Khách du lịch tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
Những tháng đầu năm 2021, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành du lịch, đơn vị vận chuyển và cung ứng dịch vụ du lịch; các cơ sở lưu trú; các khu di tích, điểm du lịch trên địa bàn Tỉnh hầu như chỉ hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, du lịch Đồng Tháp đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để vượt khó. Từ đó, Tỉnh đã tổ chức thành công các sự kiện, hội nghị về du lịch, góp phần đưa hình ảnh du lịch Đồng Tháp vươn xa. Nổi bật, là Tuần lễ Văn hoá - Du lịch Đồng Tháp năm 2021, với chủ đề “Sa Đéc - Phố và hoa”, đã thu hút trên 200.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm, doanh thu du lịch đạt 43 tỷ đồng. Sự kiện này là bước ngoặc khởi động lại hoạt động du lịch sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020.
Bên cạnh đó, Hội nghị tổng kết liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL được đánh giá cao, hiệu quả thiết thực; Hội nghị chuyên đề du lịch Đồng Tháp thích ứng với đại dịch. Đặc biệt, đã tổ chức thành công Hội nghị Tổng kết Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020, đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế qua 05 năm thực hiện Đề án. Qua đó, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp đưa du lịch Đồng Tháp trở thành ngành kinh tế quan trọng trong thời gian tới.
Du lịch tỉnh đã phát triển thêm 09 điểm du lịch cộng đồng, trong đó có 5 điểm du lịch được UBND Tỉnh ra quyết định công nhận là điểm du lịch. Các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm cũng tăng cường các dịch vụ sẵn có, xây dựng thêm các dịch vụ mới phục vụ tốt nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch như: Khu du lịch Tràm Chim, đã xây dựng khu đón khách, bến tàu cầu vượt, điểm dừng chân C4, dịch vụ ẩm thực, gồm: Bè nổi Tràm Chim, Khu ẩm thực C4; Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng bổ sung các dịch vụ mới như: cho cá bú bình, dở chà chuột, chơi bắt vịt trên sông; Khu du lịch văn hóa Phương Nam: Mở rộng hồ bơi đu dây cáp trượt nước và hồ Massa;…
Điểm du lịch cộng đồng Thiên Phú huyện Cao Lãnh 1 trong 9 điểm du lịch cộng đồng
phát triển thêm trong năm 2021
Thế nhưng khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát (từ tháng 6/2021), với mức độ phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Tỉnh đã hoàn toàn dừng hoạt động, thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội, khiến cho các cơ sở du lịch rơi vào tình thế điêu đứng hơn. Do đa phần các cơ sở cả lữ hành, lưu trú, phương tiện vận chuyển,…đã có sự đầu tư chi phí cho cơ sở vật chất, công tác quảng bá, nhân sự phục vụ...trước đó, nhằm chuẩn bị cho công tác phục vụ du khách trong những đợt du lịch trọng điểm, đặc biệt là 03 tháng hè năm 2021,...
Trước thực trạng đó du lịch Đồng Tháp gần như rơi vào “khủng hoảng” và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tỉnh đã phải dời tổ chức và không tham gia nhiều hoạt động, sự kiện du lịch: Dời tổ chức Diễn đàn kết nối du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL lần thứ 2 năm 2021. Không tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội VITM; Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ Cần Thơ và Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh… dẫn đến những con số khá buồn của du lịch Đồng Tháp vào cuối năm 2021.
Cụ thể, tổng lượt khách du lịch đến Đồng Tháp trong năm 2021 ước đạt 1.500.000 lượt khách, giảm 44,53% so với năm 2020; doanh thu ước đạt 600 tỷ đồng, giảm 26,62 % so với cùng kỳ. Đội ngũ lao động của ngành cũng có sự biến động lớn do ảnh hưởng dịch, có hơn 1.000 lao động trực tiếp và hơn 4.000 lao động gián tiếp trong ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người lao động thất nghiệp, rời bỏ nghề, tạm nghỉ việc hoặc chuyển sang hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực khác để duy trì cuộc sống.
Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, với phương châm “Phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch covid-19”, du lịch Đồng Tháp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu kép “vừa đảm bảo an toàn vừa từng bước phục hồi hoạt động du lịch”. Cụ thể, ngành du lịch đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch từng bước thực hiện chuyển đổi số hoạt động du lịch. Trên cơ sở đó, ngành du lịch đã phối hợp với VNPT vận hành, quản trị Cổng thông tin du lịch Tỉnh, app Dong Thap Tourism, bản đồ số du lịch để quảng bá hình ảnh, con người và tiềm năng du lịch Tỉnh trên Cổng thông tin du lịch. Hỗ trợ Đài truyền hình nhân dân chi nhánh Cần Thơ thực hiện phóng sự quảng bá du lịch tại Tỉnh. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp ghi hình đưa tin các điểm du lịch nông nghiệp, cộng đồng, sản phẩm dịch vụ mới phát sóng trong Chương trình Tạp chí du lịch xanh.
Cùng với đó, Sở tập trung vào xây dựng các văn bản, tham mưu UBND Tỉnh kịp thời ban hành các kế hoạch, cơ chế về quản lý, phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch. Chú trọng công tác đào tạo lực lượng lao động trong ngành du lịch nhằm bổ sung kiến thức về quy trình phục vụ khách an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, đã tổ chức 02 lớp kỹ năng nghiệp vụ du lịch theo hình thức trực tiếp và 8 chuyên đề về du lịch theo hình thức trực tuyến cho 1.000 lao động trong ngành du lịch, để chuẩn bị khôi phục lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, Tỉnh ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch đối với hoạt động du lịch và tổ chức thẩm định, công bố rộng rãi các cơ sở đạt chuẩn phục vụ du khách. Đặc biệt, Tỉnh đã kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh, đến nay đã hỗ trợ cho 44 hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với số tiền trên 163 triệu đồng; giảm giá điện trên 600 triệu đồng cho 105 cơ sở lưu trú; hỗ trợ chi phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng cho 6 điểm du lịch cộng đồng giúp các cơ sở khắc phục khó khăn, sớm khôi phục hoạt động.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh
và 13 tỉnh, thành ĐBSCL
Năm 2022, với phương châm hành động “Thích ứng nhanh nâng tầm vị thế - Đất Sen hồng vượt sóng vươn xa”, du lịch Đồng Tháp sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của du khách và người dân. Phấn đấu năm 2022, đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương và đến năm 2025, ngành du lịch đặt mục tiêu đóng góp từ 5– 6% tổng giá trị GRDP của Tỉnh, thu hút trên 05 triệu lượt khách, doanh thu 1.700 tỷ đồng, giữ vững vị trí nhóm 03 trong Khu vực.
Mong rằng, với sự phối hợp nhiều giải pháp thiết thực nêu trên; sự quyết tâm của toàn ngành; sự quan tâm, hỗ trợ của Lãnh đạo Tỉnh, các ngành liên quan, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Đồng Tháp sẽ sớm phục hồi và nhiều khởi sắc trong năm 2022.
Nguyễn Toàn