Với địa hình thuận lợi nằm cặp sông Hậu có nhiều cồn, bãi bồi do phù sa bồi đắp, nên vùng đất Định Yên thích hợp cho cây lác phát triển. Khi xưa, các cồn trên sông Hậu như cồn bà Hòa, cồn Vàm Cống…còn trồng lác gon, đến mùa cả xóm đi thu hoạch hoặc mua về chẻ, phơi khô rồi chia nhau dệt chiếu. Dần dần. nguồn lác ở các cồn này ngày một ít, người dân phải chèo ghe đi mua lác ở các cồn ở phía Sa Đéc (sông Tiền). Ngày nay nguồn lác mua từ các nơi, phần lớn từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) để cung cấp cho làng nghề.
Bên cạnh đó, để có trân dệt chiếu thì phải trồng bố (hiện nay còn có chỉ vải cũng dùng dệt chiếu thay trân được). Bố được gieo trồng trên những thửa ruộng gò, trồng lúa năng suất kém. Thường bố được thu hoạch vào mùa nước nổi (tháng 7-8 âm lịch).
Từ cây bố, lột vỏ, láng bố (cạo lấy vỏ lụa) phơi khô, xé nhỏ dùng máy, hoặc se tay, nối thành sợi trân dài khoanh tròn trong bội hoặc quấn vào sa thành từng bánh tròn đem bán cho người thợ mua về mắc vào khung dệt chiếu.
Ngày trước se trân thủ công bằng cái xa quay, mỗi người làm chừng 2 ngày mới được một cân trân (600gr). Ngày nay dùng mô tơ điện xe nên nhanh hơn gấp nhiều lần. Trân xe khéo chắc, nhuyễn sử dụng khoảng 200gr có thể dệt được một chiếc chiếu.
Nghề dệt chiếu được truyền nghề trong các hộ gia đình, từ những người có kinh nghiệm thì hướng dẫn cho con cháu của họ. Nghề dệt chiếu tuy thăng trầm vất vả nhưng người dân Định Yên với nghề cha truyền con nối vẫn một lòng cần mẫn để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Từ những năm 1920, nghề dệt chiếu ở Định Yên phát triển, nguyên liệu tại chỗ không đủ, phải mua thêm lác chẻ sẵn, phơi khô từ phía Sa Đéc và các nơi chở đến. cho đến trước 1954, chiếu Định Yên nhờ chất lượng cao, giá cả vừa phải nên ghe thương hồ chở bán khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, lên đến Nam Vang (Campuchia). Chính nhờ sự thạnh mậu của nghề dệt chiếu thời kỳ này mà chợ phiên mua bán chiếu xuất hiện và tồn tại đến ngày nay. Xưa, Chợ chiếu được họp từ lúc nữa đêm, bạn hàng gần xa tụ họp về, những ngọn đèn dầu cá, đèn Huê kỳ (dầu lửa) đủ sáng cho người mua, kẻ bán. Nhiều người quen gọi « chợ ma », gợi về một cái « chợ âm phủ » nào đó trong truyện huyền thoại dân gian. Chợ này xuất hiện và duy trì vì nó phù hợp với công việc nghề dệt chiếu, con nước lớn, ròng và sinh hoạt của địa phương. Ban ngày, mọi người, nhất là nữ giới đều bận rộn với công việc; se trân, phơi, nhuộm lác, dệt chiếu…
Xưa, Chợ chiếu nhóm ban đêm - dân gian gọi là chợ ma (ảnh tư liệu)
Thời gian họp chợ từ lúc nữa đêm, (đêm sau trễ hơn đêm trước một giờ,- do theo con nước lớn, đêm sau con lớn trễ hơn một giờ so với đêm trước), chiếu dệt xong đem bán, đi chợ mua thức ăn, về đền nhà trời vừa hừng sáng, lại bắt đầu công việc cho một ngày mới.
Thời xưa, có thể nói, sản phẩm chiếu được làm ra, là nhu cầu thiết yếu của mọi nhà. Với gia đình khá giã thì sắm chiếu bông, chiếu vảy ốc, chiếu con cờ, chiếu cổ… còn gia đình bình dân, thì chiếu trắng, chiếu thường…chiếu dùng để nằm, để bày mâm cổ, chiếu để làm chăn (mền), màn (mùng), chiếu để trang bị cho phòng tân hôn, để các bậc cao niên ngồi bàn chuyện trong các cuộc lễ hội, đình đám của làng và đôi khi đến phút cuối cuộc đời con người chiếu vẫn gắn bó…
Vì vậy, ở làng Định Yên đến nay vẫn còn truyền tụng câu ca dao :
« Định Yên có vựa chiếu to,
Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm »
Hay câu : Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trầm em đeo
Phải thế chăng mà mặc nhiên chiếc chiếu đã trở thành nhân chứng cho bao cuộc tình thôn dã nồng thắm đến ngày răng long đầu bạc. Còn những cặp chia Quyên, rẽ Thúy thì do tình đời đổi trắng, thay đen chớ nào phải tại chiếc chiếu…Chiếu là vật dụng rất đời thường, không thể thiếu trong đời sống con người.vì nó có mặt từ rất lâu đời. Tuy bây giờ chiếu ít còn được sử dụng trong những khung cảnh bày trí tân thời. Nhưng ở những vùng nông thôn hay những nơi gắn bó với nét sinh hoạt xưa chiếc chiếu vẫn rất hữu dụng. Khoảng từ những năm 1980 trở lại đây, chiếc chiếu lác ít người sử dụng vì nhiều lý do, có nhiều vật dụng khác: chiếu tre, chiếu nhựa, nệm…do tiện ích giặt giũ, dễ sắp xếp trong không gian sinh hoạt thu hẹp… “Mảnh chiếu, chiếc chiếu, đôi chiếu” từ xa xưa đã gắn liền với đời sống con người. Hơn thế, nó còn trở thành một biểu tượng cho tình cảnh, tình cảm của bản thân, gia đình (manh chiếu bó thân, tình chăn chiếu), vị thế xã hội (chiếu trên , chiếu dưới).
Nhóm chợ theo con nước lớn, ròng vào ban đêm là tập quán sinh hoạt, điều kiện đặc thù của người dân trong nghề dệt chiếu Định Yên.
Mua bán chiếu: Người bán đi đứng, kẻ mua lại ngồi (ảnh tư liệu)
Đêm đến, mọi người cùng đến chợ, điểm đặc biệt của chợ chiếu đêm là, người mua sản phẩm chiếu ngồi tại chỗ, còn người bán thì di chuyển, họ vác chiếu tay cầm đèn đến điểm những người thu mua, xem hàng, trao đổi ngã giá theo nguyên tắc: "thuận mua, vừa bán", cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng, miễn sao đôi bên cùng có lợi.
Người mua họ ở cố định tại chỗ đôi ba bữa, để gom đủ số hàng theo tải trọng của phương tiện họ sử dụng, vận chuyển mua bán chiếu. Và còn tùy thuộc vào phiên chợ có người bán chiếu nhiều hay ít mà họ ở nán lại thời gian nhiều đêm hay ít đêm.
Thời gian họp chợ từ lúc nữa đêm, (đêm sau trễ hơn đêm trước một giờ, do theo con nước lớn, đêm sau con lớn trễ hơn một giờ so với đêm trước), chiếu dệt xong đem bán, đi chợ mua thức ăn, về đến nhà trời thì vừa hừng sáng, lại bắt đầu công việc cho một ngày mới.
Theo lời kể của người dân sống tại Định Yên về chợ chiếu đêm ở Định Yên, mỗi phiên trễ một giờ. Và chợ đêm thường nhóm bắt đầu từ lúc 2 giờ theo chu kỳ con nước trong tháng, tính lúc nước lớn đầy, không tính sông cạn, sâu; xuồng, ghe; lớn, nhỏ có thể di chuyển sớm hay trễ khi nước vừa "nhửng" lớn thì đến phiên chợ xóm hoặc muộn hơn.
Chợ này xuất hiện và duy trì thời gian dài vì nó phù hợp với công việc nghề dệt chiếu và điều kiện sinh hoạt ở nông thôn thời kỳ bấy giờ. Về sau cải tiến hơn, một số ít người sắm được đèn pin, rọi đi chợ cũng rất tiện và "sang" lúc bấy giờ. Về sau, đèn pha, đèn điện có cả, rất tiện ích cho việc đi lại vào ban đêm.
Cùng với sự phát triển kinh tế của xã hội ngày một đi lên, đời sống người dân ngày càng được cải tiến. Đường nông thôn hiện nay xã liền xã, ấp liền ấp. Trong cả nước, đường thông suốt, ô tô đi từ tỉnh có thể đi về tận ấp; phương tiện cơ giới đa dạng: xe tải, xe ba gác, xe hon da, xe đạp, tàu, ghe trang bị máy móc mã lực lớn, nhỏ đều có v.v. đó là điều kiện vận chuyển nhanh, cơ động trong việc lưu thông hàng hóa nói chung, sản phẩm chiếu nói riêng. Phương tiện thông tin liên lạc, điện thoại bàn, di động, internet kết nối liên lạc đa chiều giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chiếu nên tiết kiệm được thời gian, công sức, không phải thức khuya dậy sớm mang sản phẩm ra chợ bán như trước kia nữa, nên dần dần chợ chiếu đêm, (chợ ma) ngừng hoạt động.
Và vài ba chục năm trở lại đây, chợ đêm không còn nhóm họp nữa mà chỉ còn trong ký ức của những bậc cao niên sống tại địa phương.
Hiện nay, du khách có dịp đến trung tâm xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp sẽ thấy một ngôi chợ khang trang mang tên Chợ Chiếu Định Yên, được địa phương đầu tư kinh phí, làm nơi trao đổi mua bán chiếu và trao đổi hàng hóa. Điều này thể hiện phần nào sự quan tâm của chính quyền địa phương với làng nghề, với mong muốn người dân làng nghề có nơi mua bán, trao đổi nguyên liệu, sản phẩm chiếu để làng nghề hoạt động ổn định và phát triển.
Cần khôi phục lại phiên chợ đặc biệt ...
Chợ chiếu đêm Định Yên là một điểm nhấn đặc biệt trong hoạt động làng nghề dệt chiếu xưa, nó sẽ còn mãi trong ký ức của nhiều người hiện nay và về sau.
Vì vậy, hiện nay trong điều kiện Tỉnh đang chú trọng phát triển kinh tế thông qua du lịch, đã thực hiện Đề án phát triển du lịch, thì việc phục hồi phiên chợ chiếu đêm của Định Yên để góp phần phát triển du lịch, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch là một nhu cầu cần thiết. Đây sẽ là một trong những nhân tố lạ hấp dẫn, khác biệt với những sản phẩm du lịch của các tỉnh lận cận trong khu vực và cả nước, góp phần thu hút khách, tăng trưởng kinh tế thông qua khai thác dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, chợ chiếu đêm không còn phù hợp để mua bán chiếu (vì những lý do nêu trên). Vậy làm cách nào để chợ chiếu đêm hoạt động trở lại? Đây là vấn đề lớn của tỉnh, cần có chủ trương của các ngành quản lý từ tỉnh đến huyện, xã có chính sách đầu tư kinh phí, thực hiện đồng bộ việc qui hoạch nguồn nguyên liệu, nơi sản xuất, liên kết hộ sản xuất, chợ, bao tiêu sản phẩm v.v. để khôi phục lại hoạt động chợ chiếu đêm Định Yên. Nhằm liên kết với các điểm tham quan trong huyện, tỉnh xây dựng tuyến tham quan đưa khách tham quan trải nghiệm chợ chiếu đêm, cùng với việc khai thác các dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống, nghỉ đêm v.v. nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân địa phương nói chung và người dệt chiếu nói riêng. Có như thế, sẽ gắn kết được người dân làng nghề, sống được bằng nghề của họ.
KIM TUYỀN