- Phóng viên: Thưa ông, đây là lần thứ hai Lễ hội Sen Đồng Tháp được tổ chức, xin ông cho biết lễ hội lần này có những điểm mới, nổi bật nào so với lần tổ chức trước?
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II
- PCT UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn: Nối tiếp thành công của Lễ hội Sen lần thứ I vào năm 2022, năm 2024 tỉnh Đồng Tháp quyết định tiếp tục tổ chức Lễ hội Sen quy mô cấp tỉnh, với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen”, nhằm tôn vinh hoa Sen, phát huy giá trị văn hóa - kinh tế, thúc đẩy phát triển ngành hàng Sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp.
Lễ hội năm nay tiếp tục được tổ chức nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), khai mạc vào tối ngày 16/5 tại Quảng trường Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh.
Có thể nói, lễ hội lần này có nhiều hoạt động nhất từ trước đến nay trong các kỳ lễ hội, với 28 hoạt động. Trong đó, nổi bật như: Hội thảo quốc tế về Sen; Hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng Sen tỉnh Đồng Tháp; Công bố lô hàng Sen đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản; Không gian trưng bày Sen quốc tế; Dòng sông Sen; Hội thi ẩm thực các món ăn chế biến từ Sen; Phố ẩm thực Sen; Hội thi thời trang Sen; Triển lãm ảnh nghệ thuật, tranh và gốm Nam Bộ chủ đề Sen Đồng Tháp; Trekking đi giữa mùa Sen - Tràm Chim; Tour du lịch trải nghiệm Sen; Không gian sáng tạo, trải nghiệm chủ đề Sen; hoạt động Bích họa Sen v.v..
Đồng Tháp chọn Sen là hình ảnh đặc trưng và quyết tâm tạo dựng thương hiệu
“Đồng Tháp - Đất Sen hồng”. Ảnh: Hoàng Kha
Cùng với đó, Lễ hội Sen lần thứ II này còn “đậm đặc” không gian về Sen, nổi bật là Bản đồ Việt Nam từ Sen lớn nhất cả nước; diễu hành áo dài Sen, với sự tham gia của 5.500 phụ nữ Đồng Tháp; không gian Sen với 66.000 chậu, hơn 57 giống Sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt v.v. hứa hẹn tạo nên không gian trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách khi đến với lễ hội.
Ngoài ra, Lễ hội Sen còn kết hợp với Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Tháp năm 2024, quy tụ 250 gian hàng đến từ các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, có không gian trưng bày chuỗi ngành hàng Sen, giới thiệu khoảng 60 sản phẩm OCOP từ Sen và trên 120 sản phẩm được làm từ Sen.
- Phóng viên: Có những công trình hay hạng mục thiết kế nào của Lễ hội lần thứ II sẽ được lưu giữ lâu dài?
- PCT UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn: Đây là nội dung Ban Tổ chức lễ hội rất quan tâm nên trong phương án thiết kế đã lưu ý Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh và các sở, ngành liên quan duy trì, quản lý sử dụng lâu dài một số hạng mục sau lễ hội như: Không gian trưng bày các giống Sen, Bản đồ Sen, Dòng sông Sen, Tuyến phố ẩm thực, Bản đồ hoa trên hồ nước Công viên Văn Miếu và một số cụm đại cảnh, tiểu cảnh trang trí cho lễ hội. Về thời gian duy trì sẽ tùy từng công trình, tuy nhiên Ban Tổ chức cố gắng lưu giữ lâu dài để tiếp tục phục vụ người dân, du khách được chiêm ngưỡng cũng như tìm hiểu các thông, trải nghiệm về Sen Đồng Tháp.
- Phóng viên: Bên cạnh hoạt động về văn hóa, nghệ thuật còn có hội thảo khoa học về Sen, xin ông chia sẻ thêm về nội dung này?
- PCT UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn: Đúng vậy, như đã thông tin ở trên, trong chuỗi sự kiện Lễ hội Sen lần thứ hai này còn có Hội thảo khoa học “Sen Đồng Tháp: Giá trị văn hóa - Nâng tầm hội nhập”. Việc tổ chức hội thảo này nhằm định vị rõ giá trị Sen Đồng Tháp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục nâng tầm phát triển Sen Đồng Tháp trên các phương diện văn hoá, kinh tế, du lịch địa phương. Đồng thời, đánh giá tầm quan trọng của chính sách về phát triển của Đồng Tháp và thành tựu đạt được từ các chính sách này; từ đó, làm cơ sở khoa học để tham mưu, đề xuất các chính sách và chiến lược phát triển nâng tầm giá trị Sen trong thời gian tới, hướng tới kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành hàng Sen Đồng Tháp nói riêng.
Hội thảo kế tiếp đó là “Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế ngành hàng sen Đồng Tháp và xác định các giải pháp nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, mang lại lợi ích cho môi trường và kinh tế. Hội thảo sẽ có các tham luận về xây dựng chuỗi ngành hàng Sen trong nền kinh tế nông nghiệp xanh và hội nhập; vùng chuyên canh Sen chất lượng cao và phát thải thấp, đề xuất một số mô hình sản xuất bền vững; cơ hội hợp tác quốc tế trong ngành Sen và các giải pháp để mở rộng thị trường xuất khẩu và tiếp cận khách hàng mới.
Sen hồng Đồng Tháp đang vào mùa khoe sắc. Ảnh: Hoàng Kha
- Phóng viên: Nói riêng về giá trị kinh tế của ngành hàng Sen Đồng Tháp thì sao, thưa ông?
- PCT UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn: Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng Sen trên địa bàn tỉnh khoảng 1.800 ha. Vùng nguyên liệu Sen tập trung tại các huyện: Tháp Mười, Châu Thành, Cao Lãnh, Tân Hồng, Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông, Thanh Bình. Sen cũng là một trong những ngành hàng chủ lực được đưa vào Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường nghiên cứu ứng dụng giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất đối với các giống sen chuyên biệt, phục vụ cho các nhu cầu khác nhau như hoa trang trí, lấy hạt, lấy ngó, lấy lá, sản phẩm cao cấp, chiết xuất từ sen.
Hiện tại, Sen Đồng Tháp được chế biến thành nhiều sản phẩm, từ món ăn, thức uống đến thủ công mỹ nghệ và hầu hết các bộ phận của cây Sen đều được khai thác để nâng cao giá trị như: Hạt sen sấy, củ sen sấy, trà lá sen, trà hoa sen, trà tim sen, rượu sen, tranh sen, hoa sen sấy v.v.. Riêng sản phẩm Hạt sen sấy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nam Huy Đồng Tháp (huyện Châu Thành) đã trở thành sản phẩm OCOP quốc gia (5 sao). Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ Sen được tỉnh sử dụng làm quà tặng cho đại biểu cấp cao, đặc biệt là tranh từ hoa Sen, lá Sen.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn
giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật được làm từ lá Sen Đồng Tháp
Trong đợt lễ hội này sẽ công bố lô hàng củ sen tươi lần đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản, bước đầu khẳng định chất lượng và thương hiệu Sen tại thị trường khó tính.
Ban Tổ chức Lễ hội Sen Đồng Tháp kỳ vọng, lễ hội lần thứ II này sẽ không chỉ quảng bá về văn hóa, du lịch mà còn để Đồng Tháp khẳng định tiềm năng vốn có để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh tế về Sen, liên kết phát triển du lịch gắn với kinh tế nông nghiệp; đồng thời, mong muốn nhận được sự quan tâm, đón tiếp nhiều du khách trong, ngoài nước đến với lễ hội.
- Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyệt Ánh thực hiện
(Theo dongthap.gov.vn)