Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: TITC)
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Điện Biên được biết đến là mảnh đất lịch sử gắn với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những di tích như: Đồi A1, Hầm Đờ-cát-tơ-ri, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng hay Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ... được đầu tư xây dựng, tôn tạo đã đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Ngoài thế mạnh du lịch lịch sử, Điện Biên còn là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe với hệ thống suối khoáng nóng, các homestay được đầu tư hay du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và trải nghiệm bản sắc văn hóa của 19 dân tộc. Trong định hướng phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử - tâm linh; Du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Để tiếp tục phát huy vai trò của du lịch Điện Biên trong liên kết, tạo động lực phát triển du lịch khu vực Tây Bắc, năm 2024, tỉnh Điện Biên vinh dự được chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận”. Đây là lần thứ hai tỉnh Điện Biên vinh dự được lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia (lần đầu tiên diễn ra năm 2004 - cách đây đúng 20 năm).
Toàn cảnh buổi họp báo (Ảnh: TITC)
Với 169 chương trình, sự kiện hưởng ứng trong đó có 13 chương trình, sự kiện quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ban, ngành Trung ương chủ trì tổ chức; tỉnh Điện Biên chủ trì tổ chức 28 chương trình, sự kiện, hoạt động; 128 sự kiện, hoạt động hưởng ứng do 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, qua sự kiện Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 - Trải nghiệm khác biệt, những giá trị, tiềm năng của du lịch Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc và du lịch Việt Nam nói chung sẽ được hội tụ, phát huy và quảng bá hiệu quả, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp sức của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình trong thời gian tới để du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới. Hy vọng quý vị sẽ đến với tỉnh Điện Biên xinh đẹp, thân thiện, hiền hòa và mến khách để hòa mình vào các hoạt động, sự kiện của Chương trình Năm Du lịch quốc gia 2024 với những trải nghiệm khác biệt, đặc biệt Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2024 diễn ra vào tối ngày 16/3 sẽ là sự kiện mở màn cho các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế khởi sắc với diện mạo mới, an toàn và hấp dẫn”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói.
Giám đốc Sở VHTTDL Điện Biên Nguyễn Minh Phú giới thiệu tổng quan về
Năm Du lịch quốc gia 2024 (Ảnh: TITC)
Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở VHTTDL Điện Biên Nguyễn Minh Phú đã giới thiệu tổng quan về Năm Du lịch quốc gia 2024; các hoạt động, sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2024 và du lịch tỉnh Điện Biên; thiết kế bộ nhận diện, biểu trưng, biểu tượng Năm Du lịch quốc gia 2024.
Theo đó, điểm nhấn của Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 là Lễ Khai mạc, gắn với tổ chức Lễ hội Hoa Ban năm 2024, với chủ đề: “Về miền Hoa Ban” vào 19h30 ngày 16/3 và Chương trình nghệ thuật đặc biệt và bắn pháo hoa tầm cao được tổ chức vào tối ngày 6/5 tại Quảng trường 7-5 TP. Điện Biên Phủ; Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào sáng ngày 7/5 tại Sân vận động tỉnh Điện Biên.
Bên cạnh đó là Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Điện Biên, Liên hoan Ẩm thực toàn quốc năm 2024 tổ chức vào tháng 8 tại Quảng trường 7-5 TP. Điện Biên Phủ; Hội chợ Công Thương vùng Tây Bắc - Điện Biên năm 2024 vào Quý 2/2024; Lễ Tổng kết, Bế mạc “Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024” tổ chức vào tháng 12 tại TP. Điện Biên Phủ.
Ông Phú cho biết, biểu trưng và khẩu hiệu Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 được xây dựng trên âm hưởng hào hùng của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cùng sự hội tụ, kết tinh văn hoá đặc sắc, thiên nhiên hùng vĩ của vùng đất biên cương.
Hình ảnh trung tâm là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ với mong muốn thể hiện lịch sử hào hùng, khát vọng hòa bình, hướng tới tương lai phát triển. Cùng với đó là hình ảnh Hoa Ban được cách điệu đầy màu sắc thể hiện vẻ đẹp đặc trưng của Điện Biên.
Biểu trưng và khẩu hiệu được thiết kế dựa trên màu sắc đặc trưng của du lịch Điện Biên. Trong đó, màu vàng tượng trưng cho du lịch lịch sử - tâm linh, đức tin và khát vọng. Các màu chàm, xanh lá, tím nhạt biểu trưng cho du lịch văn hóa, khám phá cảnh quan thiên nhiên. Màu xanh da trời tượng trưng cho du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe, giúp cân bằng năng lượng và mang đến cảm xúc tích cực…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: TITC)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng cho biết, ngoài thế mạnh du lịch lịch sử, tâm linh, Điện Biên còn giàu tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và trải nghiệm bản sắc văn hóa của 19 dân tộc. Du lịch Điện Biên được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử - tâm linh; Du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Năm Du lịch quốc gia 2024 sẽ góp phần tiếp tục phát huy vai trò của du lịch Điện Biên trong liên kết, tạo động lực phát triển du lịch khu vực Tây Bắc.
Trong khuôn khổ buổi họp báo, Ban Tổ chức cũng đã trao đổi với các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương về các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị, hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ du khách; sản phẩm du lịch đặc trưng; kết nối giao thông; chính sách thu hút đầu tư… của tỉnh Điện Biên.
Theo vietnamtourism.gov.vn