Nằm ngay trung tâm thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, khu vườn sinh thái Nam Hương tựa như một ốc đảo xanh, mát dịu, xóa đi cái nắng oi ả của vùng biên giới. Khi đến thăm vườn sinh thái Nam Hương du khách sẽ được trải nghiệm về sự phong phú của quần thể thực vật, nhiều loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao như: bưởi đỏ Thái Lan, cherry Nhật, nhãn tím, mít ruột đỏ, mít không hạt, tre khổng lồ Thái Lan, dừa ăn vỏ, ... Nhà tranh vách đất của người dân Tân Hồng trước năm 1975, hồ lưu trữ cá nước ngọt của sông Mekong.
Một góc của Điểm du lịch Vườn sinh thái Nam Hương
Với khẩu hiệu “Quay về tuổi thơ” Ông Trương Văn Mai đã tạo lập và phát triển Vườn sinh thái Nam Hương với mong muốn du khách không chỉ đến để tham quan mà khách sẽ được quay về ký ức tuổi thơ khi thỏa thích tham quan, chụp ảnh lưu niệm bên cạnh các tiểu cảnh mang đậm nét chân quê như: nhà tranh vách đất với mái lá đơn sơ, đống rơm, giếng nước, vó cất,…cùng với đó là khu nuôi thỏ thả vườn, khu nuôi các loài chim, trăn đất…
Khu bán hàng đặc sản, quà tặng tại Vườn sinh thái nam Hương
Tính đến nay, toàn tỉnh có 100 điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp đang hoạt động, trong đó có 12 Điểm du lịch được UBND Tỉnh công nhận là Điểm du lịch cấp Tỉnh, có 7 sản phẩm OCOP du lịch trong đó có 2 điểm được công nhận hạng 4 sao và 5 điểm được công nhận hạng 3 sao. Riêng năm 2024 phát triển mới 27 điểm du lịch nông nghiệp, cộng đồng. Trong tổng số 100 điểm đang hoạt động có 55 điểm được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh phát triển du lịch dựa trên thế mạnh địa phương. Đó là ưu tiên phát triển du lịch theo hướng sinh thái, nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề. Thời gian qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch lịch – Thành viên hội đồng OCOP đã triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tập trung phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình nông thôn mới với mục tiêu kép vừa góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực; vừa nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ các địa phương triển khai hướng dẫn chủ thể các tiêu chí OCOP nhóm du lịch; Hoàn thiện, nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, Homestay, Farmstay có tiềm năng để tham gia phát triển sản phẩm OCOP.
KHÁNH VÂN