Du khách tham quan, chụp ảnh tại vườn nho Năm Nhân (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh) (Ảnh: Phước Minh)
Thành phố đã triển khai thực hiện nhiều mô hình phát triển nông nghiệp đô thị, có 9 mô hình trình diễn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đăng ký triển khai từ các địa phương. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có khoảng 3.724ha trồng xoài, tập trung nhiều tại Phường 6, Phường 11, xã Tân Thuận Đông, xã Tân Thuận Tây, xã Tịnh Thới, xã Hòa An. Mô hình trồng nho sử dụng phân hữu cơ du lịch tại xã Tân Thuận Đông, xã Mỹ Ngãi; mô hình kinh doanh trực tuyến “Cây xoài nhà tôi” thực hiện 4 vườn xoài tại các xã: Tịnh Thới, Tân Thuận Tây, Hòa An và Phường 6. Cùng với đó, vận động 27 hộ dân ở xã Hòa An khôi phục, phát triển trồng mận Hòa An với trên 3,5ha.
Thời gian qua, UBND thành phố phối hợp, tham gia cùng Đoàn khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ông Ngô Quốc Khang - cố vấn Hiệp hội phát triển du lịch nông trại Đài Loan khảo sát thực tế một số điểm du lịch cộng đồng, Hội quán có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn. Sau 1 năm khảo sát, tư vấn, một số điểm đã tiếp thu, vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn, phục vụ du khách như: Vườn nho Phước Điền, Vườn nho Xuân Tươi, Tâm Quê Hội quán, Thuận Tân Hội quán, Điểm tham quan sinh thái Trải Nghiệm Xưa. Các điểm đã bước đầu nhận diện, định hướng và nhận thức việc xây dựng sản phẩm đặc trưng, chuyên biệt tạo sự phong phú, đa dạng, tăng tính cạnh tranh, thu hút du khách, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn; chú trọng kỹ năng phục vụ du lịch.
Hiện nay, thành phố có các điểm có tiềm năng, đủ điều kiện và thực sự có nhu cầu đầu tư phát triển du lịch sau chuyến khảo sát của chuyên gia như: Tâm Quê Hội quán ở xã Tân Thuận Tây, thời gian qua kết nối với tour du lịch Mỹ Phước Thành phát triển các sản phẩm du lịch, sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, trải nghiệm trồng rau trong nhà lưới và sản phẩm thảo mộc “Gừng - Tỏi - Ớt”. Tổng lượt khách du lịch đón và phục vụ sau 1 năm ước khoảng 1.230 lượt khách, trong đó khách đến tham quan chủ yếu là từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, địa phương lân cận. Ngoài ra, du khách được trực tiếp tham gia trải nghiệm các hoạt động như: nổ cốm, làm và thưởng thức nhiều loại bánh dân gian theo công thức và sự hướng dẫn của những người dân địa phương, hoạt động: bắt cá, chọi gà, chọi cá lia thia; tham gia các trò chơi dân gian tập thể, nhận quà lưu niệm... Đặc biệt, du khách được tham quan vườn xoài - trái cây chủ lực của địa phương, được thưởng thức các loại trái cây tại vườn và tìm hiểu quá trình canh tác, chăm sóc cây của bà con nông dân, mua sắm các sản phẩm đa dạng làm từ xoài...
Hiện nay, tại Hội quán, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng ra đời, người nông dân nơi đây từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy mô hình du lịch nông nghiệp độc đáo của tỉnh. Năm 2023, thành phố hỗ trợ Tâm Quê Hội quán cải tạo cảnh quan; nâng cấp nhà vệ sinh và làm khu trải nghiệm trồng rau an toàn với tổng số tiền 50 triệu đồng. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Xã đoàn Tân Thuận Đông tích cực tuyên truyền, vận động hội viên khởi nghiệp. Năm 2020, chị Nguyễn Thị Hồng Tươi ngụ ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông đăng ký khởi nghiệp với mô hình trồng nho kết hợp du lịch. Với diện tích 1.000m2, trồng trên 200 cây nho, gồm 4 giống: nho đỏ, nho Hồng Ngọc, nho kẹo, nho dùng nấu rượu. Vườn nho Xuân Tươi trở thành điểm đến của nhiều du khách trong, ngoài tỉnh, góp phần phát triển du lịch địa phương. Có thể nói, với sự quan tâm của Thành ủy, UBND thành phố, lĩnh vực du lịch TP Cao Lãnh đang có nhiều bước chuyển mới, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và đặc trưng để phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng.
Theo Nguyễn Toàn (baodongthap.vn)