Tín ngưỡng thờ người có công với Nhân dân, với đất nước từ lâu đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam nói chung, người dân đất “Sen hồng” - Đồng Tháp nói riêng. Ngược dòng thời gian trở về những năm đầu thế kỷ XX, lúc mà xã hội Việt Nam đang trăn trở chuyển mình tìm phương hướng giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, đô hộ của chủ nghĩa thực dân, thì cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là nhà khoa bảng yêu nước thương dân - một nhà cách mạng theo kiểu riêng, chống Pháp không công khai mà lặng lẽ. Trên con đường hoạt động cách mạng vô vàn khó khăn, gian khổ, mặc dù đã đi nhiều nơi, nhiều chỗ nhưng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã chọn làng Hòa An, Cao Lãnh để làm nơi hoạt động trong những năm tháng cuối đời. Cụ đã gieo mầm cách mạng tại Cao Lãnh để rồi Đồng Tháp có những hạt nhân của phong trào cách mạng như: Đồng chí Phạm Hữu Lầu, đồng chí Lưu Kim Phong, đồng chí Hai Thiện, đồng chí Tư Ý, đồng chí Bảy Mân,… Nhân cách và những phẩm chất cao quý đó đã tác động tích cực đến các con của Cụ và càng cao quý hơn là Cụ đã có công sinh thành nuôi dưỡng cho dân tộc ta một lãnh tụ cách mạng giải phóng dân tộc kiệt xuất, cho thế giới một danh nhân văn hoá - đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Do tuổi cao, sức yếu Cụ Sắc mất vào ngày 27 tháng 11 năm 1929 (nhằm ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Tỵ) tại làng Hòa An, Cao Lãnh.
Cảm phục trước tấm lòng yêu nước, thương dân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người dân địa phương dù rất nghèo khó nhưng vẫn chung tay lo an táng Cụ như cho chính người thân của mình. Suốt 95 năm qua, với tình cảm, vinh dự và trách nhiệm, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã thay mặt đồng bào cả nước trông coi, bảo vệ chăm sóc và tôn tạo nơi yên nghỉ của vị thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thành di tích cấp quốc gia, hướng đến cấp quốc gia đặc biệt.
Hằng năm, Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được tổ chức trang trọng với quy mô cấp Tỉnh, gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, phần Lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống gồm: Lễ cúng tiên thường, chính lễ và lễ cúng hậu thường; phần hội với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, trò chơi dân gian. Vào ngày giỗ Cụ, đền thờ và mộ Cụ tại Khu di tích quốc gia Nguyễn Sinh Sắc trở nên rộn ràng, náo nhiệt. Đông đảo du khách mọi miền Tổ quốc đến đền viếng, thắp hương, tưởng nhớ, tri ân Cụ.
Lễ giỗ có sức lan tỏa mạnh mẽ, từ một lễ cúng giỗ đã trở thành lễ hội lớn của Tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Lễ giỗ mang tính cộng đồng rất cao, được người dân và chính quyền tổ chức trang trọng như lễ giỗ một người thân trong gia đình. Để chuẩn bị cho lễ giỗ, bộ đội và Nhân dân địa phương chung tay dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cảnh quan, gói bánh tét dâng cúng Cụ, trưng bày hoa quả, trang trí đền thờ Cụ. Chính quyền địa phương các huyện, thành phố trong Tỉnh cũng gửi sản vật địa phương dâng cúng Cụ. Tất cả tạo nên sự cố kết chặt chẽ, gắn bó giữa người dân, chính quyền, cùng tưởng nhớ, ghi ơn cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một hoạt động văn hóa của địa phương có sức lan tỏa rộng, mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần giáo dục tinh thần hiếu học, truyền thống yêu nước, là dịp để bày tỏ lòng biết ơn của chính quyền và Nhân dân đất “Sen hồng” đối với công lao to lớn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà chí sỹ đã truyền bá chủ nghĩa yêu nước cho nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân làng Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Lễ giỗ cũng là sự tôn vinh đạo đức, nhân cách cao cả của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, qua đó, bồi dưỡng và phát huy ý chí tự lực, tự cường, chăm chỉ học tập noi theo gương Cụ cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thông qua lễ giỗ tỉnh Đồng Tháp đã quảng bá tiềm năng du lịch của Tỉnh đến đông đảo du khách cả nước về hình ảnh quê hương, đất nước, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước như hiện nay, Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Khu di tích quốc gia Nguyễn Sinh Sắc là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của tỉnh Đồng Tháp và của cả dân tộc. Là dịp quan trọng để giáo dục tinh thần hiếu học, truyền thống yêu nước, lòng biết ơn của Nhân dân đối với công lao to lớn của Cụ, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của Tỉnh nhà.
Đông đảo người dâng hương tưởng niệm Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Nhân dân địa phương gói bánh chuẩn bị chuẩn bị Lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề dệt chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò) phục vụ Nhân dân dự lễ giỗ Cụ Sắc
Nói chuyện chuyên đề về cuộc đời và sự nghiệp Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cho thế hệ trẻ
Bài: Quốc Danh, ảnh: Ngọc Hoài