Những Lễ hội truyền thống ở Đồng Tháp

25/11/2021 22248 0
Không chỉ biết đến là vùng đất với những con người mến khách, nghĩa tình, Đồng Tháp còn được biết đến là một vùng đất của những lễ hội đặc sắc, mang đậm chất văn hóa dân gian trong đời sống văn hóa của miền quê sông nước.

Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh về dự Lễ  giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hành năm

Được tổ chức hằng năm vào ngày 26 - 27/10 âm lịch, tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc - Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (Phường 4, TP. Cao Lãnh). Đây là sự thể hiện lòng tôn kính của người dân Đồng Tháp nói riêng và của người dân cả nước nói chung đối với nhà nho yêu nước - người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng cho đất nước ta người anh hùng dân tộc Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ là nhà nho yêu nước, giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu XX đỗ Phó bảng, từ chối chốn quan trường, đến khu vực miền Tây Nam bộ truyền bá tư tưởng yêu nước, Cụ đã chọn mảnh đất Hòa An – Cao Lãnh để truyền bá tư tưởng yêu nước, khơi dậy truyền thống đấu tranh chống xâm lược cho quần chúng nhân dân nơi đây. Cuối đời, Cụ yên nghỉ tại đây vào năm 1929, với “vỏ bọc” là thầy thuốc. Được các thân hào, nho sĩ cùng nhân dân an táng cạnh miễu Trời Sanh và hết lòng che chở, bảo vệ mộ Cụ.

Tái hiện Hội thi Trạng nguyên trong Lễ Giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Từ khi Cụ yên nghỉ trên mảnh đất Hòa An - Cao Lãnh đến nay đã 92 năm đã trôi qua, nhân dân Đồng Tháp cũng như nhiều địa phương trong cả nước luôn thành kính, khói hương nghi ngút tri ân công lao, đức độ, làm ấm vong linh Cụ nơi miền cực lạc. Lễ giỗ Cụ  đã trở thành một ngày lễ thiêng liêng của người dân Đồng Tháp. Đặc biệt từ năm 2010, Lễ giỗ lần thứ 81 của Cụ đã được nâng lên thành lễ hội với những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch như: tái hiện Hội thi Trạng nguyên; trưng bày triển lãm các sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp,hội thi ẩm thực truyền thống, thu hút hàng trăm ngàn người các nơi đến tham quan cúng viếng. 

Lễ hội Gò Tháp

Lễ hội Gò Tháp là một trong những lễ hội lớn ở Đồng Tháp, tổ chức mỗi năm 2 lần vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch, tại Khu di tích Gò Tháp thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Từ 10 năm nay lễ hội Gò Tháp đã trở thành một lễ hội tầm cỡ ở các tỉnh Nam Bộ. Từ ngày 14 - 16 tháng 3 âm lịch là lễ hội tưởng niệm Bà Chúa Xứ, tương truyền là nguời có công lao khai phá, tạo dựng và phát triển vùng này. Từ ngày 14 - 16 tháng 11 âm lịch là lễ tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Dương (Võ Duy Dương) và Đốc binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều).

Người dân đi Lễ hội tưởng niệm Bà Chúa Xứ tại Gò Tháp

Về dự lễ hội đặc sắc Gò Tháp, trước hết bạn có thể thăm các di tích cổ: Gò Tháp Mười, Tháp Cổ tự, miếu Bà Chúa Xứ v.v., sau đó còn được hoà mình vào không khí lễ hội dân gian, được thưởng thức các hoạt động văn hoá nghệ thuật. Hai lễ hội đầu và cuối năm ở Gò Tháp đều tấp nập hàng chục ngàn du khách từ TP.HCM và các tỉnh lân cận về đây cầu tài, cầu lộc và hành hương đi lễ.

Tượng đài Thiên hộ Võ Duy Dương

Lễ hội ở Gò Tháp có 2 phần rõ rệt: phần nghi thức cúng lễ và phần hội hè. Ngoài các lễ cúng chính trong mỗi kì hội như cúng Bà chúa xứ, cúng Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều còn có một số lễ phụ khác như: cúng Thần nông, lễ cầu an, lễ thỉnh sinh v.v.. Mỗi nội dung lễ cúng có nghi thức hành lễ không giống nhau nhưng có nét chung nhất là đều có bài văn tế do bô lão chánh bái vừa đọc vừa diễn; kèm theo là các tiết mục lễ nghi phụ họa như : dàn nhạc lễ réo rắt, dâng trà, rượu, hương v.v.. Nội dung văn tế là ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân hay cầu khẩn đất trời cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong khi đó, phần hội hè có nhiều tiết mục vui chơi giải trí rất hấp dẫn như múa hát, trò chơi dân gian, hát bội, đấu võ v.v. khiến bạn như quên đi những lo toan của cuộc sống hằng ngày để hoà vào không khí lễ hội nô nức, rộn ràng vui tươi v.v.

Người dân đến dâng hương, tưởng nhớ công ơn hai vị anh hùng dân tộc: Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều

Đến với lễ hội Gò Tháp là bước vào hoạt động văn hoá tổng hợp, đan xen và hòa lẫn vào nhau : giữa vật chất và tinh thần, giữa tín ngưỡng và văn hoá, giữa cái thiêng liêng và cái đời thường, giữa cổ xưa và đương đại… Lễ hội Gò Tháp mang đậm tính chất dân gian và in dấu ấn một thời mở cõi, phản ánh những khát vọng và ước mong tha thiết của người nông dân Đồng Tháp Mười. Được đến thăm các di tích kiến trúc, được cầu nguyện, được chứng kiến các sinh hoạt văn hoá văn nghệ truyền thống, đó chính là nguyên nhân cuốn hút ngày càng đông khách đến tham dự lễ hội Gò Tháp từ xưa đến nay.

Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường

Hàng năm vào lễ giỗ của ông bà Đỗ Công Tường thu hút hàng chục ngàn lượt người dân quanh vùng đến dâng hương, chiêm bái tưởng niệm (Ảnh internet)

Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường là hoạt động văn hóa được UBND TP.Cao Lãnh tổ chức hàng năm vào mùng 8, 9 và mùng 10 tháng 6 âm lịch. Nhằm ghi nhớ công lao của ông bà, đồng thời giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với quảng bá hình ảnh của địa phương. Hàng năm vào lễ giỗ của ông bà thu hút hàng chục ngàn lượt người dân quanh vùng đến dâng hương, chiêm bái tưởng niệm.

 

Nghi thức lễ Nghinh sắc trong lễ giỗ ông bà Đõ Công Tường (Ảnh internet)

Ông Đỗ Công Tường (? – 1820), không rõ năm sinh, có tên tục là Lãnh cùng vợ đến khai khẩn vạt đất ven bờ rạch Thầy Khâm đổ ra sông Con (sau gọi là sông Cao Lanh) hai ông bà đều có lòng thương người. Năm canh thìn 1820, dân làng Mỹ Trà bị dịch tả hoành hành, có nhà chết gần hết. tiếng kêu cứu khóc than dậy cả thôn. Thương xót dân làng, ông bà đặt bàn khấn nguyện được chết thay cho dân. Lời khẩn cầu linh ứng, ông bà đã chết và dịch bệnh cũng dần chấm dứt. Sau đó dân làng lập đền thờ bày tỏ lòng tôn kính đối với công lao của ông bà đã khai hoang, không màng đến tính mạng, xả thân cứu nhân dân trong trận dịch thời khí năm 1820. Sau khi mất ông bà đã "hiển thánh" thể hiện sự oai linh phò trợ dân làng gặp điều tốt lành, làm ăn phát đạt.

Lễ hội Đình Định Yên

Lễ hội Đình Đinh Yên thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện đến dự (Ảnh internet)

Đình Định Yên là một ngôi đình cổ tọa lạc tại ấp An Lợi A, xã Định Yên, Lấp Vò, Đồng Tháp. Ngôi đình được xây dựng vào năm Canh Tuất 1909.Đình Định Yên ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần tín ngưỡng của một cộng đồng dân cư nằm bên bờ sông Hậu sau thời kỳ khai hoang. Thiết chế đình làng và lễ hội cúng đình mang đậm truyền thống uống nước nhớ nguồn, yêu mến quê hương, tổ quốc, nhớ ơn tiền nhân dày công khai hoang mở nước, tri ân anh hùng liệt sĩ đã xã thân bảo vệ quê cha đất tổ, xóm làng của dân tộc, đình làng là biểu hiện cao của văn hoá Việt Nam. Đình Định Yên hàng năm có 02 lễ cúng quan trọng và đông người đến dự là lễ cúng Hạ điền (15- 16/4 âm lịch) và Thượng điền (15- 16/11 âm lịch).

Lễ hội Trần Văn Năng

Lễ thỉnh sắc thần tại lễ giỗ Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng (ảnh internet)

Đựợc tổ chức vào ngày 15, 16 và 17/2 âm lịch, tại Di tích Đền thờ Trần Văn Năng huyện Thanh Bình. Lễ hội góp phần khơi dậy niềm tự hào của mọi người đối với quê hương, tăng tính cố kết cộng đồng, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Trần Văn Năng (người huyện Vĩnh Xương tỉnh Khánh Hòa, có sức vóc, giỏi võ nghệ, qui thuận Nguyễn Ánh năm 1777). Là quan đại thần triều Nguyễn, do lập được nhiều công lao được phong chức Thượng tướng quận công. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) trên đường công cán, đến Bến Siêu (ở trên Cửa Thuận, tỉnh An Giang – nay thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) bị bệnh và qua đời, hưởng thọ 72 tuổi. Do lòng ngưỡng mộ tài đức và những linh ứng độ trì dân làng nơi ông mất khi xưa, nên hàng năm, chính quyền địa phương và gia đình thân tộc tổ chức lễ kỷ niệm ngày mất của ông, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Các lễ hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong hoạt động lễ hội truyền thống dân gian. Thông qua các hoạt động nhằm tuyên truyền những giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; quảng bá tiềm năng du lịch, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, con người, thiên nhiên và các sản phẩm du lịch tới du khách, từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa của Đồng Tháp.

Các hoạt động được tổ chức tại lễ hội còn góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch và các giá trị văn hóa của địa phương, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần tương thân tương ái, gắn bó đoàn kết cộng đồng cho các thế hệ, một số hoạt động văn hóa truyền thống được khôi phục hoặc hoạt động văn hóa mới được đưa vào hoạt động lễ hội và được cộng đồng hưởng ứng tích cực. Việc tổ chức lễ hội đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để nhân dân thật sự là chủ thể của hoạt động lễ hội; chủ động, sáng tạo, tham gia tổ chức, đóng góp sức người sức của cho các lễ hội truyền thống, coi đây là nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân đối với tổ chức và cộng đồng.

Phòng QLDL

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu