Du lịch Đồng Tháp phục hồi mạnh mẽ

06/02/2024 1434 0
Sau hơn 01 năm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Chính Phủ và gần 02 năm triển khai thực hiện Kế hoạch Mở cửa lại hoạt động du lịch trên địa bàn Tỉnh trong điều kiện bình thường mới (Kế hoạch 111/KH-UBND ngày 31/3/2022). Với quyết tâm tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tập trung mọi nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Năm 2023, du lịch Đồng Tháp tiếp tục giữ vững vị trí Top 4 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long về lượt khách đến. Nhiều sản phẩm mới được xây dựng đưa vào phục vụ thu hút đông đảo khách du lịch và nhận được sự quan tâm của các cơ quan truyền thông. Có thể nói, năm 2023 là năm đánh dấu sự phục hồi và tăng tốc trở lại của hoạt động du lịch Đồng Tháp.


Năm 2023, Đồng Tháp đón 4,034 triệu lượt khách du lịch

Du lịch vượt chỉ tiêu đề ra cả về lượng khách và doanh thu. Tổng kết năm 2023, toàn tỉnh đón được 4,034 triệu lượt khách, đạt 106,16% kế hoạch năm tăng 14,59% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu du lịch đạt 1.925 tỷ đồng đạt 106,94%, tăng 15,66% so với cùng kỳ năm 2022. Có được kết quả trên là sự nổ lực và hành động quyết liệt của tập thể Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trên tất cả các mặt.

Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch trọng tâm về phát triển du lịch. Tập trung các giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Đặc biệt, tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Đề án phát triển du lịch gắn với tại dựng hình ảnh Đồng Tháp giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo điều hành hoạt động du lịch đồng bộ, hiệu quả trên các lĩnh vực.

Hoạt động của các cơ sở lưu trú đã dần hồi phục, các cơ sở kinh doanh lưu trú đã đón và phục vụ được gần 1,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt gần 800 tỷ đồng, công suất phòng bình quân đạt hơn 70%. Nhìn chung, tình hình kinh doanh lưu trú du lịch, chất lượng dịch vụ được nâng lên một bước, nhiều cơ sở lưu trú chủ động trong việc mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo Tiêu chuẩn quốc gia và ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, tạo thuận lợi cho khách và mang lại hiệu quả kinh tế.

Hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Tỉnh đã dần đi vào nề nếp. Tổng số doanh nghiệp lữ hành được cấp phép trên địa bàn Tỉnh là 22 doanh nghiệp (5 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 17 doanh nghiệp lữ hành nội địa). Cấp 26 thẻ hướng dẫn viên du lịch gồm 4 thẻ quốc tế và 22 thẻ nội địa.


Sa Nhiên Garden – Sản phẩm OCOP 3 sao là một trong các điểm thu hút khách
 tại
 TP. Sa Đéc

Công tác phát triển sản phẩm đặc trưng cũng đạt kết quả khả quan, phát triển mới 04 điểm du lịch gắn với trải nghiệm nông nghiệp. Có 02 điểm được UBND Tỉnh ra quyết định công nhận Điểm Du lịch theo tiêu chuẩn Luật Du lịch 2017. Tính đến cuối năm 2023, toàn Tỉnh có 72 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đang hoạt động, trong đó có có 50 điểm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Chương trình phát triển du lịch nông nghiệp gắn với OCOP cũng được Sở triển khai thực hiện tốt. Năm 2023, Đồng Tháp có 01 điểm nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao (Khu vui chơi giải trí Happy Land Hùng Thy), 2 điểm tái công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (Vườn kiểng Ngọc Lan; Homestay Ngôi nhà Hoa và Ếch Hùng Trang) và 03 điểm công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023 (Vườn Hồng tư Tôn, Khu du lịch Hoa kiểng Sa Đéc, Vườn sinh thái Nam Hương). Tổng số điểm OCOP du lịch của Tỉnh hiện nay là 07 điểm, nằm trong Top đầu của Đồng bằng Sông Cửu Long.


Một góc Khu du lịch Hoa kiểng Sa Đéc, điểm tham quan du lịch được công nhận OCOP 3 sao vào năm 2023

Ra mắt thêm nhiều Tour du lịch mới: Tour du lịch Chợ chiếu ma Định Yên; 03 chương trình tour tại Tràm Chim (Bình Minh Tràm Chim 02 giờ, Bình Minh Tràm Chim 02 ngày 01 đêm, Hoàng hôn Tràm Chim 02 ngày 01 đêm). Đặc biệt, có 02 mô hình mới: Chợ quê Tân Thuận Đông (hoạt động mỗi thứ 7 hàng tuần) và Chợ quê Gò Tháp họp định kỳ vào thứ 7 cuối tháng bước đầu khai thác hiệu quả và thu hút được các công ty lữ hành đưa khách về tham quan, trải nghiệm.


Chợ quê Gò Tháp thu hút 8.000 – 10.000 lượt khách mỗi phiên

Hoạt động quảng bá, xúc tiên du lịch tiếp tục được tăng cường và đổi mới, các hoạt động quảng bá tại các Hội chợ/sự kiện du lịch trọng điểm TP.HCM và Hà Nội tiếp tục được duy trì. Năm 2023, Đồng Tháp tổ chức xúc tiến thêm thị trường các tỉnh Miền Trung tại Đà Nẵng. Công tác quảng bá trên các phương tiện truyền thông được mở rộng ngoài kênh Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp được duy trì và đổi mới về mặt nội dung nhằm nâng cao chất lượng chuyên mục và tăng sức hấp dẫn. Năm nay, Sở hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khu điểm trọng điểm và các điểm du lịch nông nghiệp, hộ cộng đồng tiếp cận kênh truyền thông mới, cập nhật theo xu hướng thời đại là Youtube và Tiktok nhằm tăng độ phủ của du lịch Đồng Tháp.

Cổng thông tin du lịch tiếp tục giữ vai trò là kênh chính thống, là một địa chỉ tin cậy cho du khách khắp mọi miền đất nước và các doanh nghiệp lữ hành truy cập và tìm kiếm các thông tin về du lịch Tỉnh với lượng thông tin hình ảnh được cập nhật liên tục về các hoạt động du lịch, sự kiện du lịch của Tỉnh...

Với kết quả trên, hình ảnh du lịch Đồng Tháp tiếp tục giữ vững định vị trên bản đồ du lịch Việt Nam. Với sự tăng trưởng và phục hồi mạnh mẽ, kỳ vọng cho sự bứt phá của du lịch trong năm 2024. Để phát huy hiệu quả hơn nữa, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trong tâm và đột phá nhằm thực hiện mục tiêu đón 4,2 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng. Cụ thể tập trung một số nhiệm vụ sau:

(1) Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch số 61/KH-UBND Tỉnh về thực hiện Kết luận số 249-KL/TU của BCH Đảng bộ Tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025; Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh và Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương.

(2) Khai thác hiệu quả lợi thế về sản phẩm đặc trưng, thị trường khách nội địa, khách quốc tế. Thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, hình ảnh địa phương, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của vùng đất Sen hồng.

(3) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới.

(4) Tiếp tục phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu di tích, điểm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch. Khuyến khích đầu tư các bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch phục vụ khai thác loại hình du lịch đường thủy trên tuyến sông Mêkong; Phát triển hệ thống quầy hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP Đồng Tháp tại các khu di tích, điểm du lịch, điểm dừng chân và khu vệ sinh công cộng trên các tuyến đường bộ phục vụ phát triển du lịch.

(5) Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khác biệt, có giá trị gia tăng và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên đặc trưng của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Đồng Tháp. Hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng từng khu di tích, điểm du lịch trọng điểm theo định vị Đề án; Tiếp tục củng cố, nâng cấp chất lượng các Chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Chương trình du lịch trải nghiệm một ngày làm nông dân ở Xẻo Quít, Chương trình du lịch trải nghiệm mỗi ngày một nghề tại TP.Sa Đéc, Chương trình du lịch đi trong màu xanh của vườn trái cây đặc sản như Quýt hồng Lai Vung, Xoài Cao Lãnh, Nhãn Châu Thành,…

(6) Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm nhằm lan toả thương hiệu du lịch “Đồng Tháp – Thuần khiết như hồn Sen”. Tăng cường và đa dạng thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế. Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động liên kết phát triển du lịch; Tổ chức các chương trình, sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch tại Đồng Tháp; Tham gia các hoạt động, sự kiện Năm du lịch Quốc gia. Tham gia các sự kiện hưởng ứng của vùng ĐBSCL và TPHCM, tăng độ phủ của hình ảnh du lịch Đồng Tháp an toàn, hấp dẫn thu hút khách nội địa và quốc tế.

(7) Đăng ký tham gia một số hội chợ du lịch quốc tế tổ chức tại Việt Nam và ở nước ngoài tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng trong khu vực và trên thế giới như: Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan), Châu Âu, các nước khu vực ASEAN, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và Tiểu vùng sông Mê Kong mở rộng Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch tổ chức.

(8) Tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đặc biệt, chú trọng lao động lành nghề, có tính chuyên nghiệp cao. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý nhà nước về du lịch gắn với chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch cấp xã, huyện. Nhân lực quản trị của doanh nghiệp, nhân lực điều hành các nhóm nghề du lịch và nhân lực quản lý tại điểm.

(9) Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND ngày 24/3/2022 của HĐND Tỉnh. Kêu gọi đầu tư phát triển các công trình dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, hoạt động trải nghiệm phù hợp tại các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm. Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ mới, thân thiện với môi trường, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới, nâng dần giá trị gia tăng của sản phẩm dịch vụ du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch Tỉnh.

(10) Đổi mới mô hình quản lý, khai thác, phát huy các khu di tích, điểm du lịch có tính đặc trưng, khác biệt, cạnh tranh cao để thu hút du khách. Triển khai các mô hình Đề án 06 của Chính phủ, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.

Khánh Vân

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu