Hành trình 42 năm phát triển du lịch Đồng Tháp

05/07/2024 861 0
Hình thành từ năm 1982, chậm hơn ngành du lịch cả nước 22 năm và rất mờ nhạt trong ngành du lịch Việt Nam. Tài nguyên và tiềm năng gần như chưa được khai thác, phát huy. Thế nhưng, bằng những giải pháp, chính sách phát triển du lịch thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương và xu hướng chung của cả nước, du lịch Đồng Tháp đến nay đã xác định được vị thế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Hình ảnh du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn Sen” tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách và sự quan tâm của các cơ quan truyền thông đại chúng.


6 tháng đầu năm 2024, du lịch Đồng Tháp đã đón trên 2.5 triệu lượt khách, doanh thu 1.250 tỷ đồng

Từ tài nguyên và tiềm năng du lịch

Được bao bọc bởi  Sông Tiền và Sông Hậu mang nhiều phù sa, bồi đắp cho những vườn cây trĩu quả bốn mùa và những cánh đồng bát ngát, nơi đây được xem là “vựa lúa của khu vực đồng bằng sông Cửu Long”. Đồng Tháp có nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt là tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn.

Tiêu biểu là vùng đất ngập nước Vườn quốc gia Tràm Chim – nơi trú ngụ của loài Sếu đầu đỏ được ghi vào sách đỏ thế giới, có thể xem nơi đây là Đồng Tháp Mười thu nhỏ với những thảm thực vật đặc trưng như: lúa trời, năng, lác, bông súng, điên điển,… Khu di tích Xẻo Quýt nơi có hệ sinh thái rừng tràm nguyên sinh 20ha, những dây leo quấn quýt trên cây tràm giống như bức tranh sơn thuỷ hữu tình; Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng với sân chim rộng hơn 36ha, đa dạng về chủng loại và đặc biệt là loài nhan điển quý hiếm được đưa vào sách đỏ; Khu di tích Gò Tháp – nơi lưu giữ dấu tích thành luỹ của Vương quốc Phù Nam và các di chỉ của nền văn hoá Óc Eo.

Đồng Tháp còn có nhiều đình, chùa và các làng nghề truyền thống nổi tiếng như : chùa Kiến An Cung, chùa Hương, chùa Bà, chùa Tổ (Bửu Lâm Tự), đình Tân Phú Trung, đền thờ Thượng Tướng Trần Ngọc, Văn Thánh Miếu... làng dệt chiếu Định Yên, làng Nem Lai Vung…

Du khách đến với Đồng Tháp còn được thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đồng bằng Nam bộ như: cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, cá rô kho tộ, canh chua cá linh non với bông điên điển, mắm kho bông súng, đặc biệt có 200 món ăn sen… cùng với nhiều loại trái cây miệt vườn đã trở thành thương hiệu như: xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, bưởi Phong Hoà,… Người dân Đồng Tháp hiền hoà, cởi mở và giàu lòng mến khách. Tất cả những yếu tố đó đã làm cho du lịch Đồng Tháp càng thêm hấp dẫn và trở thành địa chỉ quen thuộc đối với du khách mỗi khi đến với đồng bằng sông Cửu Long.

Đến quả ngọt sau 42 năm phát triển

Từ những tiềm năng và tài nguyên sẵn có cùng với những giải pháp, chính sách phát triển du lịch thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương và xu hướng chung của cả nước, sau 42 năm, du lịch Đồng Tháp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao về cả phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cũng như phục vụ an toàn, có chất lượng đã thu hút một lượng lớn khách đến Đồng Tháp, bao gồm khách trong nước và ngoài nước. Nổi bật nhất phải kể đến là từ năm 2015, đây là năm đánh dấu bước chuyển mình của du lịch Tỉnh khi Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020 được ban hành và đưa vào thực hiện.

Trải qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020 và 3 năm thực hiện Kết luận số 249 -KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, du lịch Đồng Tháp đã xác định được vị thế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Hình ảnh du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn Sen” tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách và sự quan tâm của các cơ quan truyền thông đại chúng. Đây cũng là giai đoạn mà du lịch Đồng Tháp tạo được dấu ấn đột phá, không chỉ xếp thứ 3 khu vực ĐBSCL về số lượng du khách mà còn phát triển mạnh các loại hình: du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm mùa nước lũ, du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng...

Cụ thể, về hạ tầng giao thông: Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai Dự án kết nối giao thông phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển du lịch. Ưu tiên các tuyến đường dẫn đến các điểm tham quan du lịch trọng yếu của Tỉnh và hạ tầng du lịch nông thôn. Hiện nay các khu di tích, điểm tham quan trọng điểm đã kết nối thuận lợi, xe từ 29-45 chỗ vào được tận nơi.

Về đầu tư hạ tầng du lịch: các dự án đầu tư hạ tầng tại các Khu, điểm trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch.

Về phát triển cơ sở lưu trú du lịch: từ chỉ có 7 nhà nghỉ với 92 phòng vào năm 1995, đến 30/6/2024 toàn Tỉnh có 96 cơ sở lưu trú du lịch do tư nhân đầu tư với trên 1.900 phòng. Trong đó có 53 cơ sở lưu trú đã được xếp loại hạng từ đủ tiêu chuẩn, hạng 1 sao – 3 sao (hơn 1.500 phòng), với tổng số vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.


Khách sạn Sky (TP Hồng Ngự) là 01 trong 03 khách sạn 3 sao của Tỉnh

Về phát triển phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường bộ và đường thủy, có 290 phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường bộ và đường thủy.

Về xây dựng sản phẩm đặc trưng: các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm của Tỉnh đã định vị được sản phẩm du lịch đặc trưng riêng,thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm:

Khu du lịch Tràm Chim: Các tour du lịch trải nghiệm mùa nước nổi được các hộ dân vùng đệm tham gia khai thác và phục vụ khách du lịch với các dịch vụ như: Trải nghiệm làm ngư dân, thu hoạch lúa ma, tham quan sinh thái bãi chim sinh sản, giỡ chà chuột; tham quan hoa đồng nội Nhĩ cán tím và hoa Hoàng đầu ấn,.. được đông đảo du khách đặc biệt yêu thích.


Mùa hoa Hoàng đầu ấn tại Khu du lịch Tràm Chim (ảnh tư liệu từ Cuộc thi sáng tác ảnh đẹp du lịch Đồng Tháp)

Khu di tích Xẻo Quít: Chương trình trải nghiệm một ngày làm nông dân, thu hút được các công ty lữ hành đưa vào chương trình tham quan như: dỡ chà, giăng lưới bắt cá, bắt vịt trên sông, đua xuồng, cắm trại, trồng rau sạch...thu hút nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn đưa khách về trả nghiệm.


Khu di tích Xẻo Quít (ảnh tư liệu từ Cuộc thi sáng tác ảnh đẹp du lịch Đồng Tháp)

Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng: Khai thác thế mạnh về ẩm thực đồng quê với làng ẩm thực cuối tuần, khu biểu diễn ẩm thực phục vụ khách trải nghiệm và dịch vụ vận chuyển khách bằng xe bò cũng thu hút khá đông du khách trải nghiệm.


Khu di tích Gáo Giồng (ảnh tư liệu từ Cuộc thi sáng tác ảnh đẹp du lịch Đồng Tháp)

Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc – Làng Hòa An xưa: đã đưa vào phục vụ lưu trú 8 căn nhà gỗ tại khu Làng Hòa An xưa. Khung cảnh Làng Hòa An xưa được tái hiện với những hàng dừa, hàng me, những cây mận Hòa An, bến nước, xuồng ba lá và những mảnh vườn rau đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị trong không gian làng quê Nam Bộ đặc trưng.


Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (ảnh tư liệu từ Cuộc thi sáng tác ảnh đẹp du lịch Đồng Tháp)

Khu di tích Gò Tháp - Đồng Sen Tháp Mười: Khai thác sản phẩm đặc thù Văn hóa Vương quốc Phù Nam - Óc Eo và thưởng ngoạn cảnh quan vùng Đồng Tháp Mười với những cánh đồng sen, thưởng thức ẩm thực với các món ăn dân giã chế biến từ sen. Hiện nay, khu di tích Gò Tháp - Đồng Sen Tháp Mười là một trong những điểm đến yêu thích vào dịp cuối tuần của khách du lịch trong khu vực ĐBSCLvà TP. HCM.


Khu di tích Gò Tháp (ảnh tư liệu từ Cuộc thi sáng tác ảnh đẹp du lịch Đồng Tháp)

Làng hoa kiểng Sa Đéc: Các hộ dân tổ chức hướng dẫn cho khách tham quan, trồng hoa kiểng trải nghiệm quy trình sản xuất, giới thiệu nguồn gốc xuất xứ hoa kiểng, đặc tính, đặc điểm của từng loại hoa, tạo mô hình để khách tham quan chụp ảnh lưu niệm trong làng hoa. Thương hiệu Làng hoa trăm tuổi được khẳng định và lan toả mạnh mẽ.


Làng hoa Sa Đéc (ảnh tư liệu từ Cuộc thi sáng tác ảnh đẹp du lịch Đồng Tháp)

Đặc biệt Đồng Tháp là địa phương tiên phong xây dựng Mô hình Du lịch Chính quyền. Từ năm 2015, Tỉnh Đồng Tháp, với mong muốn xây dựng một chính quyền gần dân, gần doanh nghiệp, gần thực tế, Lãnh đạo Tỉnh đã ủng hộ hình thức “du lịch chính quyền” mới này. Du khách có thể tham quan, chụp hình thoải mái trong khuôn viên sân vườn với nhiều tiểu cảnh đẹp được trang trí và chăm sóc tỉ mỉ của trụ sở UBND Tỉnh, các đoàn du khách có chọn lọc có thể được giao lưu cùng lãnh đạo tỉnh trong quán “Cà phê doanh nghiệp” ngay trong khuôn viên Ủy ban nhân dân Tỉnh.

Người dân đến tham quan, chụp ảnh tại trụ sở UBND tỉnh Đồng Tháp trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 (Ảnh: Nhựt An – TTXNV)

Về phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới: Năm 2014, toàn Tỉnh chưa có điểm du lịch tư nhân nào. Sau khi Đề án Phát triển Du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 được ban hành và thực hiện đã phát triển được 51 điểm du lịch cộng đồng khai thác phục vụ khách du lịch khá hiệu quả. Đến 30/6/2024, đã phát triển lên được có 72 điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp đang hoạt động. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã thẩm định và trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận cho 11 điểm du lịch đạt tiêu chuẩn là Điểm du lịch theo tiêu chuẩn của Luật Du lịch; Có 53 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng được cấp phép đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Đặc biệt có 07 điểm du lịch nông nghiệp đã được chứng nhận OCOP nhóm Du lịch cộng đồng, Du lịch sinh thái và Điểm du lịch.


Điểm tham quan Miền Tây Lodge (TP Sa Đéc)

Về phát triển và kết nối tour, tuyến du lịch: đã xây dựng các chương trình du lịch đặc thù khá hấp dẫn giới thiệu cho các đơn vị lữ hành ngoài Tỉnh nhằm thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm Đồng Tháp như chương trình du lịch “Trải nghiệm một ngày làm nông dân”, “Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”, “Sắc xuân Đồng Tháp”, “Mỗi ngày một nghề”, “Đi trong màu xanh của vườn cây trái”…

Đã kết nối và đưa vào chương trình tour du lịch các điểm tham quan du lịch mới như: Làng du lịch Tân Thuận Đông – TP. Cao Lãnh; Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam – huyện Lấp Vò; Vườn Quýt hồng Lai Vung; Làng du lịch Cồn Phú Mỹ - huyện Thanh Bình; Chùa cổ Bửu Lâm – huyện Cao Lãnh; tham quan hoa Nhĩ cán tím, hoa Hoàng đầu ấn tại VQG Tràm Chim,… đã thu hút được sự quan tâm chú ý của giới truyền thông và các doanh nghiệp lữ hành, du khách trong và ngoài tỉnh.

Du lịch văn hóa - lễ hội: các lễ hội lớn của Tỉnh như Lễ Giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, 02 kỳ Lễ hội Gò Tháp, Lễ giỗ Ông Bà Đỗ Công Tường, Lễ hội Hoa Sa Đéc, được phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Di sản văn hóa phi vật thể “Hò Đồng Tháp” được đưa vào phục vụ tại các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm, đặc biệt là văn hóa ẩm thực đặc trưng Đồng Tháp được nâng tầm giá trị qua các giải thưởng tại các sự kiện như Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ tại TP Cần Thơ, Liên hoan ẩm thực Đất Phương Nam tại TPHCM, góp phần thu hút khách, tạo điểm nhấn riêng cho du lịch Tỉnh.


Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Khu di tích Gò Tháp

Phát triển Ẩm thực đặc trưng và sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm

Nhận thấy tầm quan trọng của ẩm thực trong phát triển du lịch, thời gian qua, Đồng Tháp đã rất chú trọng khai thác văn hóa ẩm thực đặc trưng của địa phương trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch; gắn chặt ẩm thực với định vị sản phẩm đặc trưng ở các khu, điểm du lịch trọng điểm của Tỉnh nói chung và các địa phương nói riêng.

Các món ăn đặc trưng của Đồng Tháp như: cá lóc nướng trui gói lá sen non, lẩu cá linh bông điên điển, bông súng mắm kho, chuột quay lu, hủ tiếu Sa Đéc, các món ăn từ ếch đồng… đặc biệt, 200  món ăn từ Sen Đồng Tháp đã được xác lập kỷ lục Việt Nam và Châu Á. Hiện nay, rất nhiều món ăn từ Sen đang được phục vụ và được yêu thích: cơm hạt sen, gỏi ngó sen, chè sen, canh củ sen, cánh hoa sen chiên giòn, củ sen chiên giòn, chả giò sen,…


Đồng Tháp đã được xác lập kỷ lục Việt Nam và Châu Á 200 món ăn chế biến từ Sen

Tinh hoa ẩm thực là cầu nối hữu hiệu để giới thiệu và quảng bá hình ảnh của một nền văn hóa. Nếu như món phở Việt đã được vinh danh là linh hồn của ẩm thực Việt Nam, trở thành món ăn được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến và yêu thích. Thì ẩm thực Đồng Tháp với các món ăn chế biến từ Sen không chỉ ngon miệng mà còn tốt cho sức khoẻ đã và đang chinh phục được những vị khách khó tính nhất.

Về hàng quà tặng, đặc sản địa phương hiện tỉnh Đồng Tháp  có 453 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 366 sản phẩm OCOP 3 sao và 86 sản phẩm OCOP 4 sao, 01 sản phẩm OCOP 5 sao.

42 năm qua, chính quyền các cấp đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch đạt nhiều kết quả quan trọng. Du lịch của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch, xếp thứ hạng cao trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về số lượng du khách. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, trong đó hạ tầng giao thông đường bộ đã kết nối, lưu thông thuận tiện đến tất cả các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh.  Năm 2023, du lịch Đồng Tháp tiếp tục giữ vững vị trí Top 4 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long về lượt khách đến với 4,034 triệu lượt kháchthu du lịch đạt 1.925 tỷ đồng. Năm 2024, Đồng Tháp tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu đón 4,2 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng.

Du lịch Đồng Tháp được hình thành từ tháng 4/1982, đầu tiên là thành lập Công ty Du lịch trực thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp (nay là Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp). Tháng 4 năm 1994, UBND Tỉnh giao chức năng quản lý nhà nước về du lịch cho Sở Thương mại và đổi tên thành Sở Thương mại và Du lịch; tháng 5/1994, thành lập Phòng Quản lý Du lịch trực thuộc Sở Thương mại và Du lịch với 03 biên chế sau đó bổ sung thêm 3 biên chế là 6 người. Đến năm 2007, thực hiện chủ trương sát nhập của Chính phủ, Phòng Quản lý Du lịch chuyển về Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Khánh Vân

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu