nội ô thành phố Cao Lãnh, Khách sạn Hòa Bình gây ấn tượng mạnh với hình một “bé sen” khổng lồ miệng cười sảng khoái, tay trái vẫy chào du khách, tay phải cầm lá sen có vẽ biểu tượng cách điệu sếu đầu đỏ và sen, bên dưới là slogan “Đồng Tháp - thuần khiết như hồn sen”.

Người dân yêu sen là thế, chính quyền của nhân dân cũng vì thế mà yêu sen:​ Năm 2007, UBND Đồng Tháp công bố biểu tượng (logo) của tỉnh.

Biểu tượng (logo) tỉnh Đồng Tháp

Biểu tượng tỉnh Đồng Tháp được thể hiện theo hình tròn cách điệu bông hoa sen và con sếu. Sen là loài hoa đặc trưng ở Đồng Tháp, các cánh sen tượng trưng cho thành phố và các huyện, thị xã. Sếu đầu đỏ là một trong những loài chim quý hiếm ở Khu bảo tồn vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp). Chim sếu đang múa là hình ảnh của sự thanh bình, thịnh vượng, môi trường thiên nhiên trong lành. Hướng vươn lên của các cánh sen biểu thị sự phát triển; vòng tròn hình bông lúa thể hiện nền kinh tế nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đồng Tháp.

Năm 2015, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành “Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp”, nhiều điểm du lịch của tỉnh, trong đó có thành phố Cao Lãnh được quan tâm đầu tư quy hoạch gắn liền với hình ảnh sen.

Bước vào địa phận tỉnh Đồng Tháp là tấm biển rất lớn thiết kế hình linh vật bé sen đưa tay chào đón với dòng chữ vô cùng thân thiện: “Đất sen hồng mến chào quý khách”. Vào thành phố Cao Lãnh là cổng chào hình sếu đầu đỏ và hoa sen được thiết kế rất sinh động. 

Ảnh từ nguồn internet

Chính quyền đã tham gia và tổ chức các lễ hội Sen như: Lễ hội Sen trời Nam là tôn vinh giá trị của sen, tôn vinh giá trị của sen trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam nói chung; Lễ hội văn hóa đặc sắc về Sen được tổ chức, tái hiện lại không gian yên bình đậm chất văn hóa dân gian vùng Nam bộ nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương.

Đặt biệt, Đồng Tháp sẽ tổ chức Lễ hội Sen từ 19 – 21/5/2022 với chủ đề “Sen ngày mới”, nhằm tôn vinh hoa Sen, phát huy giá trị văn hóa, kinh tế các sản phẩm chế biến từ cây Sen Đồng Tháp, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch địa phương, bên cạnh đó là nhiều hoạt động văn hóa, du lịch ấn tượng.

Đồng Tháp là “Quê sen”, “Thủ phủ của sen”, “Đất sen hồng”.  Đồng Tháp luôn thực hiện theo slogan nổi tiếng: “Thuần khiết như hồn sen”

Bảo Trân

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu