01/01/2020 31/12/2020
3225 0
Đây là chủ đề của Chương trình cầu truyền hình trực tiếp Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), diễn ra vào tối 18/5, tại 05 điểm cầu: Hà Nội, Tuyên Quang, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, do Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện.
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Uỷ viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Vĩnh Trọng - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Vũ Đức Đam - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh, thành phố lân cận.
Đại diện người dân thành phố Cao Lãnh và học sinh vinh dự được tham gia
Chương trình cầu truyền hình trực tiếp
Chương trình chọn từ khóa “ý chí” làm nội dung xuyên suốt. Đây là ý chí của một Anh hùng giải phóng dân tộc, một Danh nhân văn hóa thế giới. Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Người đã trải qua biết bao khó khăn, trở lực, cam go từ những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước và trong cả sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ý chí Hồ Chí Minh, ý chí người cộng sản Việt Nam là một ngọn lửa bất diệt, được cả thế giới công nhận, tôn vinh và trở thành biểu tượng cao đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử cho đến hôm nay. Mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam từ khi có Bác Hồ cho đến ngày nay đều chung một ý chí, ý chí Hồ Chí Minh - ý chí toàn dân tộc.
Tiết mục “Mong Bác vô Nam” của thiếu nhi tỉnh Đồng Tháp
mở đầu chương trình tại điểm cầu Đồng Tháp
Chương trình cầu truyền hình có 05 chương, gồm: Người trai chí lớn, Đi tìm mùa xuân độc lập, Một nhà thống nhất, Âm thanh ngày mới, Rạng rỡ Việt Nam.
Chương trình được thể hiện bằng cách kết hợp giữa 05 điểm cầu truyền hình trực tiếp, phim tư liệu, phóng sự, MV, tiết mục nghệ thuật, giao lưu trực tiếp với các học giả, nhân chứng trong và ngoài nước.
Chương trình cầu truyền hình trực tiếp được thực hiện nhằm mục đích
giáo dục truyền thống, ôn lại những câu chuyện về hành trình cuộc đời,
sự nghiệp của Hồ Chí Minh, từ đó rút ra những bài học sâu sắc,
ý nghĩa trong thời đại hôm nay và cho lớp trẻ trong tương lai.
Chương trình thu hút hàng trăm sinh viên các trường cao đẳng,
đại học trên địa bàn tỉnh.
Triển lãm hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp Cách mạng
của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các bạn đoàn viên thanh niên
quan tâm tìm hiểu
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay đối với đại biểu
tham dự Chương trình cầu truyền hình
Hình ảnh hoa sen Đồng Tháp là điểm nhấn nổi bật khu vực sân khấu.
Nhiều giai điệu về Bác Hồ, quê hương Việt Nam vang lên đầy hào hùng
Bác Hồ đã dạy “Nông dân giàu thì nước ta giàu.
Muốn nông nghiệp thịnh thì cần có hợp tác xã”.
Chính từ lời dạy đó, những nông dân Đồng Tháp, trong đó
có ông Tống Văn Phong – Chủ nhiệm Thành Tâm Hội quán (Lai Vung)
đã tích cực tham gia vào mô hình Hội quán để liên kết,
hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Học tập lời dạy về sự đoàn kết của Bác,
các thành viên Thành Tâm Hội quán đã chung tay cùng làm cuộc cách mạng
nông sản sạch, xây dựng vùng nguyên liệu trái cây lớn,
đáp ứng được nhu cầu thị trường khó tính.
Chương trình cầu truyền hình “Hồ Chí Minh – Sáng ngời ý chí Việt Nam” đã cho người dân cả nước được lắng nghe những câu chuyện về Người, được lắng nghe những giai điệu qua nhiều thế hệ, khi mỗi lần vang lên đều bồi hồi không nguôi và nhớ về Người.
Điều đặc biệt hơn nữa, qua Chương trình cầu truyền hình này người dân cả nước đã xúc động khi nghe ông Lê Chí Đức – người chiến sĩ miền Nam được đơn vị phân công làm nhiệm vụ đặc biệt là mang tấm ảnh mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đồng bào Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) chụp, mang ra biếu Bác và nắm đất nơi mộ cụ của Phó bảng để dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm hình ấy đã ghi lại tất cả những hy sinh, anh dũng của đồng bào quyết bảo vệ bằng được ngôi mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc. Tấm ảnh ấy giờ đây đã trở thành hiện vật vô cùng quý giá của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phủ Chủ tịch.
Nguyệt Ánh