Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cụ thể hoá triển khai thực hiện Kết luận 249-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh giai đoạn 2021-2025.
Đồng Tháp hấn đấu đến năm 2025 thu hút trên 5 triệu lượt khách (ảnh Mỹ Lý)
Theo đó, mục tiêu Kế hoạch sẽ triển khai có hiệu quả, đúng quan điểm, định hướng, giải pháp về phát triển du lịch Đồng Tháp theo Nghị quyết Đảng bộ khoá XI và Kết luận 249-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra, tạo sự đồng thuận, nhất quán trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân; tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn khu vực ĐBSCL.
Đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển nhanh với giữ vững sự ổn định, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với các biến cố khó lường của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Khai thác hiệu quả lợi thế tài nguyên đặc trưng riêng từng địa phương, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá - di sản, niềm tự hào quê hương, con người Đồng Tháp để phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương, đẩy mạnh kết nối với các ngành, lĩnh vực, gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong phát triển du lịch; thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, hình ảnh địa phương, lan tỏa các giá trị văn hoá tốt đẹp của vùng đất Sen hồng.
Mục tiêu cụ thể để thực hiện là: (1) Phấn đấu đến năm 2025, thu hút trên 5 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân 13%/năm; tổng doanh thu du lịch 1.700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15%/năm; (2) Du lịch đóng góp từ 5-6%/GRDP của tỉnh; (3) Phấn đấu có ít nhất 10 khu, điểm du lịch cấp tỉnh; 5 khu, điểm du lịch tiêu biểu cấp khu vực; 01 khu du lịch cấp quốc gia Tràm Chim. Giữ vững vị trí nhóm 3 khu vực; (4) Giải quyết việc làm cho 15.000 lao động. 100% lao động trực tiếp được đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch; (5) Thu nhập của hộ dân làm du lịch nông nghiệp gấp từ 1,5 lần thu nhập của hộ dân làm nông nghiệp thuần trở lên.
Để đạt hiệu quả, Kế hoạch đề ra nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp trọng tâm sau: cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức; triển khai đồng bộ các giải pháp thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19, phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch - thương mại dịch vụ; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, kết nối, xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn; cơ cấu lại thị trường khách du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch, kêu gọi đầu tư; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động du lịch; bảo vệ môi trường du lịch, an ninh, an toàn xã hội; hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch.
Kinh phí thực hiện trên 38 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp văn hoá, sự nghiệp đào tạo được giao hàng năm của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; nguồn vận động, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).
Bên cạnh đó, theo Chương trình kỳ họp đột xuất lần thứ nhất của Hội đồng nhân dân tỉnh sắp tới, UBND tỉnh sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định ban hành Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2022-2026.
Võ Văn Đề