Chưa thể đón khách ngay…
“Vui buồn lẫn lộn” là tâm trạng của Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch TYPIC Việt (chuyên inbound thị trường khách nói tiếng Pháp) Đỗ Tiến, “việc mở cửa hoàn toàn du lịch là điều các doanh nghiệp lữ hành quốc tế mong đợi từng ngày, có thể nói đây là động lực hết sức quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp ‘vào việc’ trở lại sau 2 năm ‘bế quan tỏa cảng’, tuy nhiên, cùng với đó là mối băn khoăn của doanh nghiệp trước những trở ngại khi ‘nối’lại thị trường”, ông Tiến bày tỏ.
Cái khó đầu tiên là nhiều đầu mối từ phía nước ngoài đã giải thể hoặc chuyển ngành nghề khác, việc tìm kiếm – kết nối - tổ chức lại là vấn đề không đơn giản, cần nhiều thời gian, công sức. Thứ hai, doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour cần setup lại toàn bộ sản phẩm (khâu này phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến, bởi sau thời gian dài không có khách, nhiều cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng bị xuống cấp, hư hỏng nặng cần đầu tư mới, mà không phải chủ đầu tư nào cũng sẵn sàng … xuống tiền). Vấn đề thứ ba, để bán được sản phẩm bắt buộc phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, thông tin tới đối tác, khách hàng những thông điệp chào đón du khách của Việt Nam, cập nhật tình hình điểm đến, giá cả…, nếu chỉ “đơn thương độc mã” thì sẽ không thể làm nổi bởi điều kiện tài chính của các doanh nghiệp lữ hành đều trong tình trạng kiệt quệ.
Ngoài sức hấp dẫn của điểm đến thì giá cả là yếu tố hết sức quan trọng để thu hút du khách đến Việt Nam
Ông Tiến nhận định, việc mở cửa không có nghĩa là sẽ đón được ngay du khách quốc tế. Trước mắt, vẫn là đối tượng khách thương mại, khách doanh nhân sang vi kế hoạch kinh doanh trước đó của họ, ngoài ra có một lượng khách bị hủy tour từ năm trước thì nay được tổ chức lại.
“Nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam á, châu Á đã đi trước trong việc mở cửa du lịch do vậy họ có lợi thế hơn bởi đã độ phủ truyền thông khá rộng về chính sách, thủ tục, giá cả…, để cạnh tranh được, ngoài sức hấp dẫn của điểm đến thì giá cả là hết sức quan trọng để thu hút du khách đến Việt Nam”, ông Tiến nêu quan điểm.
“Thời điểm này khách đang lên kế hoạch đi du lịch trong tháng 7 (kỳ nghỉ hè), do đó doanh nghiệp sẽ có khoảng thời gian để chuẩn bị tour, sản phẩm…, hy vọng trong tháng 7 sẽ đón được khách”, ông nói.
Chung nhận định, Tổng giám đốc Liên Bang Travel Từ Quý Thành cho hay, vấn đề của hầu hết doanh nghiệp lữ hành quốc tế là khó khăn trong việc “nối” lại thị trường sau gần 2 năm ngưng trệ hoàn toàn, đối tác còn tồn tại với nghề hay không? Nếu còn thì độ “máu lửa” đến đâu trong việc kích hoạt lại du lịch. Hơn nữa, các đối tác cũng gặp trở ngại khi xúc tiến sản phẩm du lịch Việt Nam tới khách hàng của họ.
Đối với thị trường khách tiếng Hoa (thị trường truyền thống của Liên Bang Travel),thời điểm này vẫn chưa có động thái nào cho thấy hoạt động du lịch sẽ được “nới lỏng”, do vậy các doanh nghiệp chuyên thị trường này sẽ vẫn phải chờ, ông Thành cho biết.
Nhận định về giá tour quốc tế đến Việt Nam, ông Thành cho rằng giá sẽ tăng hơn trước, bởi hiện mới chỉ có một số ít hãng hàng không mở lại đường bay, do đó chưa tạo cạnh tranh về giá vé, thứ hai là dịch vụ lưu trú cao cấp tại điểm đến chưa mở lại toàn bộ, điều này cũng là áp lực đối với các nhà tổ chức tour bởi “giá nào cũng phải chấp nhận”.
“Năm 2022 cần xác định là năm khởi động du lịch, chưa thể khởi sắc ngay”, ông Thành nhận định.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành S-Travel cho hay, thế mạnh của đơn vị là tour inbound – outbound Trung Quốc bằng đường b, kể từ khi “đóng biên” (2019 đến nay) S-Travel tập trung vào mảng nội địa và chờ “mở cửa” trở lại…, hiện phía Việt Nam đã “mở” nhưng phía bạn vẫn “đóng”, nên doanh nghiệp tiếp tục chờ…
Theo Tổng giám đốc Công ty Khám Phá Mỹ Phùng Gia Tuấn, vấn đề số một hiện nay đối với việc thu hút khách quốc tế là khẩn trương tiếp cận các thị trường có đường bay ngắn, chính sách cởi mở để quảng bá sản phẩm.
“Thay vì chờ đợi các chương trình xúc tiến tại nước ngoài tại sao ta không chủ động tổ chức các chương trình Presstrip, Famtrip cho báo chí, doanh nghiệp du lịch nước ngoài sang Việt Nam để họ trực tiếp cảm nhận, đánh giá, đó sẽ là truyền thông cực hiệu quả”, ông đề xuất.
“Hiện một số nước vẫn áp dụng quy định cách ly đối với du khách trở về từ nước ngoài, đây mới là cái khó. Ngoài ra nhiều thị trường vẫn đang nghe ngóng tình hình mở cửa của du lịch Việt Nam có ổn định không rồi mới triển khai các hoạt động liên quan, do đó nhanh nhất cũng phải tháng 5, tháng 6 mới có thể đón được khách du lịch thuần túy”, ông Tuấn nhận định.
Tour ra nước ngoài: nhiều trở ngại
Giám đốc Times Tours Nguyễn Thành Phương cho hay, trái với dự đoán “sức bật lò xo” sẽ “bùng nổ” ngay khi mở cửa du lịch outbound, tín hiệu thị trường những ngày qua cho thấy sự quan tâm của khách hàng chỉ ở “mức vừa phải”, dù rất nhiều chương trình hấp dẫn đang được các doanh nghiệp chào bán.
Ông Phương phân tích, đại dịch kéo dài suốt hai năm qua ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều đối tượng khách hàng, khiến họ cân nhắc trước khi bỏ ra một khoản chi phí khá lớn để đi du lịch. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh đang “dồn lực” cho khôi phục kinh tế, nên mọi kế hoạch du lịch chưa được tính đến trong thời điểm này. Ở phân khúc khác (tổ chức, cơ quan nhà nước) cũng không thể đi du lịch tại thời điểm các yêu cầu phòng chống dịch được triển khai nghiêm ngặt…
Đây là bước “đề pa” tái khởi động thị trường sau gần 2 năm “đóng băng” vì đại dịch
Giám đốc công ty lữ hành F (thành viên của liên minh charter flight Dubai vừa mới được thành lập) cho hay, khách hàng tỏ ra khá dè dặt trước tour Dubai đang được chào bán, họ hỏi mang tính chất “thăm dò”.
Tổng giám đốc Khám Phá Mỹ cho rằng, hiện thông tin thị trường khá mù mờ, không một ai dám chắc sẽ không có sự thay đổi về quy định từ phía nước ngoài, do vậy không nên nôn nóng bởi “tiềm tàng nhiều rủi ro” .
“Khám Phá Mỹ đang lên kế hoạch tổ chức chương trình Famtrip Mỹ cho các doanh nghiệp lữ hành khu vực miền Trung, nhưng nhanh nhất cũng phải đến đầu tháng 9 mới có thể khởi hành được, bởi hàng loạt các vấn đề liên quan trong đó có thủ tục, visa và điều quan trọng nữa là phải chắc chắn về đầu mối dịch vụ của mình tại Mỹ, đảm bảo phục vụ khách hàng một cách tốt nhất”, ông Tuấn chia sẻ.
“Vấn đề lo ngại nhất là trong hành trình du lịch, trường hợp không may khách nhiễm virus thì các thủ tục cách ly, chữa trị ra sao, chi phí như thế nào? chi phí cách ly, điều trị, y tế… tại Mỹ cực kỳ đắt đỏ, tốn kém, nhất là với những trường hợp không nằm trong hệ thống bảo hiểm của nước này”, ông Tuấn nói.
“Hiện tại vẫn chưa có giải pháp nào đối với việc xử lý các trường hợp khách ra nước ngoài bị COVID, nên chưa thể tạo sự yên tâm đối với du khách. Hiện Khám Phá Mỹ thuyết phục các “cơ sở” của công ty tại Mỹ để xử lý mọi tình huống một cách linh hoạt nhất, phục vụ khách hàng một cách chu đáo nhất”, Tổng giám đốc Khám Phá Mỹ chia sẻ thêm.
Theo Viễn Nguyệt (Tạp chí Du lịch)