“Sáng kiến Du lịch xanh Mekong” thúc đẩy du lịch bền vững, trách nhiệm

16/11/2024 96 0
“Sáng kiến du lịch xanh Mekong” là chủ đề phiên tọa đàm thứ hai, nằm trong chuỗi Tọa đàm “Kết nối – Vươn xa” diễn ra tại Nhà Văn hóa Lao động Đồng Tháp, vào chiều ngày 15/11.

Tiến sĩ Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua quá trình nghiên cứu hoạt động du lịch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, lượng khách đến đây ngày càng gia tăng qua các năm, tuy nhiên không phải tất cả du khách đều theo xu hướng xanh. Song đó, phát triển du lịch theo hướng xanh của các tỉnh, thành trong khu vực chỉ mới nhen nhóm trong vài năm trở lại đây và còn chưa tổng thể.

Tiến sĩ Dương Đức Minh chia sẻ về cơ hội, thách thức trong du lịch xanh

Trong khi đó, du lịch xanh mở ra cơ hội giúp bảo tồn môi trường, giá trị văn hóa bản địa, phát triển kinh tế, giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển cộng đồng dân cư. Ông dẫn chứng về tỉnh Trà Vinh, một địa phương tiêu biểu trong phát triển du lịch xanh. Tại đây, hình thành nhiều mô hình du lịch cộng đồng mang tính “tự thân”, “thuận thiên”, “canh nông”, “trải nghiệm xanh”. Các mô hình du lịch theo hướng mới đều mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa và góp phần phát huy hiệu quả hơn thế mạnh tài nguyên.

Liên quan đến phát triển du lịch xanh, Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh - Chuyên gia du lịch nông nghiệp thuộc Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) thông tin một số yêu cầu về kinh tế xanh theo quy định của Liên hợp quốc; chia sẻ các loại hình du lịch xanh hiện nay và phương thức tiếp cận xây dựng mô hình.

Bà Ngô Kiều Oanh cũng giới thiệu mô hình “Du lịch muối thông minh gắn với chuyển đổi số cộng đồng nông thôn ở Bạc Liêu”, đang được thực hiện với sự tài trợ của Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của UNDP. Đến nay, mô hình đạt được một số kết quả tích cực như: Bảo tồn và phát triển hai nguồn tài nguyên vô giá cho sức khỏe là muối nâu hồng dinh dưỡng và rau sam biển trên đất phù sa; khơi dậy sự tự hào, tri thức dân gian về nghề muối truyền thống trong cộng đồng diêm dân; khởi tạo việc ứng dụng công nghệ chế biến sơ chế cho các nơi sản xuất nhỏ, siêu nhỏ v.v..

Phần thảo luận mở, diễn ra với sự dẫn dắt của bà Huỳnh Thị Hoài Thu – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp; Tiến sĩ Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Ban IV (bên trái); ông Nguyễn Hoài Bảo – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Wildbird (bên phải)

Tại phiên tọa đàm, các chủ điểm tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh chia sẻ về quan điểm, kinh nghiệm trong quá trình phát triển du lịch xanh. Trong đó, phát triển du lịch xanh cần nhiều yếu tố, trọng tâm cần xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, kết nối cộng đồng cùng một mạng lưới, liên kết với các ngành, các chuyên gia; ứng dụng công nghệ để đổi mới hoạt động du lịch.

Các chủ điểm tham quan du lịch chia sẻ tại phiên tọa đàm

Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch C&T, tỉnh Bến Tre chia sẻ, để góp phần xanh hóa hoạt động du lịch, đơn vị đang thực hiện các sáng kiến như: “Pasport xanh”; sản phẩm tuần hoàn từ gáo dừa; chế biến thực phẩm vừa đủ, hạn chế đồ nhựa; giảm sử dụng phương tiện sử dụng nhiên liệu không thân thiện.

Tiến sĩ Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban IV cũng giới thiệu đến đại biểu về Sáng kiến Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong. Đây là điểm mới của Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024, với mục tiêu hình thành lực lượng đẩy mạnh hợp tác công – tư, góp phần hiện thực hóa các giải pháp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh. Mạng lưới bao gồm 03 nhóm công tác: Nhóm công tác Nông nghiệp xanh, Nhóm công tác Du lịch xanh và Nhóm công tác Thanh niên Mekong xanh.

Cuối phiên tọa đàm, cổng đăng ký Nhóm công tác Du lịch xanh được mở cho các doanh nghiệp tham gia. Đây là nguồn lực đầu tiên, tiền đề hình thành lực lượng công – tư phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm về sau của khu vực.

Theo Cẩm Tiên (dongthap.gov.vn)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu