Khu di tích Gò Tháp thuộc ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cách thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười khoảng 11km về phía Bắc, cách thành phố Cao Lãnh 43km về hướng Đông Bắc, với tổng diện tích khoảng 300ha. Khu di tích Gò Tháp được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là Di tích quốc gia năm 1989 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt về di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật năm 2012. Khu di tích Gò Tháp được xem là nơi hội tụ của những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, tâm linh tín ngưỡng và du lịch mà khó nơi nào có được.
Về văn hóa: Gò Tháp từng là tiểu quốc của Vương quốc Phù Nam tồn tại từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 12 sau công nguyên; có nền văn hóa Óc Eo với nhiều loại hình di tích khảo cổ học như: di tích cư trú, di tích kiến trúc, di tích ao thần, giếng thần, đền thần (đền thần shiva, thần vishnu và thần Mặt trời surya)… và có một số lượng lớn các hiện vật khảo cổ có giá trị như sưu tập tượng thần Hindu giáo (có 2 tượng thần vishnu được công nhận là bảo vật quốc gia), tượng Phật gỗ, bộ sưu tập hơn 400 hiện vật vàng,... được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Bộ sưu tập hiện vật vàng Óc Eo - Gò Tháp nhiều nhất Việt Nam” năm 2014.
Về lịch sử: Gò Tháp có những trang sử chói lọi, ghi lại những chiến công hiển hách của hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều trong cuộc chiến chống Thực dân Pháp. Gò Tháp là “thủ đô kháng chiến” của cả vùng Nam Bộ, là căn cứ địa “lòng dân” của Xứ ủy và Ủy Ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ giai đoạn 1946 - 1949. Gò Tháp còn là nơi ghi dấu chiến công vang dội của Tiểu đoàn 502 - những người con ưu tú của quê hương Đồng Tháp, trong trận đánh sập “Tháp Mười Tầng” do chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng vào đầu năm 1960.
Về tâm linh, tín ngưỡng: Khu di tích Gò Tháp còn nổi bật qua những giá trị tâm linh tín ngưỡng với nhiều di tích tôn giáo - tín ngưỡng như đền thờ Thiên Hộ Dương, đền thờ Đốc Binh Kiều, chùa Tháp Linh, Miếu Bà Chúa Xứ, miếu Hoàng Cô. Hằng năm, nơi đây có 2 kỳ lễ hội lớn, đó là Lễ vía Bà Chúa Xứ (rằm tháng 3 âm lịch) và lễ giỗ hai vị anh hùng Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều (rằm tháng 11 âm lịch). Mỗi đợt lễ hội kéo dài trong ba ngày, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, cúng viếng.
Về du lịch: Đây được xem như “cái rốn” của cả vùng Đồng Tháp Mười vì có môi trường thiên nhiên sinh thái, động, thực vật hoang sơ mang đặc trưng tiêu biểu của vùng với nhiều món ăn đặc sản mang đậm hương vị đồng quê như: cá lóc nướng trui, chuột đồng khìa; gỏi khô ngó sen, mắm kho cá linh, cá rô kho tộ… Mang trong mình những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, tâm linh tín ngưỡng và du lịch, Khu di tích Gò Tháp đã trở thành điểm hẹn hấp dẫn, điểm đến không thể bỏ qua của mỗi du khách trên hành trình khám phá vùng đất Sen hồng Đồng Tháp.
Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc
Khu di tích mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng vào ngày 22/8/1975 và khánh thành vào ngày 13/2/1977. Đây là công trình tưởng nhớ công lao của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một nhà nho yêu nước, thương dân, người có công sinh thành, giáo dục Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990), Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc xây dựng thêm mô hình nhà sàn Bác Hồ với tỉ lệ 1:1 và ao sen. Ngoài ra, Khu di tích cũng trưng bày 2 tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc hình trống đồng và chín đầu rồng, tác phẩm hoa sen và 12 con giáp chạm khắc từ gỗ dầu đã được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam về gỗ nguyên khối chạm khắc lớn nhất Việt Nam vào năm 2014. Nằm trong khuôn viên Khu di tích là một góc làng Hòa An là nơi cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng sinh sống với nhiều mô hình nhà sàn truyền thống của người dân Nam Bộ xưa như nhà bát dần, nhà chữ Đinh, nhà Nọc Ngựa….
Chùa Kiến An Cung
Chùa Kiến An Cung hay còn gọi là chùa Ông Quách tọa lạc tại phường 2, trung tâm thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Đây là công trình văn hoá có lối kiến trúc độc đáo và trang nghiêm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Đây là một công trình kiến trúc được sắp đặt khéo léo với nghệ thuật chạm khắc tinh vi, không chỉ tăng thêm vẻ mỹ quan mà còn có ý nghĩa giáo dục, khuyên con người làm việc thiện. Hai bên vách tô điểm những hình thập diện phong trần và nhiều chuyện xưa ý nghĩa thâm trầm. Ở mặt chính trên vách chùa có trang trí những cây cối, chim, thú, tượng nguời ghép bằng mảnh gốm màu thu nhỏ tạo thành những bức tranh nằm theo đường gờ lắp kính. Mái trước cửa ra vào có 4 chậu hoa bằng gỗ sơn son thếp vàng, giữa có tấm hoành phi “Kiến An Cung”. Trên cửa ra vào có 6 con lân gỗ thếp vàng, ở mỗi mặt của cánh cửa có vẽ cảnh sinh hoạt của vua chúa và các quan ngày xưa. Hai bên cửa chính có hai câu đối trang trí hoa văn xung quanh, nền chạm hoa mai và hạc thếp vàng rực rỡ. Cửa chính có các bức tranh theo lối thủy mặc, nét họa uyển chuyển, sắc bén, còn cửa hai bên lại có chạm khắc bông sen, chim thú sinh động… Hằng năm chùa có 2 ngày lễ tế: ngày 22/2 và ngày 22/8 âm lịch. Cứ 3 năm chùa lại thiết lập trai đàn, cúng cầu siêu cho bá tánh quá vãng và cầu cho quốc thái dân an.
Bửu Lâm Tự
Chùa Bửu Lâm còn có tục danh là chùa Tổ Cái Bèo (tọa lạc tại ấp 3, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), là ngôi chùa đầu tiên ở vùng Đồng Tháp Mười, cũng là một trong những ngôi chùa đầu tiên ở Nam Bộ. Ra đời khoảng cuối thế kỷ 17, chùa Bửu Lâm từng có hàng trăm tượng phật (trong đó có hàng chục tượng được làm bằng cây mây), nhiều liễn đối, hoành phi chạm trổ tinh vi, chuông, ấn, lư đồng cổ xưa,... Tính đến nay, chùa đã trải qua 12 đời trụ trì; đào tạo được nhiều thế hệ tăng sĩ, trong đó có nhiều vị đã hoằng hóa, khai sơn, trụ trì nhiều chùa ở khắp đồng bằng sông Cửu Long.
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam, trong giai đoạn chống Pháp, chùa Bửu Lâm đã trở thành trạm liên lạc, tiếp tế lương thực, hậu cần... cho nghĩa quân. Giai đoạn chống Mỹ cứu nước, chùa tiếp tục nhiệm vụ hậu cần và là nơi nuôi giấu cán bộ chiến sĩ cách mạng. Khuôn viên tháp chùa là hầm bí mật che giấu cán bộ, bọng cây xây cổ thụ cũng là nơi một số cán bộ ẩn náu né tránh các cuộc càn quét của địch. Trong hai cuộc kháng chiến, các sư, tăng ni, phật tử của chùa đã hết lòng vì đạo pháp và dân tộc, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc ở địa phương.
Xẻo Quýt – Khu di tích lịch sử - sinh thái rừng tràm
Khu di tích Xẻo Quýt thuộc xã Mỹ Hiệp và xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, cách thành phố Cao Lãnh 30km. Nơi đây khi xưa cỏ dại hoang vu, kênh rạch chằng chịt, từ năm 1960 - 1975 được Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) chọn làm căn cứ chiến lược để lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Khu du tích Xẻo Quít có diện tích khoảng 50ha là khu căn cứ kháng chiến chống Mỹ tiêu biểu của vùng đồng bằng ngập lũ được che phủ bởi rừng tràm nguyên sinh rộng 20ha với những dây leo quất quýt tên cây tràm giống như bức tranh sơn thủy hữu tình. Nơi đây, còn bảo lưu các di tích như: công sự chiến đấu, hầm tránh bom, hầm bí mật… là điểm tham quan về nguồn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Đền thờ Ông, bà Đỗ Công Tường
Tương truyền ông/bà Đỗ Công Tường là người có công rất lớn đối với cùng đất Cao Lãnh. Khi ông/ bà mất đi, người dân trong vùng đã xây dựng ngôi đền để tỏ lòng biết ơn. Kể từ khi xây dựng (1820), trải qua nhiều lần tôn tạo và trùng tu, ngôi đền đơn sơ xưa nay đã là một công trình cổ kính, trang nghiêm tọa lạc trên đường Lê Lợi, thuộc phường 2, thành phố Cao Lãnh. Ngày 20/4/2001, đền thờ được công nhận là Di tích cấp tỉnh. Từ năm 2009, theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh, lễ giỗ thường niên của ông bà Đỗ Công Tường đã chính thức trở thành lễ hội văn hóa - lịch sử cấp thành phố, với nhiều hoạt động vui chơi như: ca nhạc, đờn ca tài tử, múa lân, biểu diễn thể dục dưỡng sinh, thi đấu bóng đá, chạy việt dã và các trò chơi dân gian...
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tọa lạc tại số 225A đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, được ông Huỳnh Cẩm Thuận xây dựng năm 1895 và trùng tu 1917. Ngôi nhà có kiến trúc đặc biệt và được trang hoàng độc đáo. Ngôi nhà vốn là nơi ở của gia đình ông Huỳnh Thủy Lê - người tình đầu tiên của nữ văn sĩ người Pháp, Marguerite Duras. Mối tình này về sau trở thành hồi ký để bà viết nên tiểu thuyết nổi tiếng “Người tình” năm 1984. Tác phẩm này được đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud chuyển thể thành phim năm 1992. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Toàn bộ ngôi nhà được xây dựng trên diện tích 258m2 có hình dáng theo kiểu nhà truyền thống người Việt, mái lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền theo kiểu đình chùa Bắc Bộ nhằm tạo nét mềm mại cho mái. Tuy nhiên, kiến trúc bên trong nhà cao ráo thoáng mát, tường được xây bằng gạch đặc rất dày từ 30cm - 40cm bao lấy kết cấu khung gỗ làm tăng khả năng chịu lực theo lối kiến trúc truyền thống của Pháp. Nhà có ba gian, trang trí bên trong theo kiểu người Hoa. Các khung bao hai bên chạm trổ chim muông hoa lá thể hiện sự sung túc của gia đình. Đặc biệt, giữa gian nhà chính có thờ Quan Công, một tín ngưỡng truyền thống của người Hoa; đồng thời cũng thể hiện sức mạnh và sự phồn thịnh trong cuộc sống. Các cửa gỗ, các loại tủ, giường, bàn thờ đều được chạm khắc rất công phu, tinh xảo. Năm 2008, nhà cổ đã được chứng nhận là di tích cấp tỉnh và được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2009.