Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh liên kết phát triển du lịch an toàn, hấp dẫn

11/11/2021 1751 0
ĐTO - Khi dịch bệnh Covid-19 từng bước được kiểm soát, Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều chương trình kết nối du lịch nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh để phát triển.

Tiềm năng kết nối du lịch với TP Hồ Chí Minh

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với nét đặc trưng hấp dẫn, đa dạng, phù hợp với thị trường khách du lịch TP Hồ Chí Minh như sản phẩm du lịch gắn với mùa nước nổi, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch gắn với làng nghề truyền thống nổi tiếng, Làng hoa Sa Đéc nổi tiếng, du lịch gắn với ẩm thực vùng Đất Sen hồng...

TP Hồ Chí Minh cũng xác định, thị trường khách du lịch Đồng Tháp đến TP Hồ Chí Minh với các sản phẩm du lịch chủ lực như du lịch đô thị, du lịch mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - lịch sử... và kết nối các tỉnh lân cận vùng Đông Nam bộ hoặc vùng khác.

Ngoài ra, Đồng Tháp là địa phương được thiết kế vào tuyến du lịch “Sắc màu vùng biên” (kết nối du lịch TP Hồ Chí Minh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang). Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại TP Hồ Chí Minh cũng xây dựng các chương trình du lịch liên tuyến kết nối với Đồng Tháp và các tỉnh, thành tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)...

Vốn là người có thâm niên kết nối du lịch với Đồng Tháp, ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) nhận định: “Thời gian qua, hình ảnh và con người xứ sở Sen hồng tạo sự thân quen cho du khách gần xa mỗi khi đơn vị mở tour đến đây. Chúng tôi nhận thấy, Đồng Tháp là địa phương có sự quyết tâm đầu tư phát triển du lịch với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Từ đó, du lịch Đồng Tháp có sự tiến bộ vượt bậc với sự thay đổi lớn thông qua nhận diện thương hiệu du lịch đặc trưng, xây dựng cẩm nang du lịch bài bản, sản phẩm du lịch đổi mới...”.

Ông Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt đánh giá: “Điểm nhấn trong thế mạnh du lịch của Đồng Tháp với du khách trong và ngoài nước là Làng hoa Sa Đéc gắn với Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nổi tiếng cùng tác phẩm Người tình. Đối với vùng Đồng Tháp Mười có hẳn điểm nhấn là Vườn Quốc Gia Tràm Chim và sản phẩm sen đặc trưng... Vì vậy, tỉnh cần có cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp nhằm thu hút giữ chân khách du lịch lại ở qua đêm”.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hoạt động du lịch thông qua các hoạt động định kỳ, chia sẻ thông tin về triển khai các nội dung phát triển du lịch, cách làm mới, sáng kiến mới. Cùng với đó, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước qua các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp gỡ trao đổi và các buổi tiếp xúc làm việc giữa hai địa phương về các nội dung phối hợp triển khai. Trong đó, 2 địa phương cũng đẩy mạnh về hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch...”.

Còn theo bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, Đồng Tháp có sự phát triển mạnh về du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, trải nghiệm làng nghề. Loại hình du lịch này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế bền vững mà còn góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa bản địa. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển sang bình thường mới, loại hình này càng có nhiều cơ hội phát triển mạnh trong thời gian tới. Vì vậy, Đồng Tháp cần đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch này để giới thiệu đến với du khách TP Hồ Chí Minh.

Triển khai nhiều giải pháp khôi phục du lịch

Để khai thác có hiệu quả thế mạnh về du lịch sau dịch Covid-19, ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Saigontourist chia sẻ, trong thời gian tới, Đồng Tháp cần tập trung tận dụng tối đa hệ thống mạng xã hội nhằm quảng bá về du lịch địa phương. Trong đó, tận dụng có định hướng thế mạnh về du lịch văn hóa - lịch sử; trải nghiệm du lịch xanh; hướng dẫn tạm thời về du lịch thích ứng với Covid-19 nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị khôi phục lại du lịch. Cùng với đó, ngành du lịch tỉnh cần tập trung truyền thông về sự an toàn, tạo niềm tin với du khách đến tham quan sau dịch Covid-19; tạo cơ chế thông thoáng để khai thác, vận hành phù hợp với điều kiện thực tế...

Còn theo ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du ngoạn Việt, ngoài việc liên kết về đào tạo, hỗ trợ quảng bá thì các địa phương cần có sự liên kết về chính sách du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL. Trong đó, phát huy thế mạnh về du lịch của địa phương mình chứ không “hòa tan” vào nhau. Đồng thời, tỉnh cần xóa bỏ tư duy làm du lịch theo kiểu rập khuôn, thay vào đó là nắm bắt tâm lý của du khách, người tổ chức tour; chú trọng phát triển du lịch mang tính trải nghiệm nhằm gây sự ấn tượng cho du khách. Về phía tỉnh Đồng Tháp cần quan tâm phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng; đào tạo nguồn nhân sự làm du lịch chuyên nghiệp...

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, các địa phương sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn kết nối du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần 2 năm 2021 tại Đồng Tháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kết nối. Theo đó, tập trung vào việc trao đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện các Bộ tiêu chí an toàn và Bản đồ số du lịch an toàn. Chú trọng công tác phối hợp triển khai các hoạt động tại chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025 hiệu quả, chất lượng, có chiều sâu và mang lại giá trị cho cộng đồng làm du lịch.

Đồng thời tăng cường các hoạt động liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp; hoạt động liên kết vùng để tạo nên các sản phẩm chung, chính sách chung nhằm tạo ra những sản phẩm phù hợp cho khách du lịch để trải nghiệm “Một hành trình - nhiều điểm đến”. Trước mắt, tập trung phát triển sản phẩm chung giữa 3 địa phương Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) - Mộc Hóa (Long An) - Tràm Chim (Đồng Tháp) với chủ đề “Sức sống những hành trình xanh”. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giao thương và khảo sát cho doanh nghiệp lữ hành từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ để xây dựng và khai thác sản phẩm đến Đồng Tháp.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, thời gian tới, đơn vị sẽ kết nối với Đồng Tháp về hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Hội chợ trực tuyến và Sàn thương mại du lịch trực tuyến tại Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2021; tiếp tục tham gia Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh và Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITE HCMC) từ năm 2022 - 2025. Truyền thông điểm đến với các địa phương, phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông việc tái khởi động ngành du lịch với thông điệp “Du lịch an toàn”, “An toàn trong từng trải nghiệm”. Đồng thời tăng cường công tác quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360 TP Hồ Chí Minh; các trang mạng xã hội giữa các địa phương. Triển khai các hoạt động quảng bá, ứng dụng bộ nhận diện thương hiệu du lịch vùng TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã được công bố trong các hoạt động du lịch tại các địa phương...

Ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết: “Thời gian tới, quan điểm của tỉnh là các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, vận chuyển, khu di tích, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được tổ chức lại các hoạt động đón tiếp và phục vụ khách du lịch, phải đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid - 19 theo quy định, với phương châm “An toàn mới mở cửa - Mở cửa phải an toàn”. Trong đó, tiếp tục chủ động ứng phó linh hoạt, thích nghi, an toàn với các ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid - 19, thông qua việc đánh giá toàn diện thực trạng và đề ra các giải pháp khôi phục lại hoạt động du lịch; tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, truyền thông quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch với các sản phẩm đặc thù, hấp dẫn. Huy động sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm xây dựng các chương trình du lịch đặc sắc, hấp dẫn thu hút được du khách...

Theo ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, địa phương vừa thông qua kế hoạch về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần nâng cao hình ảnh địa phương. Trong đó, chú trọng giải pháp ứng phó an toàn với dịch bệnh, gắn phát triển du lịch với xây dựng nền văn hóa nghĩa tình, năng động sáng tạo. Đặc biệt là giải pháp liên kết để tạo thế và lực cho du lịch Đồng Tháp có thể học hỏi, kết nối vươn xa. Tỉnh luôn rất trân quý sự giúp đỡ từ các đơn vị, địa phương, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực, sự đồng hành của các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia du lịch. Liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL hết sức quan trọng, thiết thực trong bối cảnh thích ứng an toàn linh hoạt với đại dịch Covid-19.

NHẤT LIÊN HOA (Theo Khánh Phan - Báo Đồng Tháp)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu