Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

19/07/2024 700 0
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Theo quy hoạch Tràm Chim là 01 trong 08 địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia ở Đồng bằng
sông Cửu Long (Hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim)

Quy hoạch được thực hiện trên toàn bộ lãnh thổ trên đất liền, các đảo, quần đảo và vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Với mục tiêu tổng quát: Năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới; đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới. 

Các mục tiêu cụ thể: Năm 2025 phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm. Năm 2025 đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP; đến năm 2030 đóng góp trực tiếp từ 13 - 14% trong GDP. Năm 2025 khoảng 1,3 triệu buồng; đến năm 2030 khoảng 2 triệu buồng. Năm 2025 tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, trong đó khoảng 2,1 triệu việc làm trực tiếp; đến năm 2030 tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp… cùng với các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội, môi trường, an ninh - quốc phòng. Về tầm nhìn đến năm 2045: Khẳng định du lịch giữ vai trò động lực của nền kinh tế; là điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.300 nghìn tỷ đồng; đóng góp 17 - 18% trong GDP.

Quy hoạch đã đưa ra các định hướng phát triển gồm: Định hướng phát triển thị trường; Định hướng phát triển sản phẩm; Định hướng tổ chức không gian du lịch; Định hướng đầu tư phát triển du lịch; Tổ chức, phát triển hệ thống doanh nghiệp du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Đặc biệt trong nội dung định hướng tổ chức không gian du lịch đã xác định sau năm 2030 tại Khu vực động lực phát triển du lịch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng: du lịch sông nước miệt vườn; tìm hiểu di sản văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, vui chơi giải trí. Trong đó, cụm: An Giang - Đồng Tháp - Long An tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ sinh thái sông nước, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa cùng các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng. Tỉnh Đồng Tháp có Khu Tràm Chim được đưa vào danh mục địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia.

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao tại quy định, Ủy ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về du lịch theo quy định của pháp luật có liên quan trong phạm vi địa phương; quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch; Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch này; cập nhật nội dung các quy hoạch, đề án, dự án liên quan đang thực hiện trên địa bàn bảo đảm tuân thủ các định hướng về phát triển du lịch tại địa phương theo Quy hoạch; Quy hoạch phải bảo đảm khả năng tích hợp đồng bộ với Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt. Chủ động quy hoạch bố trí quỹ đất phù hợp để thu hút đầu tư các Khu du lịch quốc gia và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối phù hợp với nguồn lực và nhu cầu của địa phương; Bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp khác để tổ chức triển khai các nội dung của Quy hoạch này, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc Chính phủ ban hành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là căn cứ pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả trong công tác lập quy hoạch, quản lý, thu hút đầu tư phát triển du lịch, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn, thu hút được nhiều khách du lịch nội địa và quốc tế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Khánh Vân

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu