Định hướng phát triển thị trường sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch

29/04/2022 1518 1
Trong khuôn khổ Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) “Liên kết cùng phát triển - Đồng Tháp 2022”, ngày 28/4, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Đồng Tháp tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển thị trường nhóm sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch vùng ĐBSCL”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo ngành du lịch 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và đông đảo các điểm du lịch cộng đồng ở các tỉnh ĐBSCL.

Quang cảnh buổi hội thảo

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, từ năm 2018 đến nay chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ 63/63 tỉnh, thành phố cả nước. Hiện cả nước có 7.463 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên, riêng về nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, có 66 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên. Một số địa phương có lợi thế trong phát triển dịch vụ du lịch gắn với với sản phẩm OCOP điển hình một số tỉnh như: Yên Bái, Hòa Bình, Hà Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Thương – Giám đốc Sở VHTH&DL Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, việc phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP được tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm. Nhằm từng bước hỗ trợ các địa phương xây dựng các điểm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP, Sở VHTH&DL đã phối họp Sở NN&PTNT hướng dẫn và hỗ trợ cho các điểm du lịch đủ điều kiện tham gia đánh giá phân hạng OCOP. Đồng thời, Đồng Tháp cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, chủ thể đẩy mạnh đầu từ vào ngành “công nghiệp không khói”.

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 63 điểm du lịch cộng đồng đang khai thác phát triển du lịch. Trong đó, 3 điểm du lịch đạt chứng nhận 3 sao cho sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng.

Tại hội thảo, đại biểu được nghe các chuyên gia chia sẻ về định hướng phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; một số địa phương cũng chia sẻ về cách triển khai phát triển du lịch cộng đồng trong chương trình OCOP, những kinh nghiệm thực tế và bài học thực tiễn khi triển khai… Đặc biệt, các chuyên gia lưu ý, để đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng vùng ĐBSCL các địa phương cũng cần quan tâm đến việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch cộng đồng và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh; chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới và chương trình OCOP…

Theo Mỹ Lý (Báo Đồng Tháp)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu