Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc - Nơi an nghỉ của một nhà nho giàu lòng yêu nước, thương dân

16/08/2024 845 0
Đồng Tháp không những sở hữu những cánh đồng lúa bát ngát, nhiều cánh đồng Sen, cánh rừng tràm bạt ngàn, mà còn được biết đến là vùng đất có nhiều Di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử có giai thoại nổi tiếng. Một Di tích lịch sử khi về Đồng Tháp ai ai cũng mong muốn một lần được đến viếng, dâng hương, để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao, đạo đức và nhân cách cao cả của Người – Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Khuôn viên khu Mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc tọa lạc tại phường 4, thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp, khu mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được khởi công xây dựng vào ngày 22/8/1975 và khánh thành vào ngày 13/2/1977. Ngày 09/4/1992 Khu Di tích được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Đây là công trình ghi nhớ công ơn của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một tấm gương hiếu học, một nhà nho yêu nước, thương dân, người có công sinh thành, giáo dục, hình thành một nhân cách lớn, một lãnh tụ kiệt xuất của Tổ Quốc và dân tộc ta, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Mô hình nhà sàn Bác Hồ và Ao Sen Đồng Tháp

Tháng 2/1990, tỉnh Đồng Tháp khởi công xây dựng mô hình nhà sàn Bác Hồ và Ao Sen Đồng Tháp, công trình được khánh thành vào ngày 19/5/1990 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890-19/5/1990). Năm 2010, Khu Di tích khánh thành công trình “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”. Với diện tích sau khi mở rộng là gần 9 hecta, trong đó có xây dựng mới nhà trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và phục dựng lại một góc làng Hòa An xưa nơi đã gắn bó với cụ Sắc những năm cuối đời, với diện tích 22.000m2, một làng quê êm đềm của vùng đất Sen hồng giàu truyền thống cách mạng. Trong suốt hai năm 1927-1929 Cụ Phó bảng sống chan hòa với bà con lối xóm, Cụ bốc thuốc, xem mạch trị bệnh cho người dân..., nhưng sâu xa hơn chính là Cụ muốn gần gũi với bà con để truyền bá chủ nghĩa yêu nước, gieo mầm cách mạng trong nhân dân.

Đặc biệt vào năm 2022, Khu Di tích đã khánh thành nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về thời niên thiếu, quê hương, gia đình cũng như cuộc đời và sự nghiệp của của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến với Khu Di tích, du khách còn chiêm ngưỡng nhiều loài hoa, kiểng quý do đồng bào khắp các nơi mang đến tặng để tạo bóng mát và vẻ đẹp tự nhiên cho nơi yên nghỉ của một nhà nho yêu nước. Bên cạnh mộ Cụ là hai cây được công nhận cây Di sản Việt Nam đó là cây Khế được trồng từ năm 1727 và cây Sộp trồng năm 1688 do gia đình ông Ngô Văn Hay ở Sa Đéc tặng. Hai cây cổ thụ này được cắt tỉa theo dạng bonsai kiểng cổ nên có hình dáng rất đẹp. Không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà hai cây này còn mang một giá trị lịch sử sâu sắc. Khi đất nước còn trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, để ủng hộ cách mạng Việt Nam, thầy giáo Kỳ đã cho đào hầm bí mật dưới hai gốc cây. Thầy đã nuôi giấu cán bộ cách mạng qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà địch không thể nào phát hiện.

Bên cạnh đó, khi đến Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc, du khách còn chiêm ngưỡng nét độc đáo của hai tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ của Nghệ nhân Lê Trí Liên: “Tác phẩm Trống đồng Đông Sơn và Chín đầu rồng; Tác phẩm Điêu khắc nghệ thuật hình Hoa sen và 12 con giáp” bằng gỗ dầu đã được ghi vào sách kỉ lục Việt Nam về gỗ nguyên khối chạm khắc lớn nhất Việt Nam vào năm 2014.

Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có và qua các hoạt động trải nghiệm du lịch đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới như hoạt động trải nghiệm “Nông nghiệp du lịch”, “Em tập làm nông dân”,… góp phần phát huy tốt các giá trị truyền thống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khai thác các hoạt động dịch vụ gắn với phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc trở thành “Địa chỉ đỏ” quen thuộc thu hút ngày càng nhiều các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội đến sinh hoạt về nguồn, tổ chức lễ kết nạp đoàn viên, Đảng viên mới, qua đó nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.

Giờ đây, khi đến Khu Di tích, bên cạnh tấm lòng thành kính dâng hương Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, du khách sẽ được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của vùng Đất Sen hồng.

Mai Quyên

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu