Từ trồng sen…
Niềm đam mê cùng với sự thấu hiểu sen giúp anh Lê Văn Bo (Lê Bo) nhận ra tiềm năng giá trị kinh tế rất lớn của cây sen. Năm 2011, “không có cục đất chọi chim” nhưng anh Bo đánh liều mướn 03 công đất trồng sen, chủ yếu để bán gương. Thành công bước đầu khiến anh tự tin mở rộng diện tích canh tác. Vẫn là đất mướn nhưng chỉ ba năm sau, anh đã có trong tay 15 ha ruộng trồng sen.
Nông dân Lê Văn Bo
Năm 2014, gương sen liên tục giảm giá sâu và ruộng sen bị dịch bệnh tấn công, kinh tế gia đình kiệt quệ. Tuy vậy, anh coi như ông trời thử thách mình, quyết tâm “lời cũng làm, lỗ cũng làm”. Sau một thời gian tìm hiểu, quan sát thực tế và học tập kinh nghiệm, Lê Bo thử sử dụng phân thuốc hữu cơ thay cho phân thuốc hóa học. Kết quả không ngờ, cây sen vốn thích hợp với môi trường tự nhiên, dần hồi phục và khỏe mạnh. Từ đó, anh chuyển hướng sang trồng sen hữu cơ. Cây sen “sạch từ đầu đến chân” không chỉ được thu hoạch gương như trước mà nay khai thác trên tất cả các bộ phận hoa, lá, củ, tim sen.
Hằng năm, cánh đồng sen mấy chục ha của Lê Bo đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho không ít bà con trong vùng.
…đến chế biến sản phẩm từ sen…
Nhận thấy các sản phẩm từ cây sen nếu bán thô sẽ không mang lại giá trị kinh tế lớn. Năm 2018, Lê Bo mày mò học hỏi cách chế biến các sản phẩm từ sen. “Hoa sen tửu Lê Bo” là sản phẩm đầu tay cũng là tâm huyết của anh. Khi vừa ra đời, Hoa sen tửu đã đem lại giá trị cao, thị trường ưa chuộng, đồng thời được bình chọn sản phẩm OCOP 3 sao.
Hoa sen tửu là niềm tự hào của Lê Bo, là đầu câu chuyện của anh với du khách. Nghe anh giới thiệu Hoa sen tửu, thực khách chưa uống đã say, đã nghe hòa quyện nơi đầu lưỡi cái vị đăng đắng của tim sen, vị thơm ngọt từ hạt sen, hoa sen và thứ men cay nồng nàn của rượu gạo. Có hồi cao hứng, anh còn quả quyết “Rượu này ông uống bà khen nha. Tui có thí nghiệm rồi”, làm bà xã anh ngồi kế bên “đỏ mặt tía tai”.
Ngoài ra, thương hiệu Lê Bo còn sản xuất và bán ra thị trường các sản phẩm sen lụa, sen sấy, trà tim sen, trà lá sen, dưa ngó sen v.v. mặt hàng nào cũng được thị trường ưa chuộng.
…và làm du lịch trên cánh đồng sen
Trồng sen, chế biến sản phẩm từ sen, niềm đam mê với cây sen của Lê Bo vẫn chưa dừng lại. Từ 03 công sen của ngày đầu khởi nghiệp, hiện anh đã có 300 công sen hữu cơ rải rác khắp nơi. Anh chọn cánh đồng sen xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh để mở Điểm du lịch sinh thái cộng đồng “Cánh đồng sen Lê Bo”.
Mới hơn một năm đưa vào hoạt động, “Cánh đồng sen Lê Bo” đã nên hình của một mô hình du lịch sinh thái cộng đồng hứa hẹn sẽ còn thu hút lượng lớn du khách từ khắp nơi.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại Cánh đồng sen Lê Bo
Căn nhà sàn rộng thoáng, một mặt ngó ra con sông, một mặt ngó ra cánh đồng sen, vừa làm bếp nhà hàng, vừa làm nơi tiếp khách, vừa làm nơi trưng bày các sản phẩm sen Lê Bo. Nhịp cầu tre vươn ra giữa cánh đồng sen bát ngát. Những căn chòi lá xinh xinh như những cái điếm canh giữa mênh mông gió lộng. Mảnh vườn nho nhỏ trồng đủ các loại cây trái tự nhiên xanh sạch. Nhiêu đó đã đủ để nơi này níu chân những bạn trẻ là tín đồ của “chek in”.
Tới đây, du khách còn được thưởng thức những món ăn đồng quê chế biến từ sen, từ các loại tôm, cá, lươn, ếch v.v. có sẵn trong ruộng sen, do chính tay vợ chồng Lê Bo chế biến.
Nguồn: Gương Sen vàng số 03-2024