Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp là một khu vực gồm nhiều gò nhỏ nằm trên một giồng đất rộng, trải dài trên địa phận xã Mỹ Hòa và xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Gò Tháp được xem là nơi hội tụ của những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, khảo cổ và tâm linh gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau.

Khu di tích Gò Tháp được các nhà khảo cổ xác định là một tiểu quốc của vương quốc Phù Nam. Nơi đây lưu giữ gần như khá nguyên vẹn các di tích của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, với hơn 10 di tích kiến trúc đền thần Hindu giáo, ao thần, giếng thần, đường đi cùng nhiều di tích cư trú, xưởng chế tác,… và nhiều bộ sưu tập hiện vật độc đáo như: tượng thần Hindu giáo (trong đó có 02 tượng thần Vishnu được công nhận là Bảo vật Quốc gia), tượng Phật gỗ và đặc biệt là bộ sưu tập hơn 400 hiện vật vàng gồm các lá vàng, khuyên tai vàng, nhẫn vàng, sợi dây chuyền vàng,… đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Bộ sưu tập hiện vật vàng Óc Eo – Gò Tháp nhiều nhất Việt Nam”.

Gò Tháp còn có “trang sử vàng son” trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước. Nơi đây từng là “Đại bản doanh” của hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Võ Duy Dương và Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều trong cuộc đấu tranh chống Thực dân Pháp xâm lược những năm 1862 – 1866. Sau năm 1945, Gò Tháp là “địa chỉ đỏ” của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nơi đây được Xứ uỷ và Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ chọn làm căn cứ kháng chiến từ năm 1946 đến năm 1949. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Gò Tháp còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt đánh sập Tháp Mười Tầng (Viễn vọng đài) của chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 04 tháng 01 năm 1960 của quân và dân tỉnh Kiến Phong.

Khu di tích Gò Tháp còn nổi bật qua những giá trị tâm linh với các di tích tín ngưỡng, tôn giáo với các di tích như Miếu Bà Chúa Xứ, Miếu Hoàng Cô, Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương, Đền thờ Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều và chùa Tháp Linh. Hằng năm có hai kỳ lễ hội truyền thống lễ Vía Bà Chúa Xứ vào rằm tháng 3 Âm lịch và Lễ giỗ hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Võ Duy Dương và Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều vào rằm tháng 11 Âm lịch. Mỗi kỳ lễ hội thu hút hàng trăm ngàn du khách thập phương về tham dự. Đầu năm 2018 vừa qua, Ban Quản trị Thiền phái Trúc lâm Yên Tử đã tổ chức Lễ đặt đá khởi công xây dựng Đại Bảo tháp và Thiền viện Trúc Lâm Tháp Mười tại khu di tích Gò Tháp. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh và là một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống các điểm tham quan du lịch tâm linh ở Khu di tích Gò Tháp.

Bên cạnh đó, Gò Tháp còn có khu sinh thái rộng hơn 160 hecta đã được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường công nhận là Khu bảo tồn đa dạng sinh học vào năm 2015. Khu sinh thái Gò Tháp là nơi bảo lưu nhiều nét hoang sơ của hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười với nhiều loài động – thực vật đặc hữu, nơi được xem là vương quốc của sen. Hoa sen Gò Tháp với vẻ đẹp thuần khiết của mình đã đi vào thơ ca “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen, Việt Nam đẹp nhứt có tên Bác Hồ”. Trong tương lai, Gò Tháp sẽ có Khu du lịch sinh thái để khai thác hiệu quả các giá trị sinh thái phục vụ cho tốt cho nhu cầu tham quan, du lịch, thưởng ngoạn của du khách.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt đó, Khu di tích Gò Tháp đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Quốc gia năm 1989 và năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt về loại hình di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật.