Quang cảnh buổi hội thảo
Phát biểu khai mạc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, Hội thảo nhằm đề cao yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội Đồng Tháp, hướng đến những mục tiêu quan trọng về sen. Hội thảo đòi hỏi các kết quả nghiên cứu mới về giá trị văn hóa của sen Tháp Mười hiện nay và trong tương lai. Kết quả của hội thảo sẽ là luận cứ khoa học khả thi, để các nhà quản lý xây dựng các kế hoạch bền vững vị thế sen Đồng Tháp trong vai trò đại diện của sen Việt Nam trước thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn phát biểu tại buổi hội thảo
Từ mục tiêu trên, theo ông Tuấn, Ban tổ chức đã đề xuất với các nhà nghiên cứu 8 chủ đề chính: Cơ sở lý luận xác lập mối quan hệ giữa sen với vùng đất, con người Đồng Tháp; Nhận diện đầy đủ gíá trị văn hóa sen đối với vùng đất, con người đồng Tháp; Nâng tầm phát triển của sen Đồng Tháp trong các phương diện văn hóa ở địa phương; Nâng tầm hội nhập quốc tế của sen Đồng Tháp thông qua chiến lược phát triển du lịch; Đánh giá tầm quan trọng của chính sách về phát triển cây sen Đồng Tháp và thành tựu đạt được từ các chính sách này; Nhận thức và sinh kế của người trồng sen từ tác động của các chính sách; Sáng tạo văn hóa, nâng tầm giá trị sen gắn với vùng đất, con người Đồng Tháp; Kinh nghiệm khai thác giá trị sen từ các quốc gia trên thế giới.
Có 17 tham luận và gần 10 ý kiến tham gia đề đạt, thảo luận và phản biện trong hội thảo được các đại biểu quan tâm chia sẻ.
GS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dẫn chứng, trên thế giới hoa sen hiện diện phổ biến không những trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, y học, nông nghiệp mà còn cả trong triết học và kinh tế. Ứng dụng mô hình hoa sen là yếu tố quan trọng của Nhật Bản và phương Tây trong phát triển giáo dục, đồng thời nâng tầm nhận thức của con người trong chiến lược quản lý nhân sự và phát triển kinh doanh.
Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Trần Ngọc Thêm nêu quan điểm, để khắc họa đậm nét hình ảnh sen - biểu tượng nhận diện thương hiệu của tỉnh Đồng Tháp, cần có kế hoạch xây dựng khu phức hợp sen Đồng Tháp, bao gồm: Viện nghiên cứu tổng hợp về sen, Công ty nuôi trồng và chế biến sen, Bảo tàng khoa học tự nhiên về sen, Bảo tàng văn hóa sen, bảo tàng 3D về sen, Khu trải nghiệm và vui chơi gắn với sen, Công ty du lịch chuyên đề về sen… Khu phức hợp sen Đồng Tháp sẽ giúp khai thác thế mạnh đặc thù của Đồng Tháp là sen, giúp tỉnh bứt phá phát triển toàn diện và bền vững, trở thành thủ phủ sen của Việt Nam và thế giới.
Bên cạnh đó, đề xuất Phát triển bền vững du lịch sen, quảng bá thương hiệu danh tiếng Đồng Tháp của GS.TS Phạm Thị Thu Hiền; Phát huy giá trị cây sen góp phần xây dựng "Festival sen Đồng Tháp" trở thành một lễ hội du lịch tiêu biểu của địa phương và vùng ĐBSCL trong quá trình hội nhập; Đề xuất xây dựng hình tượng hoa sen trong sự tích hợp văn hóa và kiến trúc tại Đồng Tháp của GS.TS Nguyễn Thị Bích Vân, Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh cũng được đông đảo đại biểu quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn (bìa trái) trao hoa cảm ơn các chuyên gia có tham luận tại hội thảo
Thông qua hội thảo, bước đầu đã thống nhất về xây dựng hình tượng văn hóa sen trong phát triển kinh tế - xã hội Đồng Tháp đồng hành và hội nhập sâu rộng. Ban tổ chức mong mỏi các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm tòi, đóng góp, trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, trao đổi thảo luận thẳng thắn về chiến lược nâng tầm hội nhập văn hóa sen của tỉnh Đồng Tháp.
Huy Tự